Trường tiểu học La Văn Cầu - xã Đắk R'Măng: Quặn lòng bữa cơm chỉ có rau

Bữa cơm của các em học sinh chỉ gồm cơm trắng, muối mì tôm, chút rau xanh… em nào 'sang' lắm thì có được miếng đậu khuôn nấu nát, khiến nhiều người chứng kiến không khỏi xót xa.

Bữa cơm trưa đạm bạc nhưng em Sinh và em gái mình vẫn ăn ngon lành. Ảnh: Đức Huy

Bữa cơm trưa đạm bạc nhưng em Sinh và em gái mình vẫn ăn ngon lành. Ảnh: Đức Huy

Bữa cơm không thịt, không cá

Trường tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) cách trung tâm xã chừng 10km. Con đường từ xã dẫn vào trường ngoằn ngoèo, lượn vòng lưng chừng núi. Con đường với chi chít những ổ gà, ổ voi, có những đoạn đường hư hỏng nặng, xe đi qua khiến bụi tung mù trời. Dừng xe nghỉ chân, đưa mắt hướng ra phía xa xa sẽ thấy những dải núi hùng vĩ tựa những tấm lụa uyển chuyển thướt tha được điểm xuyết bằng ánh nắng vàng rực. Đi dọc đường, không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh các em nhỏ đầu trần, chân đất xách cặp lồng cơm rong ruổi đến trường.

Từ nhiều năm nay, em Giàng Thị Ly (học sinh lớp 4C, ở thôn 5, xã Đắk R’Măng) phải thức dậy từ 4h sáng để nấu bữa cơm mang đến trường học. Nói là bữa cơm, nhưng thực đơn chính chỉ có cơm và ít rau luộc. Bữa cơm có thịt, cá với em Ly quả là điều quá xa xỉ. Sau khi nấu cơm xong xuôi, 6h sáng em chuẩn bị quần áo, sách vở rồi xới cơm bỏ vào túi mang đến trường học.

Sau một tiếng đi trên con đường đất đỏ, bụi mù mịt khi đến trường quần áo và tay chân của em cũng lấm lem bùn đất. Cất vội cặp sách, em cùng các bạn bắt đầu những bài học của mình. Đến khoảng 11h sau khi kết thúc giờ học, các em í ới gọi nhau lại cùng ăn cơm. Nắm cơm trắng các em để trong cặp cũng đã nguội lạnh, khô cứng, nhưng các em vẫn ăn ngon lành.

Khi mặt trời lên đến đỉnh núi, tiếng trống trường giục giã cũng là lúc em Giàng Thị Sinh (học sinh lớp 4C) sang trường mầm non bên cạnh đón em gái là Giàng Thị Thư qua ăn cơm cùng. Bữa cơm trưa của hai chị em chỉ có cơm trắng, chút muối mì tôm và rau.

Chia sẻ với chúng tôi, Sinh cho hay, gia đình có 8 anh chị em, nên bố mẹ chật vật lắm mới nuôi được các em ăn học. Do đó, bữa cơm của các em thức ăn đa phần chỉ là rau, nhiều lắm thì 1 tháng các em được một bữa cơm có thịt. Do thiếu thốn nên em Sinh nhường rau và muối mì tôm lại cho em gái ăn, còn mình chỉ ăn cơm trắng, lâu lâu chấm với ít muối cho “đậm đà”. Với gương mặt ngây thơ, non nớt của mình, em Sinh lâu lâu lại bốc cơm, chấm ít muối đút cho cô em gái ăn. Nhìn cô bé Thư chóp chép, nhìn cô chị cười rồi ăn ngon lành... khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Không chỉ có các em Ly, Sinh và Thư mà nhiều học sinh khác của trường cũng đã quá quen với bữa cơm “hiếm hoi” miếng thịt, con cá. Có những em không mang cơm theo, mà bữa trưa chỉ có quả trứng gà chấm với ít muối mì tôm cũng xong bữa. Đi kèm theo bữa cơm của các em luôn là chai nước để khi cơm mặn hoặc cay quá, các em có thứ để “chữa cháy”.

Cha mẹ nghèo nên con khổ

Em Ly phải dậy từ 4h sáng để nấu cơm mang lên trường ăn.

Dưới ánh mặt trời gay gắt của buổi trưa hè, anh Vàng A Dính (SN 1977, ở thôn 6) vượt hơn 6km từ nhà đến trường để đón các con về. Ngồi lặng lẽ dưới gốc cây ở sân trường, anh Dính tâm sự, anh có 5 đứa con trong đó có 3 con học ở Trường tiểu học La Văn Cầu.

Theo anh Dính, hàng tuần các con anh ở lại trường buổi trưa từ 2-3 hôm, do đó gia đình anh phải dậy từ sớm những ngày này để nấu cơm cho các con mang theo. Do gia đình khó khăn, chỉ có ít đất trồng cà phê và mì nên cuộc sống luôn thiếu thốn. Món ăn hàng ngày của gia đình anh chủ yếu là các món được chế biến từ rau. “Một tháng nếu làm ra thì gia đình sẽ mua 2-3 bữa thịt, có những tháng cả nhà không được bữa cơm thịt nào. Vợ chồng tôi cũng muốn các con có thịt cá ăn cho đủ chất nhưng do điều kiện không cho phép nên cũng đành bấm bụng để con ăn rau”, anh Dính nghẹn ngào nói.

Thầy Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu cho biết, hiện trường có 673 học sinh thuộc 21 lớp với 98% học sinh là người Mông. Theo thầy Phong, do bố mẹ các em bận việc đồng áng, nương rẫy nên thường chuẩn bị cơm từ sáng cho các em mang lên trường ăn. “Đối với học sinh lớp 1, đầu năm học nhà trường cho các em làm quen trước 2 tuần. Các thầy cô giáo cũng thường xuyên bổ sung kiến thức cho các em vào những buổi rảnh rỗi trong tuần, để các em theo kịp bạn bè”, thầy Phong cho biết.

Ông Đoàn Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’Măng cho biết, gia đình các học sinh Trường Tiểu học La Văn Cầu chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nông như trồng cây cà phê, mì, bo bo… do đó kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Có một số em do nhà cách trường từ 7-10km nên phải đi học từ 5-6h sáng. Do có một số em học cả ngày, một số em học buổi chiều nên phải mang cơm từ nhà đến trường để ăn.

Ông Hoàng cũng chia sẻ, vừa qua, xã và nhà trường cũng đã làm việc với các đoàn từ thiện về việc xây dựng bếp ăn cho học sinh. Theo dự định, các cô giáo trong trường sẽ thay phiên nhau nấu thức ăn cho học sinh. Còn các em sẽ tự túc mang cơm, thìa, đũa đến trường. Đối với trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hàng tháng vẫn nhận được các chế độ của nhà nước. Cụ thể, các học sinh mẫu giáo và tiểu học có nhà cách trường hơn 4km, học sinh THCS có nhà cách trường trên 7km sẽ được nhận hỗ trợ 15kg gạo/tháng.

Đức Huy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/truong-tieu-hoc-la-van-cau-xa-dak-rmang-quan-long-bua-com-chi-co-rau-20180406182934674.htm