Trường Tiểu học Điện Biên 1 với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh

Nhận thức được vai trò của hoạt động trải nghiệm sáng tạo đối với sự hình thành và phát triển kiến thức, năng lực, phẩm chất cho học sinh (HS), nhiều năm qua, Trường Tiểu học Điện Biên 1 (TP Thanh Hóa) thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để HS được tham gia và mang lại những hiệu quả thiết thực.

Một hoạt động trải nghiệm về gian hàng với các đặc sản vùng cao của học sinh Trường Tiểu học Điện Biên 1.

Hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Đây cũng được xem là giải pháp ưu việt cho sự phát triển năng lực sáng tạo, giúp các em HS tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành các kỹ năng, giá trị và phẩm chất của bản thân. Cô giáo Phạm Thị Mai Hoa, hiệu trưởng nhà trường cho hay: Để tổ chức được các hoạt động trải nghiệm cho HS, ngay từ đầu mỗi năm học, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn, các khối lớp xây dựng kế hoạch, chương trình học tập trải nghiệm cho cả năm học và cho từng tháng theo chủ đề, chủ điểm. Cùng với đó, huy động sự vào cuộc tích cực của các bậc phụ huynh HS khi tổ chức các hoạt động nhằm tạo thành phong trào, thường xuyên và liên tục. Trong những năm học qua, nhà trường đã tổ chức và phối hợp với hội cha mẹ HS tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Hội thi “Rung chuông vàng”, hoạt động “Hội vui học tập”, tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; trải nghiệm cùng các anh bộ đội và ăn cơm chiến sĩ... Thực hiện theo chủ đề, chủ điểm có các hoạt động, như: “Em chấp hành tốt luật giao thông”, “Vui tết cổ truyền”, “Chúng em với phong trào phòng chống bạo lực học đường”, “Anh Bộ đội Cụ Hồ và Bác Hồ với Thanh Hóa”, “Sôi động cùng mùa hè”...

Các hoạt động trên được tổ chức dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Đơn cử như trong hoạt động “Vui đón xuân”, các em HS được nghe giới thiệu về một số phong tục, tập quán của ngày tết cổ truyền, trả lời những câu hỏi về tết cổ truyền, sân khấu hóa tiểu phẩm về táo quân với nội dung an toàn giao thông, vệ sinh trường lớp, làm mâm ngũ quả, làm bánh chưng, bánh nhãn, tham gia chơi các trò chơi dân gian... Theo đánh giá của nhà trường, HS khi tham gia các hoạt động trải nghiệm đều tỏ ra thích thú, hứng khởi. Nhiều em thể hiện rõ năng lực của mình qua các hoạt động mà nhà trường tổ chức. Đặc biệt, các em được tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động từ thiết kế, chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả. Bên cạnh đó, các em còn được bày tỏ quan điểm và lựa chọn ý tưởng của chính mình. Em Lê Nguyễn Anh Khoa, HS lớp 5A, chia sẻ: “Em rất thích tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo mà nhà trường tổ chức, thông qua các hoạt động này em được trau dồi những kỹ năng sống cho bản thân, những hiểu biết về xã hội để bổ trợ cho việc học ở trên lớp. Không những vậy, khi tham gia em cũng được khẳng định mình nhiều hơn, hứng thú hơn trong học tập và rèn luyện”.

Đối với HS tiểu học, trí nhớ trực quan, hình tượng phát triển hơn là trí nhớ lôgic, trí nhớ hình ảnh phát triển hơn trí nhớ ngôn ngữ. Vì vậy, việc được trực tiếp trải nghiệm, khám phá là một điều khá thú vị và bổ ích. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở cấp tiểu học nhằm giúp HS hình thành các kỹ năng sống cơ bản, thói quen sinh hoạt tích cực trong cuộc sống hằng ngày, nền nếp học tập ở nhà cũng như ở trường; biết tuân thủ các nội quy, quy định; bắt đầu có định hướng tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hóa; có ý thức làm việc nhóm, ý thức tham gia hoạt động lao động, hoạt động xã hội, hoạt động phục vụ cộng đồng... Với ý nghĩa đó, trong những năm học tới, hoạt động trải nghiệm sáng tạo vẫn được Trường Tiểu học Điện Biên 1 xác định là một hoạt động thường niên nhằm tạo cho các em HS tâm lý thoải mái sau những giờ học miệt mài trên lớp. Tạo cầu nối, gắn lý thuyết với thực tiễn đời sống xã hội, giúp các em củng cố và khắc sâu những kiến thức của các môn học, mở rộng và nâng cao hiểu biết trong mọi lĩnh vực, đồng thời rèn kỹ năng sống thiết thực nhất. Và, để nâng cao hơn nữa hoạt động này, ngoài cái “tâm”, cái “tài” của mỗi thầy, cô giáo trong nghiên cứu các hình thức trải nghiệm sáng tạo, xây dựng các hoạt động phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi HS rất cần sự tham gia, phối hợp, liên kết của các tổ chức giáo dục trong và ngoài nhà trường; sự quan tâm của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể xã hội cũng như sự chung tay của phụ huynh HS.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/truong-tieu-hoc-dien-bien-1-voi-cac-hoat-dong-trai-nghiem-sang-tao-cho-hoc-sinh/110143.htm