Trưởng thôn lưu giữ ảnh Bác Hồ

Ông Cao Văn Nghiệp, trưởng thôn Ca Công, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định treo 8 tấm ảnh Bác Hồ trong ngôi nhà của mình. Ông Nghiệp tâm sự: 'Tôi vào Đảng năm 31 tuổi, năm nay đã 65 tuổi rồi, cố gắng làm theo những điều Bác dạy để phục vụ xã hội'.

Ông Cao Văn Nghiệp bên những tấm ảnh Bác Hồ mà ông gìn giữ hơn 40 năm qua. Ảnh: Lê Văn Chương

Ông Cao Văn Nghiệp bên những tấm ảnh Bác Hồ mà ông gìn giữ hơn 40 năm qua. Ảnh: Lê Văn Chương

Trong ngôi nhà nằm phía động cát dẫn ra bờ biển, trưởng thôn Cao Văn Nghiệp đang ghi chép bài văn tế ông Nam Hải để cho ngư dân làng chài cúng tế vào dịp đầu năm. Ông Nghiệp cười khà khà và bảo: “Đảng viên thì việc gì cũng tiên phong để phục vụ bà con”.

Vị trí bàn làm việc của ông Nghiệp đặt tấm ảnh Bác Hồ đang tập thể dục và một chiếc đồng hồ có gắn ảnh Bác được ông mua cách đây hơn 20 năm. Ông Nghiệp chỉ tấm ảnh Bác Hồ tập thể dục và cho biết, đó là tấm ảnh được bà con làng chài đặt trên chiếc tàu cá được lắp ghép mô phỏng, sau đó cử các thành viên đội bả trạo hát múa để tham gia các hoạt động thể dục-thể thao định kỳ của địa phương. Tấm ảnh này đặt tại nơi làm việc cũng để nhắc nhở ông là còn sức khỏe thì phải cố gắng phục vụ xã hội, nói phải đi đôi với làm.

Chuyện ông Nghiệp nói đi đôi với làm được một số cựu chiến binh tại địa phương xác nhận và cho biết, ông Nghiệp nguyên là xạ thủ đại liên của du kích địa phương trong chiến tranh. Hồi trước, ông Nghiệp đánh giặc rất hăng và khi súng nổ thì không biết run sợ trước kẻ thù. Cũng chính từ chiến hào, ông Nghiệp đã quen với một nữ du kích địa phương và trở thành vợ của ông bây giờ. Hiện nay, gia đình ông Nghiệp có 5 người là cán bộ đảng viên, trong đó có một người con đi làm biển, một người con công tác tại tỉnh Bình Phước, còn lại làm cán bộ ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Trong số những tấm ảnh trong nhà trưởng thôn Cao Văn Nghiệp, có nhiều tấm gắn với cuộc đời cả gia đình làm cách mạng. Tại gian nhà trong, ông Nghiệp giới thiệu tấm ảnh Bác Hồ đã bạc màu được lồng trong khung kính và đặt tại vị trí trang trọng, đó là tấm ảnh được cha vợ của ông là Nguyễn Lâm mang về từ miền Bắc vào năm 1976.

Một tấm ảnh Bác Hồ treo trên tường phòng khách được ông Nghiệp mua tại Sầm Sơn, Thanh Hóa để kỷ niệm chuyến công tác cùng đoàn cán bộ của tỉnh Bình Định. Ông Nghiệp cho biết, sau khi chiến tranh kết thúc, vừa bỏ cây súng là phải lo đi biển mưu sinh, sau đó lại quay về địa phương làm Xã đội trưởng rồi Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tham gia Ban Chấp hành Hội nghề cá tỉnh Bình Định. Ông đã nhiều lần cùng đoàn công tác đi tham quan các mô hình đánh bắt thủy sản tại các tỉnh thành có nghề biển phát triển như Quảng Ninh, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... Kinh nghiệm trên được ông mang về chia sẻ cho ngư dân địa phương. Ông nhận xét, các địa phương này có cơ sở hậu cần nghề cá rất phát triển và hiện đại.

Ông Nghiệp cho biết, Bác Hồ thường nhắc nhở phải thật sự làm tốt công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng, nên tôi thường nói là “thấy khuyết điểm của mình thì tự soi và sửa chữa là tốt nhất. Đừng thấy khuyết điểm của mình rồi đem cất đi, sau đó xô đẩy mình là không tốt”.

Mỗi tấm ảnh trong ngôi nhà của trưởng thôn Cao Văn Nghiệp đều gắn với một kỷ niệm trong cuộc đời của ông. Tấm ảnh Bác Hồ gần đây nhất được ông trang trọng đặt trong tủ kính, đó là ảnh được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng năm 2014, khi ông Nghiệp đại diện cho tỉnh Bình Định ra Trung ương dự lễ tuyên dương các cá nhân điển hình và báo cáo thành tích về việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được ông trân trọng đặt gần ảnh Bác Hồ. Ông Nghiệp cho biết, tấm ảnh này được mua trong lần đi viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình.

Trưởng thôn kể một chút về đời tư thì lại quay về với công việc. Ông nói về chuyện nghị quyết của chi bộ đề ra năm nay làm không được, năm sau phải làm, nếu không được thì nhiệm kỳ sau phải giải quyết. Ông Nghiệp khẳng định, tính cách mà mình học ở Bác là “đã làm thì tới nơi tới chốn, quyết tâm không thể bị xê dịch, phê bình để mọi điều tốt đẹp hơn, nhưng cái tâm thì luôn mong muốn giữ được tình đoàn kết”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/truong-thon-luu-giu-anh-bac-ho/