Trưởng thôn A Yó 'miệng nói tay làm'

Hơn 13 năm là già làng, trưởng thôn, ông A Yó, dân tộc Ba Na (thôn Piơm, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) luôn nhận được sự tin yêu của bà con dân làng bởi tinh thần trách nhiệm, luôn đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu. Ông cũng dành nhiều tâm huyết giúp thôn Piơm trở thành điểm sáng về xây dựng phát triển kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng thôn làng nông thôn mới.

Già làng A Yó biểu diễn cồng chiêng.

Già làng A Yó biểu diễn cồng chiêng.

Hơn 13 năm là già làng, trưởng thôn, ông A Yó, dân tộc Ba Na (thôn Piơm, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) luôn nhận được sự tin yêu của bà con dân làng bởi tinh thần trách nhiệm, luôn đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu. Ông cũng dành nhiều tâm huyết giúp thôn Piơm trở thành điểm sáng về xây dựng phát triển kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng thôn làng nông thôn mới.

Không phải ngẫu nhiên mà hiện giờ, hầu hết tuyến đường giao thông nội thôn Piơm đã được đổ bê-tông hoặc thảm nhựa, giúp bà con đi lại thuận lợi. Kết quả này một phần cũng nhờ công sức của già làng A Yó. Khi mới sáp nhập làng Klok và làng Piơm, người làng này không đồng ý góp tiền làm đường cho làng kia, Ban Mặt trận thôn họp vận động họ cũng không chịu. “Mỗi lần họp, tôi đều ra sức vận động, nói rằng số tiền vài ba triệu đồng ăn xài cũng hết, mọi người dành để làm đường thì đi lại thuận tiện, về lâu dài con cháu mình còn được hưởng... Dần dần, bà con hiểu ra và đều đồng tình, ủng hộ”, ông A Yó kể lại. Năm 2018, tuyến đường nối thị trấn Đắk Đoa đến xã A Dơk (huyện Đắk Đoa) đi qua khu đất trồng trọt của nhiều người dân trong thôn Piơm được khởi công, ông A Yó lại đến từng nhà nói với mọi người hiến đất để mở rộng đường, giúp bà con đi lại thuận lợi hơn.

Mặc dù đã bước sang tuổi 60, ngoài thời gian lên rẫy làm lụng chăm lo cuộc sống của gia đình, ông A Yó gần như dành trọn tâm huyết cho công việc của làng, của thôn. Trò chuyện với chúng tôi, ông rút ra một xấp giấy rồi nói: “Đây là bản quy ước mà bà con vừa thống nhất, bên này là sổ sách ghi chép thu, chi các loại quỹ, còn đây là biên bản hòa giải các vụ việc trong thôn… Phải rõ ràng như vậy để khi cần là có ngay, nhất là sổ sách liên quan tiền bạc của mọi người phải chi tiết, rõ ràng, minh bạch thì bà con mới tin tưởng, đồng thuận cao”. Già làng còn cho biết, bản quy ước của thôn Piơm mỗi năm đều được đưa ra để bà con bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Ngoài bảo đảm giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức cưới hỏi, ma chay tiết kiệm, quy ước còn quy định cụ thể khi nhà nào có người chết, mỗi hộ trong thôn góp 50 nghìn đồng giúp gia đình lo hậu sự. Trưởng thôn Piơm chia sẻ: “Ý kiến này khi đưa ra, được bà con nhất trí ngay, do vậy, khi trong làng có người chết, mỗi hộ gia đình đều tự giác đến tổ trưởng nộp tiền, các tổ tổng hợp đủ sẽ chuyển về trưởng thôn sau đó đến hỗ trợ cho gia đình làm tang lễ”. Ông A Yó không chỉ nổi tiếng với tài chơi thành thạo và chế tác các loại nhạc cụ dân tộc mà còn là người tham gia cùng truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ngoài việc xây dựng và duy trì hoạt động của hai đội chiêng người lớn và đội chiêng thanh, thiếu nhi, ông còn cùng một số người già trong thôn tỉ mỉ truyền dạy cho thanh thiếu niên trong làng từng bài chiêng, nhịp gõ cho đến cách đi đứng, biểu diễn. Nhờ sự truyền dạy tận tình ấy mà mạch nguồn văn hóa cồng chiêng cứ âm thầm chảy mãi qua các thế hệ người Ba Na trong thôn. Không chỉ có vậy, Đội chiêng của làng Piơm từng được tỉnh chọn đại diện tham dự tại lễ hội Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại; tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội, lễ hội Ok-om-bok (lễ Cúng trăng) tại tỉnh Sóc Trăng… Mới đây nhất, Đội cồng chiêng của làng Piơm đoạt giải nhì tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số kết hợp du lịch đồi cỏ hồng và phiên chợ nông sản huyện Đắk Đoa lần thứ tư năm 2020.

Ông Têy, Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Piơm cho hay: “Già làng A Yó không chỉ gương mẫu trong làm kinh tế, gắn bó với văn hóa của dân tộc mà việc gì trong thôn ông cũng gương mẫu đi đầu cho nên ai cũng tin tưởng, yêu quý”. Sự tận tụy, nhiệt huyết của ông A Yó được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương bằng nhiều hình thức khen thưởng. Tại Hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ hai năm 2013, ông được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì đã có thành tích trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; bằng khen của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng thôn, làng, tổ dân phố vững mạnh năm 2016. Bà Kiều Thu Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đắk Đoa nhận xét: “Với tinh thần vì cộng đồng, trách nhiệm cao, ông A Yó luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, hoạt động của thôn. Ông vừa giỏi làm kinh tế gia đình, xây dựng gia đình mẫu mực nêu gương, vừa tâm huyết với việc của thôn. Thôn Piơm thay đổi như hôm nay có phần đóng góp công sức không nhỏ của già làng A Yó”.

Bài và ảnh: ANH PHAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/truong-thon-a-yo-mieng-noi-tay-lam-628772/