Trương Thế Vinh đòi 25 triệu vì bị đăng ảnh lên fanpage, chủ thương hiệu M phản pháo

Thái Bá Dũng khẳng định phía M không sai khi lấy ảnh Trương Thế Vinh trên báo mạng và đăng lên fanpage để PR cho mẫu áo sơ mi của thương hiệu này.

Thương hiệu M chia sẻ hình ảnh Trương Thế Vinh diện mẫu áo sơ mi của mình lên fanpage để quảng bá cho thương hiệu.

Khi biết chuyện này, Trương Thế Vinh viết status tố M sử dụng hình ảnh của anh trái phép nhằm mục đích thương mại mà không được phép.

Trương Thế Vinh tố M dùng hình ảnh của anh mà không được sự cho phép.

Trương Thế Vinh tố M dùng hình ảnh của anh mà không được sự cho phép.

Không những thế, Trương Thế Vinh nhắn tin vào fanpage yêu cầu gỡ hình ảnh của mình và bồi thường chi phí tổn thất về mặt hình ảnh là 25 triệu đồng cho 5 ngày dùng ảnh.

Nam diễn viên gốc Đà Nẵng khẳng định chiếc áo trong ảnh được phía M tặng chứ anh không mượn để lên gameshow, trong khi admin M cho rằng lấy ảnh của anh từ một trang báo mạng, không phải từ Facebook cá nhân hay độc quyền nên không vi phạm gì cả.

Lúc này, Trương Thế Vinh bực mình nên nhắn: “Tôi có thể nói chuyện với ai có trách nhiệm, trình độ 12/12 được không?”.

Sau đó, admin khác của M đã nhắn tin xin lỗi Trương Thế Vinh song chấp nhận bồi thường.

Nam diễn viên 35 tuổi không chấp nhận lời xin lỗi này nên ghi nhận lời phản hồi từ admin M để sử dụng khi cần thiết.

Chuyện chưa dừng lại ở đây khi Trần Nguyễn Tùng Anh (nhà thiết kế của M) đăng status chỉ trích Trương Thế Vinh: “Lần đầu tiên trong đời bán quần áo, lấy hình trên mạng của người nổi tiếng mặc đồ do chính mình thiết kế up lên page mà bị nhắn tin đòi 25 triệu tiền đăng hình các bạn ơi. Tôi khổ quá!

Mà là lấy hình trên trang báo mạng nha, chứ không phải mò vô Facebook cá nhân lấy không xin phép đâu ạ.

Nhân viên gỡ hình xuống và xin lỗi ngay khi có phản hồi thì bạn ấy cũng không đồng ý.

Trong khi nhân viên trả lời rất lễ phép và lịch sự thì bị nói là cần “Nói chuyện với ai có trình độ 12/12 trở lên”. Vậy có phải là khinh người khác vô học không các bạn?”.

Status của Trần Nguyễn Tùng Anh khiến Trương Thế Vinh bị nhiều người trong showbiz dè bỉu.

Biết chuyện trên, các nhà thiết kế, ca sĩ, hoa hậu, người mẫu là bạn Trần Nguyễn Tùng Anh như Hoàng Ku, Hà Nhật Tiến, Cao Thái Sơn, Quốc Thiên, Pha Lê, Hoa hậu Jolie Nguyễn, Thùy Dương... bình luận mỉa mai và dè bỉu Trương Thế Vinh để rồi bị fan của anh “ném đá”.

Tối qua, Thái Bá Dũng, nhà sáng lập M, cũng đăng status lên tiếng về chuyện liên quan đến Trương Thế Vinh. Ông ta lấy dẫn chứng cho thấy M không sai khi đăng ảnh Trương Thế Vinh mặc áo của thương hiệu này lên fanpage. Nội dung như sau:

Đã từ lâu rồi mình ít có quan tâm đến M vì rất bận, nên đã giao toàn bộ M cho người khác quản lý.

Nhân vừa rồi bạn Trương Thế Vinh có mặc một cái áo của M, nhân viên lấy hình trên trang báo mạng đăng lên fanpage vì nghĩ rằng do các stylist cho mượn và bạn Vinh nói này nói nọ thì mình cũng xin làm rõ một lần để các nhà thiết kế, các bạn stylist và các bạn celeb hay tự-cho-mình-là-celeb biết rõ thế nào là đúng thế nào là sai.

1. Khi các bạn celeb mặc đồ của các nhãn hàng hay của nhà thiết kế mà các stylist (nhà tạo mẫu) mượn về cho các bạn đi dự sự kiện, lên tivi, đóng phim, chụp hình cho báo.... thì đương nhiên sau khi hình ảnh của các bạn đã đăng công khai khắp nơi, các nhãn hàng hay nhà thiết kế đó có quyền sử dụng hình để làm truyền thông.

Đó là điều đương nhiên vì các nhãn hàng hay các nhà thiết kế không có làm đồ chùa cho các bạn mượn mặc mà không có lợi lộc gì. Đó là WIN - WIN situation (tình huống hai bên cùng có lợi - PV). M từ trước đến giờ qui định rất rõ ràng về việc này, còn nếu các bạn không chịu thì đừng mượn và đừng mặc.

2. Nếu các bạn được tặng, hoặc tự mua đồ của nhãn hàng hoặc nhà thiết kế và khi hình ảnh các bạn mặc trang phục đó tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, báo chí, TV hoặc đăng cách công khai trên các trang cá nhân thì nhãn hàng cũng có quyền lấy hình ảnh mang về Instagram hay fanpage của họ đăng lại và ghi rõ ràng các bạn đang mặc đồ của họ. Điều này tất cả các thương hiệu trên thế giới đều làm và nó không vi phạm bất kỳ điều luật gì liên quan đến quảng cáo hay quyền tự do cá nhân bởi những tấm ảnh đó đã được đang công khai.

Ví dụ Dolce Gabbana lấy đống ảnh celeb mặc đồ họ trên Instagram của người đó và đăng lại. Chưa kể nhìn thấy celeb mặc xấu, họ còn chê thẳng mặt như vụ chê Selena Gomez, hoặc vừa rồi Madonna bị một nhà thiết kế chê là mặc đồ của họ xấu. Chỉ khi nào chúng tôi lấy hình của bạn, bỏ logo lên rồi làm poster, in quảng cáo, trưng bày, chạy quảng cáo thì chúng tôi mới phải xin phép và trả tiền cho các bạn.

Nói như thế để các nhà thiết kế, stylist và bạn celeb nắm cho đúng luật, không phải việc gì cũng cứ nhảy chồm chồm lên.

Đối với M thì chúng tôi không làm gì mà không đúng luật cả. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là không có gì là không có cách giải quyết hết.

Quay trở lại vụ bạn Vinh, nhân viên đã báo là giải quyết bằng cách tháo hình của bạn xuống và xin lỗi như một cách thể hiện thiện chí. Bên cạnh đó, cũng không thiếu celeb xịn hơn mặc đồ M nên cũng không cần thiết phải đăng hình bạn Vinh.

M từ trước giờ rất sẵn lòng hỗ trợ cho các bạn celeb, nhà tạo mẫu và phóng viên thời trang mượn đồ chụp hình cho các báo, vẫn đang tiếp tục hợp tác với các bên một cách vui vẻ.

Hy vọng sau cái status này thì chúng ta sẽ hiểu nhau hơn, biết điều hơn, bớt ảo tưởng sức mạnh và sống tử tế với nhau hơn.

Trương Thế Vinh phản pháo Thái Bá Dũng.

Vài tiếng sau, Trương Thế Vinh có status phản hồi Thái Bá Dũng, mượn lời của người bạn làm luật sư chứng minh M đã sai khi sử dụng hình ảnh trái phép còn không tôn trọng anh:

Gửi đến vị Thái Bá Dũng – nhà sáng lập M, người tự cho mình “xịn và ra gì”.

Đầu tiên xin nói là tôi đã đọc bài đăng cũng như những bình luận của anh Dũng - người mà tôi đã cố gắng liên lạc để tìm câu trả lời nhưng không được anh ta seen và có đôi lời như sau:

Tôi không làm việc qua stylist và cũng chưa nhận một câu hỏi về việc dùng hình của tôi để đăng trên trang kinh doanh của M.

Khi chưa có sự đồng ý của tôi thì quí vị không được sử dụng trên mọi hình thức. Còn khái niệm của thế giới hay nội trong ngành thời trang thì tôi không quan tâm vì chưa có một cơ quan pháp lý nào công nhận, cho nên đó chẳng qua là thói quen không có cơ sở. Bằng chứng là việc tháo gỡ hình ảnh của tôi trên trang cho thấy quí vị đã nhận mình sai.

Tôi làm tham khảo qua một người bạn luật sư:

"1. Đối với trường hợp cụ thể thì chỉ có mày mới có quyền sử dụng hình ảnh của mày. Cá nhân, tổ chức khác muốn sử dụng đều phải được sự đồng ý của mày hoặc của pháp luật. Sự đồng ý của pháp luật mày có thể hiểu là sự cho phép của mày theo hợp đồng hoặc theo quy định của các luật con liên quan, ví dụ như cơ quan báo chí trong một số trường hợp sẽ được phép sử dụng hình ảnh của mày cho một số trường hợp nhất định.

Nghĩa là nếu không có sự đồng ý của mày, không có hợp đồng hay các thỏa thuận bằng miệng hoặc văn bản có giá trị thì mọi hành vi sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của mày đều sai. Sai ở mức độ nào, gây thiệt hại bao nhiêu sẽ có biện pháp chế tài của cơ quan nhà nước. Còn trường hợp có người khác đồng ý với bên sử dụng hình ảnh, chẳng hạn như quản lý, thợ chụp hình... thì coi như sự đồng ý đó không có giá trị, vì đó là hình ảnh của mày, không phải hình ảnh của quản lý hay thợ chụp hình...

2. Hành vi xảy ra trên lãnh thổ ở Việt Nam mà không có thỏa thuận gì khác theo hợp đồng thì cứ dựa vào quy định của pháp luật Việt Nam mà giải quyết. Không đưa ra được cơ sở để anh sử dụng hình ảnh đó là anh sai, đừng nói nước ngoài họ làm thế nào, đừng nói sao khác họ làm thế nào. Cứ sử dụng hình ảnh trái phép là sai”.

Dù muốn hay không, quí vị cũng đã dùng hình ảnh tôi trong 5 ngày qua trong việc kinh doanh thì không thể nói là: Không được thì tháo xuống, nói vậy ăn cắp xong trả lại rồi là công an không được bắt à? Nói đến đây, tôi đã không còn có khái niệm đòi lại quyền lợi của mình vì hiểu được độ xịn của nhà sáng lập.

Tôi xin nhắc lại nghệ sĩ không xin để anh dùng ngôn từ bố thí như vậy. Chúng ta Win- Win, nhưng rất tiếc về những gì đã đọc. Anh xem nghệ sĩ chúng tôi như ăn xin.

Bài viết này không nhằm tranh cãi vì ai đúng ai sai đã rõ. Tôi chỉ nhắc nhở về thái độ của anh và nhân viên, nên tôn trọng người khác hơn ngay cả khi mình đúng.

Quyền cá nhân với hình ảnh

Điều 31 Bộ luật dân sự 2005 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh:

"1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.”

Như vậy, pháp luật đã quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, tôn trọng quyền của mỗi công dân. Từ quy định trên cũng có thể hiểu quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, đồng thời quyền này được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

2 trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân không cần xin phép:

Cũng theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, có 2 trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật, gồm:

- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.

- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động cộng đồng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh.

Sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân có thể bị phạt 3 triệu đồng

Điểm c, khoản 1, Điều 10 Nghị định 56/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin nêu rõ: Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó, trừ các trường hợp tìm thân nhân của nạn nhân, ảnh của người đã bị khởi tố hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù giam, ảnh thông tin về các hoạt động tập thể.

Tương tự, điểm e, khoản 2 Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản cũng quy định phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó.

Khán giả EDM quẩy quá sung làm khổ nhân viên an ninh giữ hàng rào:

Các nhân viên an ninh không giữ chặt là hàng rào sập ngay lập tức.

Nhân Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-mang-c-85/the-gioi--c-144/truong-the-vinh-doi-25-trieu-vi-bi-dang-anh-len-fanpage-chu-thuong-hieu-m-phan-phao-117798.html