Trưởng thành từ 'vệ tinh'

Từ khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận và làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, qua đó cứu sống được nhiều ca bệnh khó, nguy kịch.

Bác sĩ Chu Văn Thiện, Trưởng phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, từ cuối năm 2013 Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai được chọn là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao 26 kỹ thuật mới về 7 lĩnh vực, bao gồm: ngoại nhi, gây mê, hồi sức nhi, hồi sức sơ sinh, tim mạch, nội thần kinh, xét nghiệm cho Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Để tiếp nhận và triển khai được các kỹ thuật này, bệnh viện đã tổ chức đào tạo cho các y, bác sĩ theo 2 hình thức. Ở mỗi lĩnh vực được chuyển giao, bệnh viện sẽ cử 1-2 êkíp gồm các điều dưỡng, bác sĩ, kỹ thuật viên lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để học tập. Và khi triển khai kỹ thuật mới này tại bệnh viện, các bác sĩ bệnh viện hạt nhân sẽ xuống tận nơi cầm tay chỉ việc cho các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Sau hơn 6 năm triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, đến nay hầu như các kỹ thuật mới được chuyển giao Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã làm chủ và thực hiện thuần thục. Cụ thể ở lĩnh vực ngoại nhi, bệnh viện đã thực hiện được phẫu thuật sọ não. Hiện nay các bác sĩ đã tự mổ được, không cần hướng dẫn của bác sĩ tuyến trên. Số ca phẫu thuật sọ não bệnh viện thực hiện được từ 2016 đến nay là 48 ca.

“Trước đây những ca chấn thương sọ não đều phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy hoặc Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, thời gian cấp cứu kéo dài làm tăng nguy cơ tử vong và di chứng. Bởi vậy từ khi làm chủ được kỹ thuật này, bệnh viện đã tận dụng được thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân. Các trường hợp mổ không có ca tử vong, số ca để lại di chứng ngày càng giảm dần so với thời gian đầu tiếp nhận” - BS. Thiện cho biết thêm.

Ca phẫu thuật sọ não tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Ca phẫu thuật sọ não tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Cứu sống nhiều ca bệnh hiếm, nguy kịch

Với việc làm chủ nhiều kỹ thuật khó từ Đề án Bệnh viện vệ tinh, thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã kịp thời cấp cứu, phẫu thuật thành công cho nhiều ca bệnh khó, nguy kịch.

Điển hình như trường hợp bé N.T.T.T (4 tuổi, quê Tiền Giang, tạm trú tại TP.Biên Hòa) đã được các bác sĩ bệnh viện phẫu thuật sọ não giữ lại mạng sống. Nguyên nhân là do bé T. bị rơi từ lầu 1 xuống đất và bị dập não, mảnh xương gãy lún vào nhu mô não và xoang tĩnh mạch, nguy cơ tử vong rất cao. Nhờ được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, bé T. đã qua cơn nguy kịch và hồi phục sức khỏe, không để lại di chứng.

Hay như mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã phẫu thuật thành công, cứu sống bé gái sơ sinh S.S. (quê Cần Thơ, tạm trú tại huyện Long Thành) bị dị tật teo thực quản hiếm gặp kèm biến chứng viêm phổi.

Bệnh nhi S. nhập viện trong tình trạng không bú được, miệng trào nhiều đờm dãi, sùi bọt mép, khó thở co kéo lồng ngực, thở nhanh... Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức suy hô hấp cho bệnh nhi, đồng thời đặt thông dạ dày nhưng không được nên cho bệnh nhi chụp Xquang thực quản. Qua đó, phát hiện bé bị dị tật teo thực quản có rò đầu dưới thực quản với khí quản kèm viêm phổi. Bệnh nhi được chỉ định mổ khẩn cấp để ngăn chặn viêm phổi phát triển nặng.

Quá trình phẫu thuật, êkíp mổ phát hiện thực quản của bé bị gián đoạn thành 2 đoạn. Đoạn trên tạo thành một túi cùng, còn đoạn dưới rò vào khí quản. Lỗ rò lớn khiến dịch dạ dày trào ngược vào khí quản, đây là nguyên nhân gây viêm phổi.

Các bác sĩ đã khâu cột được đường rò khí, loại bỏ nguyên nhân gây viêm phổi và ngăn chặn được sự thất thoát khí từ đường thở. Đồng thời, nối thực quản tận - tận một thì. Sau nhiều ngày hồi sức hậu phẫu tích cực với máy thở hiện đại, giữ ấm, chống viêm phổi và kiểm soát nhiễm trùng sơ sinh chặt chẽ, bé S. đã phục hồi hoàn toàn, bú khỏe, tăng cân và được cho xuất viện.

BS. Vũ Công Tầm, trưởng khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, những năm qua nhờ phát triển các kỹ thuật về ngoại nhi, bệnh viện đã cứu sống được nhiều trẻ sơ sinh bị dị tật, trung bình mỗi năm bệnh viện mổ khoảng 50 ca về các loại dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh như: teo thực quản, bất sản hậu môn trực tràng, phình đại tràng vô hạch bẩm sinh (Hirschsprung), hở thành bụng sơ sinh, thoát vị hoành, teo tắc tá tràng...

Theo BS. Chu Văn Thiện, thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh mang lại hiệu quả to lớn, giúp bệnh viện triển khai được nhiều kỹ thuật khó để kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Đặc biệt những bệnh như chấn thương sọ não, hay suy hô hấp, suy tuần hoàn, nếu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nguy cơ tử vong cao, bệnh viện sẽ không tận dụng được thời gian vàng trong cấp cứu sọ não để cứu sống bệnh nhân. Còn đối với người bệnh, họ được điều trị gần nhà, không phải đi lại xa xôi, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí khám chữa bệnh. Từ đó tạo niềm tin trong nhân dân và tăng uy tín cho bệnh viện.

Bài, ảnh: Gia Nhi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/truong-thanh-tu-ve-tinh-n182492.html