Trưởng thành từ đam mê

Ý tưởng sáng tạo thường xuất phát từ những yêu cầu trong công việc hàng ngày, khi người thợ yêu nghề và tận tâm với nghề

Anh Quách Vũ Bảo Châu - Tổ trưởng cơ điện, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH SX - TM Vĩ Nam Việt (Vinavit; quận 6, TP HCM), nhiều năm qua luôn được xem là "cây sáng kiến" của doanh nghiệp (DN). Năm 2015, anh Châu là cá nhân đầu tiên của đơn vị vinh dự đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng. Từ đó cho đến nay, mỗi năm anh đều cho ra đời hàng loạt sáng kiến, mang nhiều lợi nhuận cho DN. Với thành tích ấy, vừa qua, anh đã được LĐLĐ quận 6 tôn vinh là điển hình tiên tiến 5 năm liền (2015-2020).

Không tự hài lòng

Gần 20 năm làm việc tại Vinavit, anh Châu luôn là người thợ cần mẫn, sáng tạo, có niềm đam mê mãnh liệt đối với máy móc dù bản thân anh được đào tạo về chuyên ngành điều khiển tàu biển.

Anh kể sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải và gắn bó với nghề biển hơn 3 năm, vì nhiều lý do, anh buộc phải từ bỏ công việc mình từng mơ ước và xin vào làm thợ cơ điện tại Vinavit. Bước vào lĩnh vực hoàn toàn mới nhưng anh luôn nỗ lực học hỏi và tận dụng kiến thức về nguyên lý máy móc đã được học để áp dụng vào công việc. Sự cố gắng ấy đã được nhìn nhận, khi anh được ban giám đốc ký hợp đồng chính thức trước thời hạn thử việc. Cũng từ đây, những ý tưởng sáng tạo, cải tiến máy móc của anh lần lượt ra đời không chỉ giúp DN nâng cao lợi nhuận mà còn tăng độ an toàn, tăng năng suất lao động. Trong đó, phải kể đến sáng kiến "Cải tiến máy 3 khuôn 3 búa dập sản phẩm" được nhập từ nước ngoài nhưng lại khó thao tác và chỉ dập được một số sản phẩm. Một hạn chế khác là để vận hành máy cần có một người đưa phôi vào khuôn và giữ phôi nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Anh Quách Vũ Bảo Châu, Chủ tịch Công đoàn Vinavit (bên trái), là điển hình tiên tiến 5 năm liền, được LĐLĐ quận 6 tuyên dương

Anh Quách Vũ Bảo Châu, Chủ tịch Công đoàn Vinavit (bên trái), là điển hình tiên tiến 5 năm liền, được LĐLĐ quận 6 tuyên dương

Nhận thấy những bất cập trên, ban giám đốc đã giao cho bộ phận cơ điện cải tiến để tăng độ an toàn cho người lao động (NLĐ). Anh Châu đã tìm hiểu suốt 3 tháng, bộ phận nạp phôi bằng điện do anh thiết kế đã thử nghiệm thành công trong sự vui mừng của cả tập thể công nhân và ban giám đốc, bởi ngoài tăng độ an toàn, sáng kiến này còn áp dụng được với nhiều sản phẩm.

Tiếp nối thành công ấy, anh Châu đã cho ra đời nhiều sáng kiến có giá trị cao như thiết kế và chế tạo thùng cấp phôi tự động cho máy tiện Guzong, giúp công suất máy tăng 20%, hay sáng kiến cải tạo máy khoan bàn thành máy tiện đuôi vít có công suất 10 sản phẩm/phút (cao gấp 3 lần máy tiện truyền thống, thao tác dễ dàng, chỉnh máy nhanh), giá trị làm lợi 500 triệu đồng mỗi năm... Những sáng kiến của anh và các đồng nghiệp đã tạo ra được nhiều đột phá trong sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí nhập khẩu máy móc, đa dạng hóa sản phẩm đã giúp DN vượt qua khó khăn, nhất là trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

"Là người thợ cơ điện, việc sửa chữa, cải tiến máy móc là công việc hằng ngày để hỗ trợ quy trình sản xuất luôn suôn sẻ. Còn với vai trò là chủ tịch CĐ, tôi thấy mình có trách nhiệm giúp đỡ NLĐ làm việc an toàn hơn, năng suất hơn" - anh Châu nói.

Là đồng nghiệp nhiều năm với anh Châu tại Vinavit, anh Nguyễn Tấn Vũ - cũng là một lao động giỏi của công ty - nhận xét: "Anh Châu với vai trò là chủ tịch CĐ và là cây sáng kiến của DN đã tạo sức sống cho phong trào lao động giỏi tại đơn vị. Từ đó có nhiều anh em mạnh dạn phát huy được thế mạnh của mình, để góp sức cùng DN".

Sáng tạo từ sự yêu nghề

Xuất phát điểm là một người thợ chuyên sửa máy may nhưng bằng nỗ lực vượt bậc, anh Nguyễn Thọ Trường, Trưởng Ban Cơ điện Nhà máy May An Phú (quận Gò Vấp, thuộc Công ty CP Garmex Sài Gòn) đã từng bước vươn lên trong nghề nghiệp.

Anh Trường cho biết từ nhỏ đã đam mê máy móc nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sớm rời quê hương Nghệ An vào TP HCM lập nghiệp. Với tinh thần tự lập, anh đã theo học khóa ngắn hạn về sửa máy may, sau đó đi làm ở một số nơi trước khi vào làm việc tại Công ty CP Garmex Sài Gòn. Được làm công việc mình yêu thích, anh luôn rất cố gắng học hỏi, không nề hà vất vả khi công ty điều chuyển công tác giữa các nhà máy để bảo đảm vấn đề kỹ thuật máy móc giúp sản xuất không bị gián đoạn.

Điều đặc biệt ở anh Trường là làm việc ở môi trường nào, anh cũng nhanh chóng hòa nhập và phát huy được sáng tạo, mang lại lợi ích cho DN. Điển hình là cải tiến máy ép seam trụ đứng sang trụ nằm. Anh cho biết trước đây, tại nhà máy An Phú khi sản xuất vào những đợt cao điểm, cần sử dụng nhiều máy ép seam trụ nằm thì hay xảy ra tình trạng thiếu máy móc trầm trọng. Trong khi đó, nhà máy đang tồn một số máy ép seam trụ đứng đã cũ.

Đứng trước khó khăn của DN, anh nghĩ cách cải tiến để tận dụng lại những máy cũ này. Nhận được sự ủng hộ của ban giám đốc, anh cùng các đồng nghiệp trong ban cơ điện đã dốc sức tìm hiểu, mua vật tư thay thế để chuyển công năng các máy ép seam từ trụ đứng sang trụ nằm. Sáng kiến này không chỉ giúp nhà máy kịp tiến độ sản xuất mà còn tiết kiệm hơn 240 triệu đồng cho đơn vị. Một sáng kiến khác của anh Trường là cải tiến máy ép dập dạng con sò (không đáp ứng được những đơn hàng cao cấp) thành máy ép theo phương thẳng đứng, đáp ứng tốt cho sản xuất, tiết kiệm cho công ty trên 150 triệu đồng.

Là một người thợ với tinh thần trách nhiệm và nhạy bén trong việc cải tiến máy móc, anh Trường được công ty coi trọng và cất nhắc làm Trưởng Ban Cơ điện Nhà máy May An Phú từ năm 2011.

Chia sẻ về động lực sáng tạo, anh Trường cho biết: "Sáng tạo không phải là những ý tưởng vĩ mô mà xuất phát từ những yêu cầu trong công việc hằng ngày. Vì vậy, những ý tưởng sáng tạo chỉ bật ra khi người thợ yêu nghề và tận tâm với nghề".

Khả năng tư duy sáng tạo, kiến thức và kỹ năng của NLĐ là cơ sở để mở ra cơ hội thăng tiến cho bản thân. Do đó, mỗi NLĐ phải không ngừng học tập để nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, CĐ cơ sở phải thúc đẩy phong trào thi đua lao động tại đơn vị để NLĐ phát huy hết khả năng của họ".

Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM

Bài và ảnh: THANH NGA

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/truong-thanh-tu-dam-me-20200610210402579.htm