Trưởng thành cùng sự vững mạnh của lực lượng BĐBP

Trải qua 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đội ngũ cán bộ, điều tra viên, nhân viên của ngành Điều tra Hình sự (ĐTHS) BĐBP luôn vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành ĐTHS Quân đội (19/11/1948 - 19/11/2018) và 40 năm Ngày Truyền thống ngành ĐTHS BĐBP (7/11/1978 - 7/11/2018), phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Đại tá Thiều Quang Linh, Trưởng phòng ĐTHS BĐBP để làm rõ hơn quá trình hình thành, phát triển, cũng như yêu cầu nhiệm vụ của ngành ĐTHS trong tình hình hiện nay.

Đại tá Thiều Quang Linh, Trưởng phòng ĐTHS BĐBP.

- Đề nghị đồng chí cho biết quá trình hình thành, vai trò nhiệm vụ của ngành ĐTHS BĐBP?

- Cuối năm 1948 là giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ khó khăn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để bảo vệ chính quyền cách mạng, giải phóng đất nước, đồng thời, đề cao ý thức kỷ luật, nâng cao sức chiến đấu của quân đội cách mạng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu trong giai đoạn mới của cuộc kháng chiến, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 19-11-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 258/SL, quy định về tổ chức, nhiệm vụ lực lượng Công an Quân pháp trong thời kỳ kháng chiến. Đây là tổ chức đầu tiên của ngành ĐTHS QĐND Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày 19-11 hàng năm được công nhận là Ngày Truyền thống của ngành ĐTHS Quân đội.

Ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là lực lượng BĐBP. Ngay từ khi thành lập, với chức năng và nhiệm vụ được giao, lực lượng CANDVT được xác định là một lực lượng vũ trang tin cậy của Đảng. Do vậy, cán bộ, chiến sĩ được sàng lọc, tuyển chọn kỹ càng; trong đó có những đồng chí được Bác Hồ trực tiếp giáo dục, rèn luyện, nhiều đồng chí nêu cao phẩm chất “Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Bác Hồ và nhân dân.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh mang ý nghĩa sống còn giữa ta và địch, song song với đó là cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt, không tránh khỏi có một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thoái hóa, biến chất về đạo đức, vi phạm kỷ luật, phạm tội, cần thiết phải có một cơ quan duy trì kỷ cương, kỷ luật trong lực lượng. Năm 1960, bộ phận làm nhiệm vụ điều tra tội phạm trong CANDVT được hình thành, nằm trong Viện Kiểm sát Quân sự CANDVT, đây được coi như tổ chức tiền thân của ngành ĐTHS BĐBP. Trước yêu cầu bức thiết tổ chức lại lực lượng tư pháp trong lực lượng, ngày 7-11-1978, đồng chí Trần Quyết, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 145/KE-BNV thành lập Phòng Quân pháp thuộc Bộ Tư lệnh CANDVT, với nhiệm vụ đảm bảo trật tự, trị an, giáo dục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm; kịp thời điều tra, xử lý vi phạm, tội phạm trong lực lượng CANDVT và từ đó ngày 7-11 hàng năm được công nhận là Ngày Truyền thống ngành ĐTHS BĐBP.

- Thời gian qua, ngành ĐTHS BĐBP có những khó khăn gì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thưa đồng chí?

- Kể từ khi thành lập, do có sự biến động về tổ chức của lực lượng BĐBP, ngành ĐTHS cũng có những thay đổi về biên chế, tổ chức, chức năng, quyền hạn. Đó là đổi từ Phòng Quân pháp CANDVT thành Phòng ĐTHS BĐBP, khi lực lượng chuyển giao từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng (năm 1981). Đến cuối năm 1988, lực lượng BĐBP lại được chuyển giao về Bộ Nội vụ. Trước thực tế đòi hỏi việc lập lại Phòng ĐTHS BĐBP như một tất yếu khách quan, ngày 6-12-1989, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký quyết định thành lập Phòng ĐTHS trong lực lượng BĐBP, về nghiệp vụ trực thuộc Cục An ninh điều tra, Bộ Nội vụ. Trải qua hơn 5 năm hoạt động, đến cuối năm 1995, Phòng ĐTHS BĐBP lại trở về đội hình ĐTHS Quân đội khi lực lượng BĐBP chuyển giao về Bộ Quốc phòng theo Nghị quyết 11/TW của Bộ Chính trị.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, mặc dù có sự biến động về tổ chức, biên chế, sự thay đổi về tên gọi, nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, Quân pháp CANDVT - ĐTHS BĐBP đã được củng cố vững chắc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện điều tra hàng nghìn vụ án, vụ việc, giữ gìn pháp luật, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của quân nhân, tài sản, phương tiện của BĐBP, góp phần tạo nên những thành tích vẻ vang của lực lượng BĐBP Việt Nam anh hùng.

Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đội ngũ các thế hệ lãnh đạo, điều tra viên ngành ĐTHS BĐBP đã từng bước được bồi dưỡng, trưởng thành về mọi mặt. Từ chỗ đội ngũ cán bộ, điều tra viên còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nhưng với phương châm vừa làm, vừa học, kết hợp giữa đào tạo qua thực tế với đào tạo chính quy ở các trường. Đến nay, đội ngũ cán bộ, điều tra viên, nhân viên của ngành hầu hết có trình độ đại học, trên đại học, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Thưa đồng chí, ngành ĐTHS BĐBP cần làm gì để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước và lực lượng hiện nay?

- Tuy đạt được những thành tích đáng tự hào, nhưng ngành ĐTHS BĐBP cũng còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác nắm, quản lý tình hình vi phạm, tội phạm chưa sâu; chất lượng điều tra các vụ án mờ, các vụ án phức tạp chưa cao; chưa có công trình nghiên cứu tìm giải pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm có hiệu quả; số cán bộ, điều tra viên có trình độ chuyên môn cao còn ít.

Cán bộ ĐTHS BĐBP cùng các lực lượng chức năng tham gia thực nghiệm hiện trường vụ án.

Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm vô cùng gay go, quyết liệt, do vậy, nhiệm vụ công tác ĐTHS đòi hỏi ngày càng cao và rất khó khăn, nặng nề. Mặt khác, để xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, một số bộ phận tiến thẳng lên hiện đại, thời gian tới, ngành ĐTHS BĐBP phải tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

Trước hết, tất cả lãnh đạo, điều tra viên, nhân viên ngành ĐTHS BĐBP phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng đội ngũ cán bộ, điều tra viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ; có trình độ ngoại ngữ, tin học; nội bộ đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, củng cố tổ chức, đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, điều tra viên; bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý để phát huy vai trò của từng cá nhân; tạo điều kiện cho mọi cán bộ, điều tra viên tham gia học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Ngoài ra, ngành ĐTHS BĐBP cần phải chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan chức năng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong và ngoài Quân đội, để tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động điều tra.

Kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, hoàn thành điều tra tất cả các vụ án xảy ra, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; tìm ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội để có những giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Viết Lam (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/truong-thanh-cung-su-vung-manh-cua-luc-luong-bdbp/