'Trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục, không phải là thợ dạy'

Thảo luận tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, các đại biểu bàn nhiều về những vấn đề cốt lõi nâng cao chất lượng giáo dục…

Ông Nguyễn Mạnh Hiển - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương nhận định: Năm học vừa qua, toàn quốc nói chung, Hải Dương nói riêng đã có những đổi mới tích cực, nhất là qua kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Về giáo dục đại trà, Hải Dương đứng vị trí 15-18 toàn quốc, qua kết quả các kỳ thi THPT; giáo dục mũi nhọn đứng trong top 10.

Nhấn mạnh sắp xếp trường học, đội ngũ giáo viên là vấn dề cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục, theo ông Hiển, về sắp xếp trường học, Hải Dương đã ban hành đề án; nguyên tắc là mỗi cấp phường xã có một trường công lập ở mỗi cấp học. Tới đây, Hải Dương giảm 30 xã, đồng nghĩa với việc số trường học cũng giảm.

Riêng vấn đề đội ngũ giáo viên, Hải Dương là địa phương có nhiều khu công nghiệp, di dân cơ học nhiều. Khó khăn đặt ra là làm sao thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương, nhưng cũng phải đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là ở đâu có lớp học, ở đó có giáo viên. Từ đó, đặt ra vấn đề: trường công lập giảm, nhưng đội ngũ giáo viên tiếp tục phải tăng. Bài toán này cần đặt ra tổng thể để có cơ chế, chính sách huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; đề nghị nghiên cứu có chính sách đặc thù cho địa phương có nhiều khu công nghiệp, di dân cơ học.

Về kiến nghị, ông Nguyễn Mạnh Hiển đặt vấn đề cần nghiên cứu có hướng dẫn để chuyển đổi loại hình trường phổ thông; có giải pháp căn cơ nâng cao trình độ ngoại ngữ… Đặc biệt, ông Hiển cho rằng, cơ quan truyền thông cần có những nhìn nhận, đánh giá khách quan, không nên từ một hiện tượng để quy thành xu thế, ảnh hưởng không tốt đến giáo dục.

Khẳng định đội ngũ giáo viên quyết định sự thành công đổi mới giáo dục, ông Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội cho rằng, việc quan trọng đầu tiên là cần thay đổi nhận thức, phương pháp và cách thức quản lý giáo dục..

Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội kiến nghị Bộ GD - ĐT cần có định chuẩn về chức danh đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, từ đó có các chương trình bồi dưỡng hiệu quả. Cùng với đó, công bố cụ thể số liệu thừa, thiếu giáo viên để xã hội, người học biết. Khi thấy tương lai có việc làm, học sinh giỏi sẽ vào sư phạm.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Minh, Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo thực hiện chương trình bồi dưỡng cho các trường sư phạm nhưng cần quyết liệt hơn, tạo sự kết nối giữa các trường đại học sư phạm, trường cao đẳng sư phạm để chuẩn bị cho công tác bồi dưỡng giáo viên.

Với Chính phủ, ông Minh kiến nghị cần sớm cấu trúc lại hệ thống các trường sư phạm, để đầu tư hiệu quả. Sắp xếp cần tạo ra các phân khúc: trường chủ lực, trường địa phương, kết nối để tận dụng hệ thống các trường cao đẳng để thực hiện bồi dưỡng giáo viên trong tương lai

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì đồng tình với báo cáo tổng kết năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 của Bộ GD - ĐT.

Năm học qua, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện cao độ NQ 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Kết quả, toàn tỉnh đã thưc hiện sắp xếp trường lớp và giảm 32 trường công lập. Tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ cở vật chất, 100% các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên, tổ chức tốt thi thăng hạng cho giáo viên. Tỉnh cũng tổ chức tuyển dụng gáo viên mầm non cho những địa phương còn thiếu.

Có chính sách đối với học sinh giỏi và giáo viên dạy giỏi. Chính sách ưu tiên này tăng gấp 4-8 lần so với trước

Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, trọng tâm là tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc kiến nghị, Bộ GD - ĐT phối hợp chặt chẽ với tỉnh, tạo điều kiện trong công tác bồi dưỡng giáo viên. Đề nghị, Bộ GD - ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trong định mức về chỉ tiêu biên chế.

Về vấn đề này, trao đổi tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Hiện nay cả nước có 115 trường và khoa đào tạo sư phạm. 1, 5 – 1,8% số giáo viên nghỉ hưu hàng năm (20000 giáo viên nghỉ hưu hàng năm) trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm là 50000. Chúng ta bao cấp quá nhiều nhưng chất lượng không cao. Phải có cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên cho từng địa phương. Phải bồi dưỡng giáo viên thường xuyên. Các trường sư phạm ở địa phương làm việc này thường xuyên, mạng lưới thực hành đều khắp”.

Nêu ra giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng thời yêu cầu ngành giáo dục đẩy mạnh sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm; các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục, không phải là thợ dạy.

Các cơ sở giáo dục đại học phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho phát triển. Phải có lộ trình kiên quyết với các trường chất lượng thấp. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD - ĐT trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng kéo dài; kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh…

Về giáo viên, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếp tục rà soát tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học.

Ngọc Linh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/truong-su-pham-phai-dao-tao-ra-nha-giao-duc-khong-phai-la-tho-day-d2070646.html