Trường sẽ xử lý ứng viên phó giáo sư bị tố 'đạo văn'

Lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết trường sẽ thành lập tổ thẩm tra để đánh giá về mặt khoa học mức độ sai sót đề tài của phó giáo sư bị tố đạo văn. Cùng với quyết định của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, trường sẽ đưa ra hình thức xử lý.

Đề tài nghiên cứu khoa học do ông Đặng Công Tráng chủ trì bị tố sao chép luận văn thạc sĩ và một số nội dung trong các nghiên cứu khác - Ảnh: H.A

Ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và nhà trường

Trước đó, đề tài nghiên cứu khoa học “Hoàn thiện quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp ở VN” do ông Đặng Công Tráng, Trưởng khoa Luật, chủ trì (cùng 2 thành viên khác là tiến sĩ Vũ Thế Hoài, thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Vân) bị tố sao chép luận văn thạc sĩ và một số nội dung trong các nghiên cứu khác.

Trả lời Thanh Niên, Phó giáo sư (PGS)-TS Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết đã nhận đơn gửi qua email xin rút khỏi danh sách đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm 2017 của ông Tráng. Ông Tuế nói: “Đây là sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và nhà trường. Trường sẽ xử lý vụ việc theo đúng nguyên tắc và theo từng bước chặt chẽ để đảm bảo chính xác và khách quan”.

Về hướng xử lý, ông Tuế cho biết trước mắt nhóm xin hủy nghiên cứu này và trả lại kinh phí nghiên cứu đã được cấp. Trong tuần này, trường sẽ thành lập tổ thẩm tra để đánh giá về mặt khoa học mức độ sai sót của đề tài. Có được cơ sở khoa học này cùng với quyết định của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, trường sẽ đưa ra hình thức xử lý.

Mức điểm mà ông Tráng được cộng khi xét công nhận chức danh PGS tính từ đề tài nghiên cứu này chỉ 0,25 điểm. Về quy định phong PGS, ứng viên đủ điều kiện khi có mức điểm tối thiểu là 6 (điểm ông Tráng đạt được là 9). Vì vậy nếu hủy bỏ đề tài này thì ông Tráng vẫn đủ điểm công nhận chức danh trong đợt này. “Tuy nhiên dù dư điểm nhưng không có đủ uy tín thì vẫn không đủ điều kiện trở thành PGS”, ông Tuế nói.

“Trong cuộc họp giao ban định kỳ tổ chức ngày 3.3, tôi đã nêu vấn đề này trước toàn trường để quán triệt tinh thần: sức đến đâu làm đến đó, có lỗi thì phải sửa sai. Vụ việc này chính là một bài học lớn cho tập thể nhà trường”, ông Tuế nói thêm.

Dù dư điểm nhưng không có đủ uy tín thì vẫn không đủ điều kiện trở thành phó giáo sư

PGS-TS Nguyễn Thiên Tuế Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

Nhiều người từng xin rút khỏi danh sách đạt chuẩn GS, PGS

Trả lời Thanh Niên ngày 3.3, ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, cho biết hiện văn phòng của hội đồng này vẫn chưa nhận được đơn xin rút khỏi danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm 2017 của ông Đặng Công Tráng. Theo ông Nhị, sau khi nhận được đơn chính thức của ông Tráng, văn phòng sẽ trình và báo cáo hội đồng để xem xét quyết định. “Nếu ứng viên có nguyện vọng xin rút khỏi danh sách với lý do chính đáng, tôi nghĩ hội đồng sẽ đồng ý cho rút”, ông Nhị nói.

Trong khi đó, GS-TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng liên ngành lịch sử, khảo cổ, dân tộc học (thành viên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước), cho biết ông Tráng không phải là trường hợp đầu tiên xin rút khỏi danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Trong quá khứ đã từng có nhiều trường hợp xin rút khỏi danh sách đạt tiêu chuẩn vì nhiều lý do khác nhau. “Những trường hợp xin rút sẽ được thông báo trong cuộc họp của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, sau đó sẽ quyết định thông qua nguyên tắc đa số. Trong trường hợp liên quan tới vấn đề chuyên môn thì hội đồng sẽ trả về cho các hội đồng ngành để xử lý”, ông Giang nói.

Trách nhiệm trước hết là của ứng viên

Liên quan tới trách nhiệm của các hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành và cấp cơ sở trong việc “để lọt” những trường hợp ứng viên có các công trình, đề tài đạo văn như trường hợp của ông Đặng Công Tráng, ông Vũ Minh Giang cho rằng các hội đồng có một phần trách nhiệm song rất khó đòi hỏi các thành viên hội đồng phát hiện việc ứng viên có đạo văn của người khác hay không khi số lượng các bài báo, công trình rất nhiều.

“Cả hội đồng chỉ tập trung vào một luận án nghiên cứu còn rất khó phát hiện, huống hồ mỗi đợt xét có tới mấy chục ứng viên mà mỗi ứng viên lại có tới mấy chục bài viết, công trình thì không có điều kiện để rà từng câu từng chữ xem bài viết đó có lấy ở đâu không”, ông Giang nói và cho rằng trách nhiệm trước hết vẫn là của cá nhân ứng viên. “Khi nộp hồ sơ vào những danh vị như GS, PGS, các ứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và uy tín sự nghiệp của mình”, ông nói.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng khó có thể đòi hỏi các hội đồng cơ sở và hội đồng ngành rà soát một cách cặn kẽ đến từng bài báo và đề tài để phát hiện ứng viên đạo văn. Theo ông Tớp, đối với trường hợp các đề tài nghiên cứu cấp trường như trường hợp của ông Đặng Công Tráng thì khi nghiệm thu đề tài đã có các hội đồng nghiệm thu. Hội đồng cấp cơ sở khi xét hồ sơ ứng viên chỉ căn cứ trên kết quả nghiệm thu từ hội đồng này.

“Những thành viên của hội đồng nghiệm thu đề tài là người có chuyên môn gần hơn rất nhiều so với các thành viên của một hội đồng học hàm cũng khó phát hiện việc đạo văn, thì hội đồng học hàm càng khó làm việc này hơn vì không phải thành viên nào cũng có đúng chuyên môn đó. Quan trọng vẫn là trách nhiệm và sự trung thực của người làm khoa học”, ông Tớp nhấn mạnh.

Lê Hiệp - Hà Ánh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/truong-se-xu-ly-ung-vien-pho-giao-su-bi-to-dao-van-938521.html