Trường Sa - thổi bùng ngọn lửa yêu nước và gắn kết những trái tim vì biển đảo

Những cảm xúc vỡ òa khi đặt chân lên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc thể hiện trong các tác phẩm 'Trường Sa nơi ước đến' của nhà báo Huy Thắng đã để lại ấn tượng đặc biệt vì đã nói lên tiếng lòng của nhiều bà con kiều bào đang sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới...

Trường Sa nơi ước đến

Nhà báo Huy Thắng tác nghiệp trên sóng nước của biển đảo quê hương. Ảnh: Huy Thắng.

Nhà báo Huy Thắng sinh năm 1952 , trước khi trở thành một người viết báo, nhà báo Huy Thắng đã từng tham gia 2 cuộc chiến tranh – chiến tranh chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới. Trong chiến tranh chống Mỹ, Huy Thắng là một trong những chiến sĩ của tiểu đoàn pháo binh Quảng ngãi anh hùng... Sang Đức từ năm 1988, nhà báo Huy Thắng ở lại Đức sau khi nước Đức thống nhất. Sau 31 năm sang Đức thì 32 lần ông đã quay trở về Việt Nam, quay trở lại chiến trường xưa để tìm lại những đồng đội của mình.

“Trường Sa nơi ước đến” là chặng hành trình nhà báo Huy Thắng cùng kiều bào khắp các nơi trên thế giới đến với những đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa. Phóng sự ghi lại cái ánh nắng rực rỡ đến từng con sóng êm đềm vỗ bờ, ghi lại từng hình ảnh, cảm xúc, từ suy nghĩ đến đời sống sinh hoạt của quân dân, ghi lại cả những hạnh phúc của kiều bào ta khi được đặt chân lên mỗi đảo, nhiều giọt nước mắt cũng đã rơi khi thấy những người lính tuổi đời chỉ mười tám đôi mươi, dưới nắng nóng vẫn chắc tay súng, đứng gác mặc cho làn da sạm đen vì cái mặn mòi của biển cả... Những hình ảnh mà bất cứ người Việt Nam nào đều mong được nhìn thấy, một nhịp sống mà bất cứ ai cũng muốn được là một phần trong đời.

"Trong quá trình tác nghiệp tôi đã đi đến được nhiều nơi, gặp gỡ được nhiều nhân vật nhưng không địa danh nào, không một con người nào lại để cho tôi nhiều cảm xúc sâu đậm như hải trình Trường Sa lần này. Có đặt chân lên vùng biển đảo xa xôi, khắc nghiệt, mới cảm nhận hết nghị lực kiên cường, ý chí quyết tâm của các cán bộ, chiến sĩ để gìn giữ, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng... Chuyến đi Trường Sa khi đó không đơn thuần chỉ là chuyến đi tác nghiệp mà còn là hành trình về với Tổ quốc thân yêu của mình" - nhà báo Huy Thắng tâm sự.

Quân và dân Trường Sa dưới con mắt nhà báo Huy Thắng. Ảnh: Huy Thắng.

Ông cũng chia sẻ thêm rằng, từng đi qua hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc, hơn ai hết tôi hiểu được rằng cái giá của độc lập tự do to lớn đến mức nào. Cũng vì từng sát cánh cùng quân, dân, đồng bào để giữ từng tấc đất quê hương mà tôi biết được rằng dù có đi bất cứ nơi đâu thì dòng máu Lạc Hồng vẫn luôn chảy trong huyết quản của mình... Hơn nữa, với tư cách là một nhà báo tôi luôn sẵn sàng gác lại công việc bộn bề, vượt qua hàng ngàn hải lý để đến với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta nơi đầu sóng, ngọn gió, để đưa những hình ảnh, những câu chuyện thấm đẫm tình quân dân nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc đến với những người Việt không chỉ ở nước Đức mà còn ở khắp nơi trên thế giới.

Đối với những người dân Việt Nam đang sinh sống trên dải đất hình chữ S này thì tình cảm với đất nước là một tình cảm rất gần gũi, ấm áp như hơi thở và tất yếu như nhịp sống thường ngày. Còn đối với những người con xa xôi của Việt Nam trên khắp thế giới thì quê hương đất nước không chỉ là tình yêu da diết mà còn là nỗi niềm thương nhớ với khát khao về nguồn cuội cháy bỏng đến vô bờ.

Và có lẽ vì thế, "Trường Sa nơi ước đến" đã thực sự là thổi bùng ngọn lửa yêu nước và gắn kết những trái tim vì biển đảo. Đặc biệt, những câu chuyện cảm động về các anh hùng, liệt sĩ ngã xuống để bảo vệ vùng biển máu thịt của đất nước đã tiếp thêm niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương cho các kiều bào. Với họ, tấm gương 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu rạng sáng ngày 14-3-1988 ở Gạc Ma, những chiến sĩ ở nhà giàn nằm xuống đáy biển sâu trong lúc chống chọi với bão tố với tinh thần “Còn đảo, còn Nhà giàn, còn Tổ quốc” đã biến thành những viên gạch hồng xây nên tượng đài bất khuất của Việt Nam trên Biển Đông.

Câu chuyện từ hai đầu chiến tuyến

Nhà báo Huy Thắng cũng là một người con xa xứ cho nên ông không bao giờ quên được những gương mặt đong đầy cảm xúc của những người con xa quê, họ luôn mong ngóng, khát khao được đặt chân lên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc, được chạm tay vào cột mốc biên cương giữa trùng khơi. Với tất cả mọi người, Trường Sa đã là máu thịt, là tiếng gọi thiêng liêng của quê hương nơi đầu sóng, ngọn gió…Thế nên khi đến Trường Sa, chỉ cần nhìn thấy một chồi lá, chạm tay vào một mảnh san hô nhỏ cũng khiến bất kỳ ai đều dâng trào cảm xúc.

Lịch sử giúp chúng ta đối diện với bi kịch quá khứ để lại. Nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh chia rẽ giữa các dân tộc. Nó giúp chúng ta gắn kết yêu thương và sẻ chia trong mỗi người. Hơn thế, lịch sử của chúng ta đã kết tinh nên truyền thống đoàn kết của những người con mang hồn cốt Việt Nam, cho dù họ ở đâu trên trái đất này.

Trong mạch nguồn cảm xúc đó, khi được hỏi rằng đâu là câu chuyện mà để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất, nhà báo Huy Thắng chia sẻ: "Chuyến đi lần này tôi tham gia có 200 kiều bào của 21 nước, đặc biệt là có kiều bào đã từng đứng bên kia bên giới chống lại quân giải phóng- như anh David Nguyễn- cùng phòng với tôi. David Nguyễn là một sỹ quan trong quân đội Mỹ. David cho rằng chúng tôi không cùng suy nghĩ nên làm việc gì cũng ngược lại với hành động của tôi, cho đến một hồi, tôi nhớ lúc đó là 2h sáng, David gọi tôi dậy tâm sự: “Tôi về đây lại tìm thấy sự thật mà sự thật ấy đã làm tôi bật khóc, tôi đã rất ân hận vì những sai lầm rất lớn trong quá khứ".

Có lẽ vì nhận ra được điều đó mà ngay khi vừa đặt chân lên hòn đảo Song Tử Tây David Nguyễn đã ôm cột mốc đảo mà bật khóc…Đây chính là Trường Sa, đây chính là quê hương, đây chính là đất nước, là miền biên cương mà ông đã tìm đến!

Hai người lính từ hai đầu chiến tuyến năm xưa giờ đã chung nhau sóng đôi trên sấu cùng hát vang khúc hát về biển đảo quê hương. Ảnh: Huy Thắng.

Sau những năm tháng thăng trầm của lịch sử thì chúng tôi lại ở cùng với nhau trở thành những người bạn và chúng tôi cho rằng Trường Sa không chỉ là mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc nữa mà nó còn là nơi hòa hợp dân tộc bởi khi về đến đấy thì tất cả kiều bào dù ở nước nào, dù theo trường phái tư tưởng nào thì khi về Trường Sa đều là nơi gặp gỡ, quy tụ tinh thần quê hương, đất nước. Những ngày sau đó, tôi và David Nguyễn là hai người lính đứng trên hai đầu chiến tuyến giờ lại cùng cất lời hát hướng về mảnh đất cha ông trong suốt hải trình - từ trên boong con tàu HQ 571 đến trên chính các đảo lớn, đảo nhỏ của Trường Sa.

Hoàng Sa- Trường Sa ơi chúng con đã về đây

Ngoài loạt phóng sự đã thực hiện trên, nhà báo Huy Thắng còn sáng tác ca khúc "Hoàng Sa, Trường Sa chúng con đã về đây” - một sáng tác rất đặc biệt nữa trong hành trình đầy ý nghĩa này. Cảm xúc đong đầy khi mà hồn thiêng dân tộc, khi mà cái nắng, cái gió, cái mặn mòi của biển cả, đặc biệt là cái tình quân dân keo sơn gắn bó đã khắc cốt ghi tâm. "Chính từ những xúc cảm này mà lời ca khúc “Hoàng Sa, Trường Sa chúng con đã về đây” cứ từ từ hiện lên trong tôi, lời ca khúc nhưng cũng chính là tiếng lòng da diết nhất của một người con xa xứ. Đối với tôi đây là một ca khúc rất đặc biệt và tôi cảm thấy rất vui mừng khi ca khúc được sáng tác đã có sự lan tỏa lớn, và vẫn đang nhận được sự yêu thích của người nghe là hành tranh mà mỗi hành trình đến Trường Sa và Nhà gian DK1 vẫn được cất lên từ những chuyến tàu. Đây thực sự là một trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của tôi!" - nhà báo Huy Thắng nhấn mạnh.

Đoàn kiều bào đến thăm cồn cát "đảo nổi" gần Trường Sa Đông. Ảnh: Huy Thắng.

Bài hát được sáng tác từ trong một hành trình trở về với quê hương với máu thịt của Tổ quốc của những kiều bào từ khắp mọi miền Tổ quốc và được cất lên bởi chính tiếng hát của những người con xa xứ như một nỗi niềm như lời bộc bạch thổ lộ những day dứt về tình cảm với quê hương. Bài hát như trải nỗi lòng của người con xa xứ khi được đặt chân lên đảo Trường Sa nơi mảnh đất thiêng liêng ngoài biển khơi, phía mặt trời. Bài hát có lời thật giản dị nhưng da diết, thiết tha với đảo quê hương.

Hoàng Sa ơi – Trường Sa ơi chúng con đã về đây!

Dù ở nơi đâu không quên mảnh đất này.

Giữa ngàn trùng khơi Biển Đông sóng gió

Quần đảo của ta đó Hoàng Sa-Trường Sa”.

Hoàng Sa của Việt Nam ta,

Trường Sa chủ quyền Việt Nam ta.

Mảnh đất ông cha ngàn đời để lại,

Giữ đảo quê hương bao lớp người đã ngã xuống.

Máu nhuộm đỏ cờ mãi mãi tung bay...

Nguyệt Hồ (ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truong-sa--thoi-bung-ngon-lua-yeu-nuoc-va-gan-ket-nhung-trai-tim-vi-bien-dao-post59190.html