Trường Sa - nơi giục giã đôi chân và con tim người lính già

Trở về sau cuộc chiến với 14 vết thương, 22 lần phải động đến dao kéo, với tổng cộng 54% sức vóc để lại chiến trường nhưng người cựu binh - nhà báo với 'tinh thần thép' Lê Bá Dương vẫn miệt mài dùng cây bút và máy ảnh làm 'vũ khí' trên 'mặt trận' thông tin.

Với tư cách phóng viên Báo Quân khu 5 rồi Báo Văn Hóa thường trú tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và hiện nay là Tạp chí Văn Hiến Việt Nam, Tạp chí Di Sản Việt Nam, ông đã rong ruổi đến với những mảnh đất mới để tìm tòi, trải nghiệm làm phong phú thêm những trang viết và kho ảnh của mình...

 Nhà báo, NSNA Lê Bá Dương (thứ 2, bên trái) cùng với những người đồng đội năm xưa

Nhà báo, NSNA Lê Bá Dương (thứ 2, bên trái) cùng với những người đồng đội năm xưa

Chiến trường là nơi đẹp nhất của tuổi trẻ

Chúng tôi được nghe về nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Bá Dương nhiều năm nay, tên tuổi ông gắn liền với những câu thơ bất hủ: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Ông đã “cất giữ” trong bốn câu thơ tất cả nỗi niềm của một người đã trải qua chiến tranh với không ít những nỗi đau, những mất mát và khi trở về thời bình những kí ức ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Khi gặp ông, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, bởi ở người cựu chiến binh ấy có nhiều điều đáng trân trọng. Ông chính là người đã khởi xướng lên tập quán thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn để tưởng niệm vong linh đồng đội, những người đã ngã xuống trên mảnh đất đạn bom này. Điều đặc biệt, tập quán ấy đã được người dân hưởng ứng nối tiếp, nâng lên thành phong tục tâm linh không chỉ cho các ngày lễ 27/7, 30/4… mà còn thường xuyên vào những đêm mồng một, ngày rằm.

Năm nay, Lê Bá Dương nhìn già hơn so với tuổi 65, mái tóc ngả màu sương gió nhưng dáng đi còn khá nhanh nhẹn, đôi mắt sáng và chất giọng xứ Nghệ ấm áp. Nhắc đến ông là nhắc đến một người lính chiến đấu và lập công tại các địa bàn mặt trận Đường 9 Quảng Trị từ năm 1968, ngay từ khi mới 15 tuổi, cho đến chiến dịch giải phóng và bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 với cương vị chỉ huy cấp đại đội ở tuổi 19. Nhắc đến ông cũng là nhắc đến một chàng thanh niên đầy lý tưởng, đã sửa lý lịch tăng thêm tuổi để được nhập ngũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Nhà báo Lê Bá Dương là người đã khởi xướng lên tập quán thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn để tưởng niệm vong linh đồng đội, những người đã ngã xuống trên mảnh đất đạn bom này

Trong những năm tháng ấy, người lính Lê Bá Dương đã đạt được rất nhiều danh hiệu cao quý như: “Dũng sỹ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng sĩ diệt máy bay”… Những chiến công ấy vang xa, lan xa, là nguồn cổ vũ, khích lệ, động viên cho toàn quân, đặc biệt trên mặt trận B5 (Đường 9, Quảng Trị) ác liệt hồi ấy còn dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương”.

Câu chuyện về ông có lẽ sẽ phải kể rất nhiều trang viết, bởi sự ác liệt của chiến tranh, sự ngã xuống của đồng đội... là những ám ảnh khôn nguôi đối với người lính ấy. Hôm nay khi nhắc lại, ông trầm ngâm chia sẻ: Với tôi, chiến trường là nơi đẹp nhất của tuổi trẻ, là nơi tôi được thể hiện khát khao cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Có lẽ Quảng Trị đã trở thành một phần máu thịt, là quê hương thứ hai của tôi để giờ đây mỗi lần về thăm nơi này, tôi không khỏinghẹn ngào, xót xa. Và chắc bởi vì thế, những năm tháng chiến đấu, không thể kể hết được những lần bị thương nặng, những lần chết hụt những lần tìm cách “trốn” ra chiến trường mặc cho cơn đau thể xác hoành hành... đã làm nên một Lê Bá Dương hôm nay.

Mỗi bức ảnh là một thông điệp

Đã qua những năm tháng bom rơi đạn nổ nơi vùng đất Quảng Trị máu lửa xưa, nhà báo - NSNA Lê Bá Dương trở về thời bình cùng với nỗi trăn trở, suy tư với Trường Sa thân yêu của Tổ quốc, huyện đảo máu thịt của tỉnh Khánh Hòa. Đó là mảnh đất thiêng liêng luôn thôi thúc, giục giã đôi chân và cả con tim người lính già. Điều đặc biệt là, trong bốn chuyến ra Trường Sa, ông đều chọn thời điểm vào mùa giông bão để ra với những người lính đảo. Đó là mùa mà ngay cả những người lính biển còn dễ bị say sóng, vậy mà Lê Bá Dương lại chẳng hề hấn gì, âu cũng là may mắn về sức khỏe mà trời phú cho ông.

Nhà báo Lê Bá Dương và các chú chó ở Trường Sa

Thế nên, bốn chuyến đi tác nghiệp, ông đã chụp được hàng ngàn bức ảnh về người lính biển, về biển, trời, đảo nổi, đảo chìm, cỏ cây, chim chóc và những chú chó. Những bức ảnh chân thật, sinh động, nên thơ mà ở đó người xem có thể thấy được khát vọng, tình yêu của người lính biển; sự gần gũi, thân thiết của con người với thiên nhiên như: “Khát vọng Trường Sa”, “Đất nước ở Trường Sa”, “Nền Tổ quốc”, “Mắt đảo Trường Sa”… Đặc biệt là gần đây từ nguồn cảm hứng về bức ảnh “Ra về nhớ mãi mắt vàng” của ông mà bài thơ “Bơi vào đi” đã ra đời và làm “cay mắt” nhiều độc giả. Những bức ảnh ấy đã góp thêm “gia vị” cho cuộc triển lãm hoành tráng mang tên “Khoảnh khắc Trường Sa”.

Chúng tôi ấn tượng với những bức ảnh của ông không hẳn vì số lượng mà bởi đó là những tác phẩm có sức hút mà tinh thần dân tộc toát lên đầy uy nghiêm, tự hào qua ống kính nghệ thuật của Lê Bá Dương. Mỗi bức ảnh là một thông điệp mà nếu người xem chịu khó quan sát, nghiền ngẫm, suy luận thì sẽ hiểu được ẩn ý của người nghệ sỹ, từ đó chắt lọc được những chân lý thực tiễn. Hơi thở cuộc sống vì thế đã làm nên sức sống cho tác phẩm.

Bức ảnh “Ra về nhớ mãi mắt vàng”của NSNA Lê Bá Dương

Bức ảnh “Đất nước ở Trường Sa” chính là một điển hình về sự sâu sắc ấy. Ông đã đặc tả một dải cát vàng cong cong hình chữ S nổi lên giữa màu ngọc bích của nước biển ở đảo chìm Len Đao có 4 chiến sĩ đang rảo bước tuần tra nhưng lại ẩn chứa sâu xa một chân lý chắc nịch rằng: Trường Sa là của Việt Nam. Hay như bức ảnh “Khát vọng Trường Sa” thông qua hình ảnh chiến sĩ bồng súng gác giữa mênh mông biển trời xanh biếc dưới cánh chim hòa bình, xa xa có con tàu trắng mang quốc kỳ Việt Nam đang neo đậu, tác giả muốn gửi gắm thông điệp hòa bình, đó vừa nguyện vọng và cũng là khát vọng của không chỉ người lính giữ đảo mà còn của dân tộc ta từ ngàn đời nay.

Không chỉ vậy, nhiều bức ảnh của NSNA Lê Bá Dương còn giúp người xem cảm nhận được cuộc sống mới tươi tắn, hứng khởi và tràn đầy niềm hy vọng ở Trường Sa qua những sinh hoạt thường ngày của người chiến sĩ, những gương mặt trẻ trung giữa không gian xanh, đẹp chan hòa, mộng mơ như một bài thơ trữ tình...

Bức ảnh “Ra về nhớ mãi mắt vàng”

Có một bài thơ mang tên “Bơi vào đi” được rất nhiều người chia sẻ trên facebook, mạng xã hội thời gian vừa qua do Đại úy Hoàng Hải Lý (Trường Sĩ quan Không quân) sáng tác. Bài thơ cảm động tạo ra “cơn bão lòng” với bất kỳ ai dù chưa một lần được đặt chân đến Trường Sa. Nhưng ít ai biết rằng, đại úy Hoàng Hải Lý đã lấy cảm hứng sáng tác bài thơ này từ một bức ảnh của NSNA Lê Bá Dương.

Bức ảnh chụp tại đảo Đá Thị (thuộc quần đảo Trường Sa) khi xuồng khách vừa rời đảo để ra tàu tiếp tục hải trình, bên cạnh tốp cán bộ chiến sỹ nhà đảo đang đứng thành hàng tiễn khách, có một chú chó vàng hăng hái dẫn đầu rời khỏi hàng quân lao ra tận mép sóng, rồi cứ thế mải miết bơi theo hướng xuồng. Cảnh chú chó quyến luyến với người lính đảo khi hết nhiệm vụ phải trở về đất liền ấy có tên “Ra về nhớ mãi mắt vàng”.

Đó là khoảnh khắc mà tôi đã ghi lại trong một chuyến công tác ra Trường Sa, khi hình ảnh của một chú chó vàng dẫn đầu cứ lóp ngóp, vừa bơi vừa đợi nhau, dìu nhau theo hướng xuồng khách ra phía gần bờ xanh biên đảo. Sau một vòng bơi bìu níu quanh xuồng, chú vàng đầu đàn mới chịu dừng lại, quẫy chân bơi tại chỗ, ngước đôi mắt ươn ướt về phía khách khiến tất cả mọi người trên xuồng, ai nấy đều nhạt nhòa nước mắt. Những người bạn nhỏ bé ấy cứ xa dần, xa dần thành những chấm vàng nhỏ dần trên nền sóng nước xanh để rồi ám ảnh mãi trong tôi là đôi mắt đen, tròn, ươn ướt giữa ng dậy, triều lên, giữa mênh mang sóng nước” -NSNA Lê Bá Dương nhớ lại.

Nhà báo Lê Bá Dương trong một chuyến công tác

Vậy là trong bức ảnh đầy cảm xúc ấy, một Trường Sa không chỉ có tinh thần kiên cường, bất khuất của những người lính đảo mà còn đọng lại là sự gần gũi, ấm áp chan chứa tình người giữa chú chó và người chiến sĩ. Có lẽ đó cũng chính là nguồn động lực, một sức mạnh tinh thần to lớn để các chiến sĩ vượt qua những gian khó đang thường trực từng ngày. NSNA Lê Bá Dương đã góp thêm một bức ảnh có giá trị, vừa chân thực vừa xúc động. Bước chân không mỏi và một trái tim nóng hổi, nhiệt huyết với Trường Sa luôn là “chiếc neo” để nhà báo, NSNA Lê Bá Dương tận tụy và đam mê hơn nữa với cuộc hành trình sáng tạo ra những bức ảnh giàu giá trị thông tin.

An Vinh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/truong-sa-noi-giuc-gia-doi-chan-va-con-tim-nguoi-linh-gia-44922