Trường Phổ Thông DTNT tỉnh Sơn La: Một chặng đường nhìn lại

Từ một Trường Thiếu nhi dân tộc tỉnh Sơn La, được thành lập ngày 15/10/1964. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, trường từng bước được đổi thay và không ngừng phát triển.

Đến nay, sau 53 năm xây dựng và trưởng thành, trường đã tạo dựng được uy tín, khẳng định được vị thế vững chắc trong ngành giáo dục của tỉnh và nước nhà.

Một chặng đường nhìn lại

Theo yêu cầu phát triển của ngành ở từng giai đoạn, nhiệm vụ của trường cũng được đổi thay, từ giáo dục, dậy văn hóa... đến chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh dân tộc cấp Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS).

Năm 1987, trường được nâng cấp thành Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Sơn La (học sinh cấp THCS lúc này được chuyển về địa phương học tại các trường PTDTNT huyện). Nhiệm vụ của trường là giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) nguồn nhân lực cho địa phương và cả nước.

Những năm đầu thành lập, trường hoạt động trong bộn bề khó khăn, song tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể đã được hình thành, hoạt động hiệu quả; Chiến tranh phá hoại, trường phải sơ tán (hai lần); Cơ sở vật chất thiếu thốn; Ban giám hiệu chỉ có 3 người, cùng 15 cán bộ, giáo viên, giảng dạy từ lớp vỡ lòng đến lớp 4...

Thế rồi, những năm 1973-1980: Việt Nam bước sang “trang mới” - Hiệp định Pari được ký kết. Cùng với cả nước, Sơn La đã “chuyển mình”, trường từ nơi sơ tán về trong cảnh hoang tàn, đổ nát. Đến giai đoạn 1981- 2004, kinh tế của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Và, trường PTDTNT Sơn La cũng không nằm ngoài bối cảnh chung đó, khó khăn luôn rình rập: cơ sở vật chất, chỗ ăn, ở, học tập, sinh hoạt của học sinh không đáp ứng được yêu cầu giáo dục và rèn luyện; giá lương thực, thực phẩm tăng cao, đó là cả “vấn đề” đặt ra đối với bếp ăn tập thể của học sinh, và lúc này các trường PTDTNT trong cả nước nói chung, đang đứng trước nguy cơ giải thể.

Trước tình hình đó, tháng 3/1990, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lại hệ thống các trường phổ thông cơ sở miền núi (loại trường chuyên biệt, dành cho con em các dân tộc thiểu số), được nhà nước bố trí giáo viên có năng lực, cấp ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, mua thiết bị học tập...

Với Sơn La, Tỉnh ủy, UBND và Sở GD-ĐT đã khẳng định: trường PTDTNT của tỉnh phải được mở rộng về qui mô, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phải được đầu tư thỏa đáng. “Đèn xanh” đã bật, như tiếp thêm nguồn sinh lực mới cho thầy, trò nhà trường để họ phát huy nội lực, từng bước tháo gỡ khó khăn, vượt lên thách thức một cách ngoạn mục.

Khoảng 10 năm trở lại đây, diện mạo của trường đã có nhiều khởi sắc, cơ sở vật chất được đầu tư xứng tầm. Trường được tọa lạc trên khuôn viên 7, 8 ha.

Trong đó, là các khu nhà cao tầng (từ 2-4 tầng) được xây mới: khu lớp học với 20 phòng học; khu nhà làm việc của Ban giám hiệu, các phòng, ban, tổ chuyên môn, thư viện, phòng hội đồng, phòng công tác Đảng, Đoàn; khu nhà nội trú có sức chứa từ 600-650 học sinh; khu nhà ăn; khu nhà công vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, khu chăn nuôi, trồng rau (để tự cung, tự cấp)...

Đặc biệt, niên học 2015-2016 và 2016-2017 trường tiếp tục đầu tư 3 phòng tin học, 1 phòng học chức năng môn ngoại ngữ. Tất cả các hạng mục đều được đầu tư mới, đồng bộ từ cảnh quan, môi trường, đến các khu, phòng chức năng... được bố trí hợp lý, khang trang, đã mở ra diện mạo mới cho ngôi trường ở vùng cao Tây Bắc - trường PTDTNT Sơn La.

Thành quả đáng trân trọng

Thực hiện phương châm “Tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu”, các thầy, cô giáo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giảng dậy, hăng hái trong hoạt động phong trào, mẫu mực, bao dung và giàu lòng nhân ái, trong cuộc sống đời thường. Nhiều thầy cô đã trở thành tấm gương sáng để học sinh noi theo, nhiều cán bộ phục vụ đã tận tụy, chu đáo với vai trò “chăm sóc nuôi dưỡng”, dành trọn tình yêu thương cho học sinh, coi các em như ruột thịt của mình.

Có được nhận thức đúng đắn với công tác dậy và học tại ngôi trường đặc thù này, thầy, trò nơi đây dường như đều thấu hiểu trọng trách của mình, xác định rõ mục tiêu và có chiến lược cụ thể đối với công tác dạy và học, chăm sóc và nuôi dưỡng cũng như với mọi hoạt động ngoại khóa nói chung.

Để làm được điều này nhà trường đã xây dựng hệ thống quản trị nội trú, hoạt động khá bài bản, tạo không ít đột phá mới trong lịch sử phát triển của trường, đem lại hiệu quả cao trên mọi lĩnh vực.

Để có được đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về đào tạo, đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ nhà giáo có tâm, có tầm.

Với 48 cán bộ quản lý, giáo viên hiện có của trường đều đạt 100% trình độ Đại học trở lên; Thạc sỹ tăng từ 5 đồng chí (niên học 2012-2013) lên 12 đồng chí (niên học 2015-2016) và 16 đồng chí (niên học 2016-2017); đang học Thạc sỹ quản lý giáo dục và chuyên ngành là 4 đồng chí; Giáo viên giỏi cấp tỉnh là 15 đồng chí; cấp cơ sở là 20 đồng chí...

Hàng năm giáo viên đều được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, các chuyên đề về phong tục tập quán của các dân tộc vùng cao Sơn La. Hầu hết các thầy cô đều sử dụng thành thạo vi tính làm phương tiện hỗ trợ giảng dậy.

Thực hiện đổi mới phương pháp dậy học, nhiều giáo viên đã nghiên cứu, áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc thù học sinh là người dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, số lượng công trình nghiên cứu khoa học đạt giải cao vẫn tăng đều hàng năm; trường luôn có học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp trường đều đạt giải cao...

Chi bộ nhà trường đã trưởng thành vượt bậc, số lượng đảng viên ngày một tăng, tổ chức Đảng ngày càng được kiện toàn, vai trò lãnh đạo của Đảng được củng cố, tăng cường đối với mọi hoạt động của trường. Vai trò của Công đoàn, Đoàn thanh niên, Chữ thập đỏ, Nữ công, Khuyến học... cũng được phát huy, đạt nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của trường. Phong trào văn - thể - mỹ không ngừng được đẩy mạnh, hoạt động sôi nổi.

Hàng năm, trường thường tổ chức hội thao, hội diễn văn nghệ với chủ đề phong phú, đạt chất lượng cao, đã thực sự hấp dẫn thày, trò. Đây là một trong những thế mạnh của trường, điều này được minh chứng qua 6 lần Đại hội văn hóa¸ thể thao dành cho “hệ thống các trường PTDTNT toàn quốc” trường đã tham gia đầy đủ các môn thi và giành được trên 60 Huy chương vàng, bạc, đồng cho tất cả các môn thi. Không chỉ thế, hàng năm học sinh của trường còn tham gia giải điền kinh truyền thống, thi tiếng hát học sinh Trung học phổ thông, đều đạt giải nhất, nhì,...

Với bề dày kinh nghiệm dạy và học, với nền tảng phát triển bền vững ở chặng đường qua. Nay, trường PTDTNT Sơn La đã vinh dự được Sở GD-ĐT, UBND tỉnh tin tưởng giao trọng trách: từ niên học 2017 - 2018 trở đi, sẽ cùng trường THPT Chuyên Sơn La, tiếp tục tạo bứt phá mới, đưa trường trở thành nơi “Đào tạo chất lượng cao” trong khối nội trú của tỉnh.

Theo đó, sau khi đề án “Phát triển các trường PTDTNT huyện” được nâng cấp, thì Sơn La sẽ có hệ thống trường PTDTNT hoàn chỉnh (từ THCS đến THPT). Khi đó, trường PTDTNT Sơn La sẽ là “điểm đến”, là cái nôi đào tạo xuyên suốt các bậc học PTDTNT của tỉnh.

Với những thành quả đạt được ở chặng đường qua, tập thể thầy trò trường PTDTNT Sơn La đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành TW, địa phương trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến hạng 3, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các Bộ: Giáo dục đào tạo, Thông tin truyền thông và Tổng liên đoàn lao động Việt nam, TW đoàn...; Huy chương:

Vì sự nghiệp giáo dục; Vì thế hệ trẻ; Vì sự nghiệp Công đoàn... và nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Sơn La, trong đó phải kể đến Bằng “Công nhận trường trung học đạt chuẩn Quốc gia” năm 2016.

Tiếng trống trường lại vang lên, năm học mới đã đến, sẽ mang lại cho những người “gieo chữ”, “trồng người” trên mảnh đất vùng cao Sơn La nhiều hy vọng mới về một mùa vàng bội thu.

Tin chắc rằng, niềm hy vọng đó sẽ trở thành hiện thực. Bởi, trường PTDTNT Sơn La “hôm nay” đã, đang vững bước đi lên bằng sức mạnh được tiếp nối từ truyền thống, từ bề dày thành tích mà biết bao thế hệ thầy cô và học sinh của trường đã dày công xây dựng.

Anh Thư

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//truong-pho-thong-dtnt-tinh-son-la-mot-chang-duong-nhin-lai_n29644.html