Trường phái Kissinger mất dần ảnh hưởng trong quan hệ Mỹ - Trung

Năm năm sau chuyến thăm Hiroshima lịch sử của Tổng thống Barack Obama, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang rời xa cách tiếp cận ngoại giao của Henry Kissinger đối với Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ, Henry Kissinger - cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và là người đóng vai trò điều hòa mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh - vẫn là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tuy nhiên, từ khi Mỹ chuyển từ đối thoại sang đối đấu với Trung Quốc, những cảnh báo của chính khách kỳ cựu này về một tương lai không mấy tươi sáng giữa hai bên đã không được lắng nghe, theo bài viết trên Nikkei Asia.

Từng là tiếng nói quan trọng

Vào ngày 27/5/2016, khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Hiroshima, Nhật Bản, tiếng nói của Kissinger ở Washington vẫn được đánh giá cao.

Nikkei Asia nhận định có sự trái ngược hoàn toàn giữa hai phụ tá thân cận nhất của ông Obama vào thời điểm đó.

Một bên là phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes, người từng tham gia soạn thảo bài phát biểu nổi tiếng của ông Obama về giải trừ vũ khí hạt nhân ở Cộng hòa Séc vào năm 2009. Là người hâm mộ nhiệt thành tiểu thuyết gia Nhật Bản Haruki Murakami, Rhodes ủng hộ ông Obama đến thăm Hiroshima.

Bên kia là cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice. Ngay cả sau khi cả hai quốc gia đồng ý sẽ tổ chức chuyến thăm, bà vẫn liên tục xem xét các chi tiết và yêu cầu điều chỉnh lịch trình.

 Tổng thống Barack Obama và cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bắt tay nhau trong lễ tưởng niệm tại Hiroshima vào tháng 5/2016. Ảnh: The Conservation.

Tổng thống Barack Obama và cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bắt tay nhau trong lễ tưởng niệm tại Hiroshima vào tháng 5/2016. Ảnh: The Conservation.

Buổi lễ ở Hiroshima, nơi cựu lãnh đạo Mỹ trao tặng bốn con hạc origami như một biểu tượng hòa bình, có lẽ đã không thể diễn ra suôn sẽ nếu không có sự giúp đỡ của Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy.

Triết lý của Kissinger có ảnh hưởng không nhỏ tới bà Rice trong thời gian bà làm cố vấn an ninh quốc gia. Bất chấp sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong lòng nước Mỹ, cựu cố vấn vẫn duy trì mối quan hệ với các nhân vật chủ chốt của cả hai đảng.

Bà Rice thường gặp ông Kissinger tại văn phòng của bà ở Nhà Trắng và công khai đánh giá cao ông.

Trong gần nửa thế kỷ qua, Mỹ như bị mắc kẹt trong cách tiếp cận của Kissinger đối với Trung Quốc - cố gắng duy trì mối quan hệ trong khi thúc giục Bắc Kinh thay đổi. Bà Rice đã phản đối chuyến đi Hiroshima của ông Obama, điều mà Trung Quốc cũng đồng tình.

Giảm sức ảnh hưởng

Tuy vậy, giới an ninh quốc gia theo quan điểm Kissinger không còn đóng vai trò gì dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí đi xa đến mức tuyên bố chính sách hợp tác với Trung Quốc là một thất bại.

Ảnh hưởng của Kissinger cũng không đáng là bao dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Bà Rice được bổ nhiệm làm cố vấn chính sách trong nước, trong khi Nhà Trắng mở rộng một số vị trí an ninh quan trọng không bị ảnh hưởng bởi góc nhìn của Kissinger.

Vai trò điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - quan chức cấp cao về chính sách châu Á, bao gồm cả vấn đề Trung Quốc - thuộc về cựu Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell. Đây là vị trí mới được thành lập tại Hội đồng An ninh Quốc gia.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage cũng đóng vai trò hỗ trợ các chính sách của Mỹ tại châu Á.

Tổng thống Biden tháng 4 vừa qua cử một phái đoàn "không chính thức" tới Đài Loan. Ảnh: DW.

Ông Campbell là một trong những người đã đứng đằng tuyên bố lịch sử giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden từ hội nghị thượng đỉnh tháng 4 - trong đó có lần đề cập hiếm hoi tới Đài Loan kể từ sau năm 1969.

Ngay sau đó, ông Armitage cũng đã thực hiện một chuyến thăm đến Đài Loan để gặp lãnh đạo Thái Anh Văn.

Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục coi thường luật pháp quốc tế với các hành động bành trướng tại Biển Đông. Những lo ngại rằng mối quan hệ giữa hai bên đã thất bại, cùng mối nghi ngờ Trung Quốc có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, đã nhanh chóng phá bỏ quan điểm của Kissinger.

Cách tiếp cận của ông Kissinger rất khó có thể được ủng hộ chừng nào Trung Quốc tiếp tục thách thức Mỹ trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển, sự hợp tác với Trung Quốc là rất quan trọng để giải quyết những thách thức trên thế giới. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden vẫn sẽ gặp khó khăn khi thu hút sự ủng hộ cho mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ - Trung Quốc trong bối cảnh thái độ bài Trung tại Mỹ ngày càng rõ rệt.

Năm năm sau chuyến thăm Hiroshima lịch sử của Tổng thống Obama, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang rời xa cách tiếp cận ngoại giao của Kissinger, Nikkei Asia nhận định.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-that-sung-vi-doi-dau-my-trung-post1219971.html