Trưởng Phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam: đề nghị không phá hủy Dinh Thượng Thơ

Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam vừa có công hàm gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, đề nghị bảo tồn và không phá hủy tòa nhà Pháp tại TP.HCM. Tòa nhà này được người Sài Gòn quen gọi tên Dinh Thượng Thơ và trong hơn ba tháng qua đã gây ồn ào dư luận bởi đề xuất phá bỏ xây công trình nâng cấp, mở rộng trụ sở HĐND - UBND TP.HCM.

Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam và công hàm đề nghị bảo tồn, không phá hủy tòa nhà Dinh Thượng Thơ. Ảnh: Người Đô Thị

Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam và công hàm đề nghị bảo tồn, không phá hủy tòa nhà Dinh Thượng Thơ. Ảnh: Người Đô Thị

Dinh Thượng Thơ là một phần di sản văn hóa của TP.HCM

Công hàm số 3168220 của Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam gửi đi ngày 16.6 từ Hà Nội, đến người nhận là ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM và đồng gửi Sở Ngoại vụ TP.HCM. Người Đô Thị đăng tải nội dung chuyển ngữ tiếng Việt từ văn bản tiếng Anh của công hàm, có tiêu đề: “Đề nghị bảo tồn và không phá hủy tòa nhà Pháp tại TP.HCM”.

Thưa ngài Chủ tịch!

Tôi viết thư này liên quan đến kế hoạch của chính quyền thành phố phá dỡ tòa nhà 130 năm tuổi, hiện nay đang được sử dụng làm trụ sở chính của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, tại số 59 đường Lý Tự Trọng.

Tòa nhà này là cột mốc lâu đời thứ hai của TP.HCM và là một phần di sản văn hóa của thành phố.

Bởi năm 2018 là Năm Di sản Văn hóa của Liên minh châu Âu, nên chúng tôi cũng ủng hộ việc bảo tồn các di sản văn hóa ở Việt Nam.

Vì vậy, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi chính quyền TP.HCM xem xét lại kế hoạch dự kiến phá dỡ tòa nhà và công nhận các di sản là những đóng góp không thể thay thế của môi trường lịch sử, là đặc điểm của thành phố các ngài, và là địa điểm hấp dẫn đối với người Việt Nam và du khách quốc tế.

Tôi mong chờ ý kiến phản hồi của ngài.

Trân trọng,

Bruno Angelet

Dinh Thượng Thơ được thiết kế với hình chữ U, mặt hướng ra đường Lý Tự Trọng, mang đậm nét kiến trúc Pháp. Công trình này đã hơn 130 năm tuổi và trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử Sài Gòn. Ảnh: Quý Hòa

TP.HCM xem xét bảo tồn Dinh Thượng Thơ

Theo ghi nhận diễn tiến của Người Đô Thị, sau công hàm của Đại sứ Bruno Angelet, ngày 27.7, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã có văn bản số 3643/SQHKT-QHKV1 báo cáo UBND TP.HCM về nội dung kiến nghị của Phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam (công hàm số 3168220 ngày 16.6.2018) và đơn thỉnh nguyện của văn nghệ sĩ TP.HCM đối với việc bảo tồn trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông tại địa điểm số 59-61 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM (Dinh Thượng Thơ - PV).

Trong văn bản này, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM báo cáo đề xuất UBND TPHCM nội dung trả lời: thành phố đã có ghi nhận sự quan tâm đóng góp ý kiến của hai tổ chức trên; trong quá trình tổ chức tọa đàm, hội thảo xem xét hướng xử lý đối với công trình tại địa điểm số 59-61 Lý Tự Trọng, sẽ mời đại diện các đơn vị tham dự cùng các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, di sản để đóng góp thêm ý kiến và phương án.

Tiếp đó, ngày 30.7, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM có văn bản số 3427/UBND-DA chỉ đạo khẩn Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM về ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan đến phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND và nội dung bảo tồn kiến trúc tại địa điểm số 59 - 61 Lý Tự Trọng.

Tại văn bản này, UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì thực hiện: Tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực để xem xét sự cần thiết và phương pháp bảo tồn công trình tại địa điểm 59 - 61 Lý Tự Trọng, báo cáo và đề xuất trình UBND TP.HCM trước ngày 15.8.2018.

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khảo sát, đánh giá phân loại, bổ sung công trình trên vào danh mục các đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị theo “Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM” ban hành theo Quyết định số 2751/QĐ-UBND ngày 29.5.2013; phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM khảo sát, thu thập tài liệu hình ảnh, đánh giá phân loại, từ đó đề xuất giải pháp quản lý chặt chẽ đối với công trình.

Nguyễn Trương - Trâm Anh

Dinh Thượng Thơ trong tâm điểm dư luận

Như Người Đô Thị đã liên tục phản ánh, ngày 16.4 Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM tổ chức triển lãm về phương án thiết kế, nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP.HCM.

Theo phương án thiết kế mới, toàn bộ trụ sở HĐND - UBND TP.HCM hiện hữu ở đường Lê Thánh Tôn được giữ nguyên. Các tòa nhà phía sau đang là trụ sở Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông... (mặt tiền là đường Lý Tự Trọng) sẽ được xây mới cao hơn, kết nối với tòa nhà UBND hiện hữu để trở thành trung tâm hành chính mới. Việc phá bỏ, xây mới các công trình này, đặc biệt là phá bỏ trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương phía sau UBND TP.HCM - tòa nhà Dinh Thượng Thơ được người Pháp xây dựng hơn 130 năm trước, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như giới chuyên gia.

Sự quan tâm dành cho công trình kiến trúc đặc biệt này càng được chú ý hơn khi tại buổi họp báo của UBND TP.HCM sáng ngày 2.5, Giám đốc sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết, trong phương án nâng cấp trụ sở UBND TP.HCM, vì Dinh Thượng Thơ - tòa nhà gần 130 năm tuổi - không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa Thể thao, nên thành phố quyết định không bảo tồn tòa nhà này.

Nhiều nhà chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc, lịch sử, cán bộ nhà nước… lập tức có những phản biện công khai, từ nhiều góc độ tiếp cận, và theo họ cần phải bảo tồn Dinh Thượng Thơ. Đặc biệt, một nhóm trí thức trong và ngoài nước, gồm các nhà nghiên cứu, khoa học, chuyên môn lĩnh vực đã thực hiện và công bố vào lúc 19h40 ngày 9.5 một bản kiến nghị bảo tồn Dinh Thượng Thơ để thu thập chữ ký những ai quan tâm đến nguy cơ tòa nhà Dinh Thượng Thơ bị đập bỏ. Đến 21h30 ngày 10.5, đã có 1.927 lượt người ký tên vào bản kiến nghị này và con số vẫn đang tăng lên liên tục: Kiến nghị và ký tên bảo tồn Dinh Thượng Thơ

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu di sản… thông qua Người Đô Thị, cũng đã nêu quan điểm về vụ việc này:

TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn (Hội Quy hoạch Hoa Kỳ; Hội Kiến trúc sư Việt Nam): TP.HCM: Cần trung tâm hành chính hay cải cách hành chính?

Bà Lê Tú Cẩm (Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM; nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM) : Quyết định của TP.HCM với Dinh Thượng Thơ chưa đủ cơ sở

Ông Lê Thái Hỷ (nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM): Cơ sở khoa học nào để không bảo tồn Dinh Thượng Thơ?

TS. Nguyễn Thị Hậu (Phó tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM): Những câu hỏi pháp lý liên quan đến số phận dinh Thượng Thơ

Tác giả Trần Hữu Phúc Tiến (nghiên cứu di sản, lịch sử): “Dinh Sáng tạo” - tại sao không?

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/truong-phai-bo-lien-minh-chau-au-tai-viet-nam-de-nghi-khong-pha-huy-dinh-thuong-tho-14678.html