Trường ngoài công lập đua nhau mở ngành Y Dược

Ngoài các trường công lập có truyền thống đào tạo về sức khỏe, các trường đại học ngoài công lập mở các ngành về Y Dược ngày càng nhiều. Đáng nói, ngay cả các trường có truyền thống đào tạo các ngành xã hội cũng đua nhau mở ngành Y Dược thì chất lượng đào tạo có đảm bảo?

Ồ ạt mở ngành mới

Vào ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đã ký quyết định số 2405/QĐ-BGDĐT cho phép trường ĐH Văn Lang đào tạo ngành Răng Hàm Mặt trình độ đại học. Ngành học có mã số 7720501, thời gian đào tạo 6 năm, sinh viên tốt nghiệp nhận văn bằng bác sĩ. Ngay lập tức, trường ĐH Văn Lang nhận hồ sơ tuyển sinh ngành Răng Hàm Mặt trong đợt xét tuyển học bạ tháng 8/2020.

 Trường ĐH Văn Lang đang đào tạo 4 ngành liên quan đến sức khỏe.

Trường ĐH Văn Lang đang đào tạo 4 ngành liên quan đến sức khỏe.

Ngành Răng Hàm Mặt là ngành học thứ 48 của trường ĐH Văn Lang, trực thuộc Khoa Y và là ngành học có số năm đào tạo lâu nhất tại trường. Trước đó, trường này cũng đã có các ngành đào tạo liên quan đến sức khỏe như Dược học (thời gian học 5 năm), Kỹ thuật Xét nghiệm Y học (thời gian học 4 năm), Điều dưỡng (thời gian học 4 năm).

Tương tự, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng được Bộ GD - ĐT cho phép đào tạo ngành Y khoa trình độ đại học trong mùa tuyển sinh 2020. Trường được xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp. PGS. TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết, để được Bộ GD - ĐT và Bộ Y tế chấp nhận mở ngành Y khoa rất khó khăn. Nhà trường đã chuẩn bị nhiều năm.

Ngành Y khoa của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có 2 mức học phí cho 2 chương trình đào tạo kéo dài 6 năm. Chương trình đào tạo tiếng Việt có mức học phí 82,5 triệu đồng/học kỳ. Chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh có mức học phí 99 triệu đồng/học kỳ. Như vậy, 6 năm học, một sinh chương trình tiếng Việt phải đóng 990 triệu đồng học phí. Con số này ở chương trình đào tạo bằng tiếng Anh là 1 tỷ 188 triệu đồng.

Ngoài ngành Y khoa, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng còn tuyển sinh 5 ngành thuộc nhóm sức khỏe, gồm: Răng Hàm Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Kỹ thuật Phục hồi chức năng. Đó là chưa kể, trường này đang xin mở thêm ngành Hộ sinh.

Còn trường ĐH Đại Nam tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Y khoa, bắt đầu từ năm học 2020-2021, theo Quyết định số 87/QĐ-BGDĐT. Như vậy, khối ngành sức khỏe của trường ĐH Đại Nam có tổng cộng 3 ngành là Dược học, Điều dưỡng và Y khoa.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là nơi đang đào tạo hàng loạt ngành liên quan đến sức khỏe như: Y khoa, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Dược học, Kỹ thuật Y sinh, Vật lý Y khoa, Kỹ thuật Xét nghiệm y học. Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cũng tuyển sinh ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng. Trường ĐH Phan Châu Trinh tiếp tục tuyển sinh ngành Y đa khoa.

Bộ GD - ĐT cũng đã cho phép trường ĐH Nam Cần Thơ đào tạo ngành Y đa khoa từ năm 2018. Còn trường ĐH VinUni sẽ bắt đầu đào tạo ngành Y đa khoa từ năm 2020 qua việc hợp tác với trường ĐH Pennsylvania (Mỹ). Trường ĐH Công nghệ TP. HCM (HUTECH) ngoài ngành Dược học cũng tuyển sinh thêm các ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng. Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) tuyển sinh ngành Bác sĩ đa khoa. Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) tuyển ngành Dược sĩ và Điều dưỡng.

Lấy gì đảm bảo chất lượng?

Để đảm bảo chất lượng nhóm ngành sức khỏe, từ năm 2019, Bộ GD - ĐT đã quy định điểm sàn riêng cho nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Điều này sẽ phần nào đảm bảo chất lượng đầu vào của sinh viên nhóm ngành sức khỏe. Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm ngành đào tạo sức khỏe ở các trường ngoài công lập phải liên tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung, dù điểm chuẩn thấp hơn rất nhiều so với các trường đại học công lập cùng ngành.

Đào tạo nhân lực y tế có tính đặc thù. Trong quá trình đào tạo yêu cầu rất cao việc gắn trường với cơ sở thực hành.

Cụ thể, năm 2020, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng xét tuyển bổ sung 3 ngành: Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Kỹ thuật Phục hồi chức năng, với điểm nhận hồ sơ là 19 điểm. Trường ĐH Y khoa Vinh cũng thông báo tuyển bổ sung 3 ngành là Y học dự phòng, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, với điểm sàn 19,5. Chỉ tiêu các ngành từ 20 đến 50. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng xét tuyển bổ sung hàng loạt ngành như Y khoa, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Dược học, Kỹ thuật Y sinh, Vật lý Y khoa, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, với điểm nhận hồ sơ từ 15 - 24 điểm. Trường ĐH Văn Lang xét tuyển bổ sung các ngành Dược học, Điều dưỡng, Răng Hàm Mặt, Kỹ thuật Xét nghiệm y học với điểm nhận hồ sơ từ 19 - 22 điểm.

Một chuyên gia tuyển sinh cho rằng, đào tạo nhân lực y tế có tính đặc thù. Trong quá trình đào tạo yêu cầu rất cao việc gắn trường với cơ sở thực hành. Điều này ở các trường công lập vẫn được bảo đảm nhưng ở trường ngoài công lập rất đáng lo ngại.

Đứng ở góc độ của trường, để đảm bảo chất lượng đào tạo, TS Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Văn Lang cho rằng, để đào tạo được một bác sĩ giỏi chuyên môn, trước tiên phải tìm được những hạt giống đỏ. Năm đầu tuyển sinh, trường chỉ tuyển 50 chỉ tiêu, với đòi hỏi các bạn phải có học lực giỏi, điểm khối xét tuyển đạt 24 điểm. Trong quá trình giảng dạy, nhà trường sẽ tăng cường thời gian thực hành cho sinh viên bằng cách đầu tư cho các mô hình bệnh viện - trường học, phòng khám đa khoa, phòng thí nghiệm dành riêng cho các sinh viên khối ngành sức khỏe.

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ GD - ĐT nói rằng, hồ sơ đăng ký mở ngành sức khỏe của các trường phải đảm bảo tất cả các điều kiện theo quy định hiện hành. Các trường phải có ý kiến của Bộ Y tế về nhu cầu nhân lực ngành y tế và phải thực hiện đúng cam kết theo đề án đã đăng ký. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường phải thực hiện cam kết điểm đầu vào và chỉ tiêu đào tạo cho ngành y theo đề án đăng ký mở ngành.

Cuối tháng 12/2014, Bộ GD - ĐT có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với ngành Dược học tại trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành Y Dược. Việc tạm dừng nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc. Sau đó, Bộ GD - ĐT lại tiếp tục cho phép mở ngành trở lại.

Quế Sơn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-giao-duc/truong-ngoai-cong-lap-dua-nhau-mo-nganh-y-duoc-1741352.tpo