Trường nghề xây dựng lớp học không biên giới trong mùa dịch Covid-19

Vốn thiên về thực hành, kỹ năng, nhưng trong mùa dịch Covid-19, các trường dạy nghề vẫn phải tìm cách đào tạo trực tuyến để ứng phó với dịch.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vừa có công văn hướng dẫn các trường nghề triển khai chương trình đào tạo trực tuyến. Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khuyến khích các trường đầu tư, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp bao gồm việc học tập trực tuyến, hệ thống quản lý học tập trực tuyến, hệ thống quản lý nội dung học tập bằng các giải pháp công nghệ mã nguồn mở như Blackboard, Moodle, Canvas,… phục vụ cho cả mục tiêu đào tạo trước mắt và lâu dài.

Với các trường chưa có hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đề nghị các trường khẩn trương xây dựng, tổ chức đào tạo trực tuyến với những nội dung, môn học chung; nội dung, môn học lý thuyết bằng việc khai thác, ứng dụng triệt để các chương trình, ứng dụng hiện có trên Internet.

Tiết học trực tuyến tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Tiết học trực tuyến tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Để triển khai thực hiện được các chương trình, ứng dụng đào tạo trực tuyến nêu trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các trường thành lập nhóm triển khai đào tạo trực tuyến với thành phần chính là cơ quan đào tạo và bộ phận công nghệ thông tin của trường.

Đồng thời, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu các trường hỗ trợ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị (phòng học trực tuyến, máy tính có trang bị camera, microphone; máy chụp ảnh, quay phim…) cho các khoa chuyên môn và giáo viên giảng dạy trực tiếp; xây dựng quy chế đào tạo trực tuyến, quy định rõ quyền và trách nhiệm của giáo viên, học sinh, sinh viên trong đào tạo trực tuyến để bảo đảm tiến độ, chất lượng đào tạo theo yêu cầu.

Đi tiên phong về đào tạo trực tuyến trong hệ thống các trường nghề, thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, về cơ bản, việc đào tạo trực tuyến có thể giải quyết được tất cả các khâu quản lý đào tạo và đào tạo của các môn học lý thuyết và các môn học chuyên môn nghề. Riêng các học phần yêu cầu sinh viên phải có tương tác qua cảm giác vật lý, các trường vẫn sẽ phải đạo tạo lại trực tiếp khi hết dịch.

Là trường trực tiếp xây dựng hệ thống học trực tuyến (E-Learning) riêng, Hiệu trưởng trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, khi đào tạo trực tuyến, các trường có thể giải quyết được nhiều bài toán khó trong mùa dịch Covid-19.

"Nhờ hệ thống phần mềm học trực tuyến, chúng tôi có thể quản trị từ ban giám hiệu tới đến các phòng khoa và các lớp học, sinh viên. Hơn nữa, nguồn tài nguyên của trường cũng giàu lên bởi được số hóa, lưu trữ lại. Trường học trở thành trường học không biên giới. Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội có thể mời giảng viên nước ngoài tham gia cùng giảng dạy trực tuyến trong mùa dịch mà không sợ bị ảnh hưởng. Riêng môn tiếng Anh, trường có thể mời giáo viên bản ngữ dạy kỹ năng nghe nói cho sinh viên qua hệ thống trực tuyến rất hiệu quả. Với cách này, chúng tôi tiết kiệm được thời gian và chi phí. Với những sinh viên tại thời điểm diễn ra lớp học chưa thể tham gia vẫn có thể theo dõi lại dựa trên dữ liệu mà thầy cô giáo đã đăng tải. Các em có thể đàm thoại, làm việc nhóm qua phần mềm học trực tuyến", thầy Ngọc cho biết.

Nói về chất lượng đào tạo trực tuyến, thầy Đồng Văn Ngọc cho rằng, với các môn học lý thuyết, có thể yên tâm về chất lượng, song với những môn có nội dung thực hành trên 80%, các trường nghề vẫn buộc phải đào tạo lại sinh viên trong các xưởng.

Trước mắt, Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội sẽ triển khai ứng dụng E-learning với học lý thuyết. Học thực hành sẽ triển khai ngay sau khi hết dịch Covid-19. Từ mô hình triển khai của Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị trường báo cáo để có thể nhân rộng tại các trường nghề./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/truong-nghe-xay-dung-lop-hoc-khong-bien-gioi-trong-mua-dich-covid19-1026566.vov