Trường nào ở Việt Nam từng là đại học duy nhất ở Đông Dương?

Đây là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Đông Dương do người Pháp xây dựng.

Trường ở Việt Nam từng là đại học duy nhất ở Đông Dương

Hỏi:

Trường nào ở Việt Nam từng là đại học duy nhất ở Đông Dương?

A. Viện Đại học Paris

B. Viện Đại học Đông Dương

C. Viện Đại học Bác Cổ

D. Không có Đại học nào

Đáp án:

B. Viện Đại học Đông Dương

Trong cuốn Indochine du Nord của tác giả Madrolle xuất bản năm 1923 có giới thiệu về Université Indochinoise - Đại học Đông Dương. Đây là cơ sở giáo dục đại học duy nhất ở khu vực Đông Dương cho đến năm 1945 và là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam.

Đại học Đông Dương được Toàn quyền Paul Beau ký quyết định thành lập năm 1906. Tôn chỉ và sứ mệnh của trường đại học này được ghi rõ: "Trường đại học sẽ là một trung tâm giảng dạy giáo dục bậc đại học, đỉnh cao học vấn ở Đông Dương... trong khi đáp ứng các nhu cầu kinh tế và hành chính của thuộc địa trong các ban kỹ thuật, sẽ cố gắng hướng dẫn tinh thần khoa học, phương pháp học tập và nghiên cứu hiện đại cho những người xuất sắc… Trường đại học sẽ cố gắng tạo nên ở Đông Dương một trung tâm văn hóa u châu, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển tri thức của những người dân được chúng ta bảo hộ...".

Đại học Đông Dương là cơ sở giáo dục công lập với kinh phí do chính quyền Liên bang Đông Dương cấp. Ban đầu trường nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Toàn quyền và điều hành bởi một hội đồng quản trị. Sau đó, Đại học Đông Dương được giao cho Tổng Giám đốc Nha Học chính Đông Dương quản lý và Hội đồng hoàn thiện Viện Đại học điều hành.

Đại học Đông Dương (Ảnh: TL).

Đại học Đông Dương (Ảnh: TL).

Nhân lực được đào tạo ngành nghề tại Đại học Đông Dương

Hỏi:

Đại học Đông Dương đào tạo nhân lực cho ngành nghề gì?

A. Chỉ đào tạo ngành Y

B. Chỉ đào tạo ngành Luật

C. Chỉ đào tạo ngành Sư phạm

D. Đào tạo đa ngành nghề

Đáp án:

D. Đào tạo đa ngành nghề

Mô hình giáo dục của Đại học Đông Dương là đa ngành, có tính liên thông và tự chủ cao. Theo quyết định năm 1907 của Toàn quyền Beau, đại học này gồm 5 trường thành viên là: Trường Luật và Hành chính, Trường Khoa học (gồm các ngành Toán, Vật lý, Hóa học và Sinh vật), Trường Y khoa, Trường Xây dựng và Trường Văn khoa (dạy các môn ngôn ngữ và văn học cổ phương Đông, lịch sử và địa lý Pháp và các nước Viễn Đông, lịch sử triết học và nghệ thuật...). Việc giảng dạy được liên thông giữa các trường và khoa. Chẳng hạn, sinh viên các trường Y khoa, Xây dựng có thể học các giáo sư thuộc các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh của Trường Khoa học...

Sau một năm khai giảng, Đại học Đông Dương bị cắt giảm ngân sách, chỉ còn một số đơn vị thành viên như trường Y, Luật hoạt động. Đến 1917 với sự thay thế của Toàn quyền Đông Dương mới, trường được cấp thêm ngân sách và chủ trương mở rộng phát triển. Nhiều ngành đào tạo mới được mở ra như: Thú y, Thủy lâm, Sư phạm, Thương mại, Tài chính, Mỹ thuật, Kiến trúc...

Toàn cảnh ngôi trường Viện Đại học Đông Dương (Ảnh: TL).

Hỏi:

Sau năm 1945 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập đại học nào trên cơ sở kế thừa Đại học Đông Dương?

A. Đại học Đông Dương

B. Đại học Tổng hợp

C. Đại học Quốc gia Việt Nam

D. Đại học Quốc gia Hà Nội

Đáp án:

C. Đại học Quốc gia Việt Nam

Sau Cách mạng tháng 8/1945, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập trường Đại học Quốc gia Việt Nam trên cơ sở kế thừa Đại học Đông Dương.

Tài liệu hội thảo Đại học Đông Dương trong nền giáo dục Pháp - Việt nửa đầu thế kỷ XX - Những vấn đề lịch sử và văn hóa do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức (năm 2016) cho biết, năm 1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và dự lễ khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam. Tại buổi lễ này, các sinh viên cũ của Đại học Đông Dương vừa hoàn thành chương trình đào tạo trước đó đã được bằng tốt nghiệp của chế độ mới.

"Đây là một bằng chứng cho thấy ngay từ ngày đầu tiên, trường ĐH Quốc gia Việt Nam đã được nhìn nhận, xây dựng trên cơ sở kế thừa, tiếp nối liên tục của ĐH Đông Dương. Đồng thời, đây cũng là một quyết định có giá trị nhân văn của chính quyền cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu", PGS.TS Lê Kim Long, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét.

Những năm sau 1945, Đại học Đông Dương có một số thay đổi trong tên gọi, chính quyền phụ trách. Đến năm 1956 Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên cơ sở kế thừa trường đại học duy nhất ở Đông Dương này, đã thành lập Đại học Tổng hợp, tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay.

Đại học Tổng hợp (Ảnh: Đại học Tổng hợp).

Sinh viên của Đại học Đông Dương

Hỏi:

Ai từng là sinh viên của Đại học Đông Dương?

A. Đại tướng Võ Nguyên Giáp

B. Giáo sư Toán học Nguyễn Cảnh Toàn

C. Chủ tịch Hồ Chí Minh

D. Nhà nông học Lương Đình Của

Đáp án:

A. Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cuốn 100 chân dung một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội có viết về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo học ở khoa Luật, Đại học Đông Dương.

Theo đó, sau khi được thả tự do từ nhà lao Thừa phủ (Huế) nhưng bị cấm ở lại Huế, Võ Nguyên Giáp đã ra Hà Nội. Vừa tham gia phong trào Mặt trận Bình dân, làm Chủ tịch Báo giới Bắc Kỳ, ông vừa học lấy bằng tú tài toàn phần và làm sinh viên trường Luật của Đại học Đông Dương. "Chế độ học ở đây, số giờ lên lớp nghe giảng thì ít, nhưng giáo trình và tài liệu tham khảo phải mang về nhà tự nghiên cứu thì rất nhiều và cuối năm phải qua một kỳ thi kiểm tra. Võ Nguyên Giáp đã ôm sách ra bờ đê sông Hồng tìm một nơi vắng vẻ để ôn thi", cuốn sách viết.

Thời gian học ở Đại học Đông Dương, Võ Nguyên Giáp từng đạt giải Nhất cuộc thi sinh viên giỏi toàn Đông Dương với đề tài: Cán cân thanh toán và cán cân thương mại của Đông Dương. Giáo sư phụ trách giảng dạy môn Luật ở trường đã đánh giá luận văn này nội dung sáng sủa, có phương pháp và bản sắc cá nhân. Theo quy định, người đoạt giải nhất sẽ được cấp học bổng du học Pháp nhưng cần điều chỉnh nhãn quan chính trị. Võ Nguyên Giáp đã trả lời: "Cám ơn nhưng niềm tin của tôi đã được xác định".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ (Ảnh: TL).

Đại học Đông Dương hiện nằm trên phố của Hà Nội

Hỏi:

Các tòa nhà cũ của Đại học Đông Dương hiện nằm trên phố nào của Hà Nội?

A. Phố Tràng Tiền

B. Phố Lê Thánh Tông

C. Phố Ngụy Như Kon Tum

D. Không còn di tích của Đại học Đông Dương

Đáp án:

B. Phố Lê Thánh Tông

Ban đầu, Đại học Đông Dương được dự kiến đặt tại chỗ cắt nhau của hai đại lộ của Hà Nội là Carreau (phố Lý Thường Kiệt) và Jauréguiberry (phố Quang Trung), nhưng cuối cùng đã có vị trí như hiện nay, trên đại lộ Bobillot (số 19, phố Lê Thánh Tông).

Đại học Đông Dương do kiến trúc sư người Pháp Ernest Hesbrard thiết kế theo phong cách Đông Dương, bao gồm nhiều tòa nhà với các giảng đường rộng lớn. Một đại giảng đường ở tòa trung tâm có kiến trúc hiện đại với những cửa vòm cao tương đương hai tầng nhà được trang trí bằng kính và kim loại theo phong cách Art Nouveau; những cột trụ và mái vòm với hoa văn độc đáo. Đặc biệt, trên tường đại giảng đường có bích họa của Victor Tardieu mô tả cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20 với sự hiện diện của 200 nhân vật đại diện cho xã hội Việt Nam đương thời.

Đại giảng đường của Đại học Đông Dương xưa nay là hội trường Ngụy Như Kon Tum (tên Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Tổng hợp) và là niềm tự hào của nhiều thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp trước đây và Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay (Ảnh: Hà Nội mới).

Nguyễn Trang

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/truong-nao-o-viet-nam-tung-la-dai-hoc-duy-nhat-o-dong-duong-78086.html