Trường nào đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá ngoại ngữ?

Để công bố rộng rãi thông tin về các đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá ngoại ngữ theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đăng tải thông tin về các đơn vị này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ và đồng thời yêu cầu các đơn vị tự đăng tải Đề án trên Cổng Thông tin điện tử của đơn vị mình.

Theo phản ánh của ông Đỗ Viết Phúc (Lai Châu), ngày 27/8/2018, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1944/QLCL-QLVBCC về việc công nhận chứng chỉ/chứng nhận ngoại ngữ để trả lời Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, tại Mục 3, Cục Quản lý chất lượng trả lời, hiện tại Bộ chưa giao cho đơn vị nào thực hiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, 10 đơn vị được giới thiệu để tổ chức rà soát năng lực của giáo viên tiếng Anh và chỉ được cấp giấy chứng nhận và đối tượng ở đây là giáo viên dạy tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh) theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam như: Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học sư phạm Hà Nội... và hiện nay lượng cán bộ, công chức, viên chức các địa phương hiện tham gia thi chứng chỉ ngoại ngữ A2 và B1 để bổ sung hồ sơ và để miễn ngoại ngữ trong đào tạo sau đại học.

Ông Phúc hỏi, các đơn vị như trên tự tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam khi chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép như vậy có vi phạm vào quy định quản lý văn bằng chứng chỉ của Bộ không, và Bộ có cấp phôi chứng chỉ cho các đơn vị này không? Nếu vi phạm thì hướng xử lý của Bộ như thế nào?

Các thí sinh thi và các trường dùng chứng chỉ bậc 3 khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam phục vụ cho việc miễn ngoại ngữ của đào tạo sau đại học thì xử lý ra sao, các chứng chỉ này có được chấp nhận hay không?

Hiện tại cán bộ công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước tham gia thi và có chứng chỉ bậc 1 (A2) theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được các trường như Sư phạm Hà Nội và Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Vinh, Huế, Đà Nẵng... cấp thì có được công nhận không trong khi các đơn vị này chưa được Bộ giao nhiệm vụ đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam?

Ngoài ra, ông Phúc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn cụ thể đến các địa phương được biết và kèm theo đó là danh sách các trường được giao nhiệm vụ đào tạo cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ để các địa phương và người lao động được biết và có hướng xử lý với các trường hợp đã thi và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Trong khi chờ xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý để tổ chức, triển khai hoạt động của hệ thống khảo thí ngoại ngữ quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu 10 đơn vị: Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm SEAMEO RETRAC (Thông báo số 826/TB-BGDĐT ngày 5/8/2011); Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ (Thông báo số 896/TB-BGDĐT ngày 24/8/2011); Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh (Thông báo số 42/TB-BGDĐT ngày 11/1/2013) được tổ chức rà soát, thi, cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh tương đương 6 bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấp phôi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ này nhưng đã có hướng dẫn và có giới thiệu mẫu Giấy chứng nhận.

Quy định các loại chứng chỉ/giấy chứng nhận năng lực ngoại ngữ nào được dùng để miễn thi ngoại ngữ cho các khóa đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ theo đúng quy định hiện hành là trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị đào tạo, tuyển sinh.

Giấy chứng nhận năng lực ngoại ngữ bậc 3 (theo Khung năng lực 6 bậc Việt Nam) do 10 đơn vị nói trên cấp từ tháng 8/2011 tới ngày 15/11/2017 (thời điểm Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực) đã được nhiều đơn vị giáo dục đào tạo chấp nhận để miễn đầu vào ngoại ngữ cho học viên cao học, nghiên cứu sinh.

Sau khi Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 về Quy chế đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được ban hành và có hiệu lực từ 25/11/2017, 10 đơn vị nói trên đã tạm ngừng việc tổ chức thi đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ cho các đối tượng theo Khung năng lực 6 bậc để xây dựng và chờ thẩm định Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 5543/BGDĐT-QLCL, 5544/BGDĐT-QLCL, 5545/BGDĐT-QLCL, 5546/BGDĐT-QLCL ngày 6/12/2018, trong đó thông báo 4 đơn vị gồm Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, đủ điều kiện triển khai thi đánh giá năng lực theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thẩm định Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam của các đơn vị giáo dục và đào tạo trên cả nước gửi về.

Để công bố rộng rãi thông tin về các đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá ngoại ngữ theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đăng tải thông tin về các đơn vị này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ và đồng thời yêu cầu các đơn vị tự đăng tải Đề án trên Cổng Thông tin điện tử của đơn vị mình. Các đơn vị này cũng được yêu cầu cấp phát, quản lý chứng chỉ theo đúng các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/truong-nao-du-dieu-kien-to-chuc-thi-danh-gia-ngoai-ngu/357557.vgp