Trường muốn thoát khỏi bộ chủ quản không phải dễ

Trường tự chủ phải xây dựng được cơ chế phân định rõ đâu là quyền hạn của Hội đồng trường, đâu là quyền hạn của Hiệu trưởng.

Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là 3 trong số 23 trường thực hiện Nghị quyết 77 về tự chủ đại học được giao nghiên cứu xây dựng đề án không còn trực thuộc cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước chỉ đạo xây dựng đề án rời bộ chủ quản, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam,Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, mặc dù ông thừa nhận sẽ có rất nhiều khó khăn và thách thức.

Ông Khuyến cho rằng, tự chủ là thuộc tính đương nhiên của giáo dục đại học. Nghị quyết 14/2005 của Chính phủ đã chỉ rõ việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học phải gắn liền với sự hình thành hội đồng trường và xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản.

Tuy nhiên, đến nay việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản gần như chưa triển khai được, khiến hội đồng trường cho dù có cũng không thể phát huy được vai trò của mình và điều đó tất nhiên kéo theo việc không thể trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục đại học.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trường tự chủ phải xây dựng được cơ chế phân định rõ đâu là quyền hạn của Hội đồng trường, đâu là quyền hạn của Hiệu trưởng. (Ảnh: Thùy Linh)

Quan niệm về hội đồng trường chưa rõ ràng nên đến nay trong tổng số trên 180 trường đại học công lập mới chỉ một tỉ lệ khiêm tốn cấc trường có Hội đồng trường.

Thậm chí, ngay tại những trường này, Hội đồng trường cũng là hình thức, hoạt động rất mờ nhạt.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết thực tế cơ chế Hội đồng trường đã được đưa ra trong điều lệ trường đai học từ năm 2003.

Sau đó, Luật giáo dục năm 2005, Luật giáo dục đại học năm 2012, Điều lệ trường đại học năm 2014... tiếp tục khẳng định Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện cho chủ sở hữu của trường đại học.

Mới đây Nghị quyết 19 khẳng định Hội đồng trường trong các trường đại học công phải là tổ chức quyên lực cao nhất trong nhà trường.

Từ đó, ông Khuyến khẳng định: “Cơ sở giáo dục đại học nào chưa có Hội đồng trường thì chắc chắn không thể trao quyền tự chủ cho trường đó được và do đó chưa thể xóa được vai trò của bộ chủ quản ở đó”.

Ông Khuyến cho rằng: “Đối với 3 cơ sở giáo dục được giao nghiên cứu xây dựng đề án không còn trực thuộc cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trước hết phải rà soát lại xem Hội đồng trường tại đó đã thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất của nhà trường đó hay chưa thông qua sứ mệnh, trách nhiệm cũng như thành phần của Hội đồng trường?”.

Theo đó, ông Khuyến cũng nêu, Hội đồng trường phải hoạt động trên nguyên tắc thông qua các quyết nghị tập thể, do đó, Chủ tịch Hội đồng trường điều hành hoạt động của Hội đồng trường để ra được các quyết nghị, thay mặt Hội đồng trường ký các quyết nghị của Hội đồng trường chứ không phải là người ra mọi quyết định.

Ngoài ra, cần quan tâm tới vấn đề Hội đồng trường có thành phần chủ yếu là thành viên trong trường (đại diện cho quyền làm chủ của tập thể nhà trường) hay các thành viên ngoài trường (đại diện cho quyền làm chủ của cộng đồng xã hội); hội đồng quản trị của các trường tư thục có thành phần chủ yếu là các cổ đông (đại diện cho quyền lợi của các nhà đầu tư), hay có thành phần rộng rãi hơn nhiều để đại diện cho cả cộng đồng xã hội;

Về thành phần Hội đồng trường, ông Khuyến cho rằng: “Việc lựa chọn các thành viên kết cấu nên Hội đồng trường cần có sự tham gia từ phía cả xã hội, chứ không phải chỉ do tập thể nhà trường chọn rồi đề nghị lên.

Các thành viên Hội đồng trường phải thực sự là những đại diện ưu tú từ cộng đồng xã hội chứ không phải kết cấu cho đủ thành phần.”

Trường tự chủ phải xây dựng được cơ chế phân định rõ đâu là quyền hạn của Hội đồng trường, đâu là quyền hạn của Hiệu trưởng, tránh tình trạng việc gì Hiệu trưởng cũng phải xin ý kiến qua Chủ tịch Hội đồng trường, như vậy chẳng khác nào biến Chủ tịch Hội đồng trường thành Hiệu trưởng lớn.

Ví dụ, khi cơ sở giáo dục chi một khoản lớn nào đó thì Hội đồng trường phải ra nghị quyết Hội đồng trường nhưng chi khoản nhỏ hơn thì đó thuộc quyền của Hiệu trưởng chứ không phải Hiệu trưởng chi mấy trăm nghìn, mấy triệu cứ phải trình rồi chờ Hội đồng trường ký duyệt.

Hội đồng trường phải chịu trách nhiệm trước nhà nước còn hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường. Do đó Hội đồng trường phải có quyền tuyển dụng hoặc bãi nhiệm Hiệu trưởng”.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/truong-muon-thoat-khoi-bo-chu-quan-khong-phai-de-post186855.gd