Trường mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi: Khó khả thi

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành quy định trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ từ 3 tháng đến dưới 6 tuổi.

Mặc dù đây được xem là quy định khá nhân văn, nhằm "cởi trói" cho những gia đình thu nhập thấp không có điều kiện nghỉ làm để chăm con cái. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, quy định này khó khả thi vì chưa phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.

Điều 25, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố có quy định, trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ từ 3 tháng đến dưới 6 tuổi.

Theo Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT, cơ sở để đưa ra đề xuất này là hiện nay có khá nhiều bà mẹ nghỉ trước sinh từ 2 đến 3 tháng. Do đó khi đi làm, nếu không có chỗ gửi con sẽ rất khó khăn.

Thực tế, cũng có một số nhà máy, công ty đã thành lập nhà trẻ nhận chăm sóc con của người lao động ở độ tuổi còn rất nhỏ. Bên cạnh đó, Điều lệ trường mầm non từ năm 2008 cũng đã quy định, các trường được nhận trẻ từ 3 tháng đến 72 tháng tuổi.

Việc trường mầm non phải tiếp nhận trẻ 3 tháng tuổi dễ trở thành quy định chỉ nằm trên giấy. Ảnh: minh họa

Trong khi đó, khảo sát thực tế hiện nay cho thấy, tại hầu hết các thành phố lớn, nơi kinh tế phát triển và điều kiện cơ sở vật chất tương đối tốt như Hà Nội, đa phần các trường mầm non công lập cũng đều chỉ nhận trẻ từ 24 tháng.

Thậm chí, tại một số quận, huyện nội thành, do quá tải trường lớp, trẻ từ 2-4 tuổi còn phải bốc thăm để giành suất vào học tại trường công, việc phổ cập 100% mới chỉ dừng lại ở trẻ mầm non 5 tuổi. Kể cả tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, việc tiếp nhận trẻ mầm non 3 tháng tuổi cũng rất khó khả thi vì ở lứa tuổi này, một cô chỉ trông được một cháu và công việc chăm sóc cũng vô cùng vất vả.

Hiện cả nước mới chỉ có TP Hồ Chí Minh là đơn vị duy nhất triển khai thí điểm đề án nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại trường công lập từ năm 2014 đến nay nhưng việc thí điểm cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Lý do là hầu hết các trường chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng và trình độ chuyên môn của giáo viên còn hạn chế để chăm sóc trẻ độ tuổi này.

Nhiều giáo viên mầm non cho rằng, quy định trường mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi là không thực tế và có phần “đánh đố” giáo viên và chính các trường.

Cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên Trường Mầm non Giáp Bát, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Vấn đề mấu chốt hiện nay không chỉ là thiếu cơ sở vật chất trường lớp mà đáng lo ngại nhất là thiếu đội ngũ để chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi. Thực tế cho thấy, chương trình đào tạo của khối mầm non trong các trường sư phạm hiện không đề cập đến nội dung chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên mầm non ra trường đi làm mà chưa từng làm mẹ thì làm sao họ có kỹ năng chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi được. Ngoài ra, trong độ tuổi này, trẻ cũng cần có chế độ ăn riêng, phải bú sữa mẹ và cần được đảm bảo tuyệt đối an toàn.

TS Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nêu quan điểm: Lớp mầm non nhận trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi đi học cần phải đảm bảo tiêu chí một cô giáo trông từ 2 đến 5 trẻ.

Thông thường từ 12 tháng tuổi trở lên, một giáo viên sẽ trông từ 5-8 trẻ, đó là chưa kể đội ngũ phục vụ nấu ăn và dọn dẹp vệ sinh riêng. Ngoài ra, giáo viên phải tốt nghiệp đại học ngành mầm non, có bằng y tá, cơ sở phải có giấy phép.

Quan trọng hơn, ở lứa tuổi này, các cháu cần được đảm bảo tuyệt đối an toàn vì trẻ từ 3 tháng tuổi có thể mắc một số bệnh về đường hô hấp, hen suyễn, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa… Nếu xảy ra sự cố, người chăm sóc không xử lý kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.

“Một lớp học đạt được những yếu tố trên cũng đi liền với việc học phí đắt hơn. Vì vậy lớp học này không phù hợp gia đình có thu nhập thấp như công nhân tại các khu công nghiệp mà chỉ những gia đình thực sự có điều kiện mới có thể cho con đi học được. Do vậy, thay vì bổ sung quy định các trường nhận trẻ mầm non từ 3 tháng tuổi, cần một chính sách riêng cho đối tượng này.

Giải pháp tốt nhất cho trẻ mầm non ở các khu công nghiệp là chủ đầu tư phải đứng ra mở lớp mầm non cho con em nhân viên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo cho các cháu an toàn và giáo viên phải có trình độ. Những cơ sở này sẽ đứng ra thu tiền của phụ huynh, được kiểm tra liên tục, nếu vi phạm sẽ bị kiến nghị lên Sở Kế hoạch và Đầu tư rút giấy phép kinh doanh”- bà Hương đề xuất.

Còn theo bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội, với quy mô dân số hiện nay, các trường mầm non công lập của Hà Nội đều không đủ khả năng tiếp nhận trẻ 12 tháng tuổi.

Do vậy, bà Hương đề nghị Bộ GD&ĐT cân nhắc, xem xét kỹ chủ trương này và điều chỉnh theo hướng mở là chỉ quy định các cơ sở giáo dục nhận trẻ mầm non dưới 6 tuổi, chứ không cần quy định độ tuổi bắt đầu nhận vào.

Việc nhận trẻ từ độ tuổi nào phải để cho nhà trường quyết định dựa trên điều kiện cơ sở vật chất thực tế và đội ngũ giáo viên, có như vậy mới đảm bảo được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/quy-dinh-kho-kha-thi-473647/