Trường 'ma' liên kết ở VN: Phụ huynh có thể kiện trường, Bộ, Sở GDĐT đòi bồi thường

Trường George Washington International School (GWIS) liên kết dạy song bằng ở 14 tỉnh thành Việt Nam được Đại sứ quán Mỹ thông báo 'không thể tìm thấy' trên bất kỳ danh sách nào của Cục An ninh nội địa Mỹ, của bang Florida hay California.

Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, trong vụ việc "để lọt" trường ma sang đào tạo liên kết ở Việt Nam, phụ huynh có thể kiện nhà trường, nơi cấp phép đào tạo nếu xét thấy mình bị thiệt hại.

Trước đó, hoạt động của Trường GWIS ở nhiều tỉnh, thành VN đều được sự cho phép của Sở và Bộ GDĐT, được các cơ sở giáo dục trong nước quảng cáo rầm rộ là trường đạt chuẩn quốc tế, được kiểm định ở Mỹ.

Khi mọi chuyện vỡ lở, điều khiến dư luận và phụ huynh quan tâm là các trường của Việt Nam có hoạt động liên kết đào tạo với “trường ma”, các cơ quan quản lý giáo dục (cụ thể là Bộ GDĐT, Sở GDĐT) sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?

Về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, nếu thấy bị thiệt hại thì phụ huynh có con đã và đang học chương trình liên kết của GWIS tại các trường ở Việt Nam hoàn toàn có quyền khởi kiện để đòi bồi thường. Trong trường hợp nhà trường không có khả năng bồi thường thì Sở GDĐT sẽ phải bồi thường.

Việc bồi thường này quy định tại Khoản 4 Điều 19 Nghị định 73/2012/NĐ-CP về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Còn về trách nhiệm khi để xảy ra việc “trường ma” ở nước ngoài vào liên kết đào tạo với các trường ở Việt Nam, luật sư Bùi Đình Ứng phân tích:

“Vấn đề này không cần phải bàn cãi nhiều. Việc không thẩm định hoặc thẩm định không đầy đủ dẫn tới sự việc đáng tiếc như hiện tại, trách nhiệm chính thuộc về Bộ GDĐT. Bộ không thể né tránh được.

Về cá nhân thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi rằng đã phân công cho người này, người kia mà bản thân không chịu trách nhiệm. Sau đó là lần lượt các vụ, cục, cá nhân liên quan đến việc thẩm định, cấp phép...

Bên cạnh đó, các Sở GDĐT có triển khai các chương trình liên kết cũng không thể thoát trách nhiệm khi để việc này xảy ra”.

Cũng theo luật sư, nhiều trường đã liên kết đào tạo được 5 năm, nay bỗng dưng không được cấp bằng theo tiêu chuẩn Mỹ như đã cam kết trước đó, hoặc phải dừng việc liên kết, thì thiệt hại trước hết thuộc về học sinh.

“Lúc này việc cần nhất là phải có hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi của học sinh. Bởi các em không có lỗi, lỗi là ở nhà trường, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực GDĐT.

Nếu Bộ đã kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo thì có nghĩa là chất lượng học tập của học sinh vẫn bảo đảm theo quy định; chỉ có điều không được công nhận bằng cấp, chứng chỉ quốc tế... như nhà trường đã đưa ra mà thôi. Nếu chỉ đạt tiêu chuẩn trong nước thì không có cớ gì nhà trường vẫn thu tiền học phí theo chuẩn quốc tế được.

Tôi nghĩ, vụ việc này phải khẩn trương có quan điểm xử lý hậu quả rõ ràng để đảm bảo quyền học tập của học sinh trước khi xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan”- luật sư Bùi Đình Ứng cho biết thêm.

Cũng theo Luật sư Ứng, qua sự việc này cho thấy, lĩnh vực giáo dục còn rất nhiều vấn đề phải khẩn trương giải quyết. Nếu cứ loay hoay cải tiến, đổi mới, thử nghiệm đào tạo theo kiểu “lấy được”, không có sự thẩm định, kiểm tra kỹ lưỡng như vậy, thì học sinh khó thoát cảnh bị mang ra làm "vật thí nghiệm".

Bích Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/truong-ma-lien-ket-o-vn-phu-huynh-co-the-kien-truong-bo-so-gddt-doi-boi-thuong-602921.ldo