Trường hợp trúng đạn không thể tin nổi của C-7B Caribou trong chiến tranh Việt Nam

Sự kiện dưới đây là tai nạn 'quân ta bắn quân mình' cực kỳ hy hữu và có một không hai trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Phi cơ de Havilland Canada DHC-4 Caribou (Quân đội Hoa Kỳ lúc đầu ký hiệu là CV-2, sau đổi thành C-7 Caribou) là một loại máy bay vận tải chuyên dùng có khả năng cất hạ cánh đường băng ngắn (STOL) do Canada thiết kế và sản xuất.

Caribou cất cánh lần đầu tiên vào năm 1958, chính thức được đưa vào trang bị năm 1961. Mặc dù hầu như C-7 Caribou không còn được sử dụng trong các hoạt động quân sự nữa nhưng một số ít vẫn "tại ngũ" nhờ ưu điểm độ bền cao.

Chiếc C-7 Caribou có chiều dài 22,12 m; sải cánh 29,13 m; chiều cao 9,65 m; trọng lượng rỗng 7.675 kg, trọng lượng có tải 12.927 kg.

Máy bay được trang bị 2 động cơ Pratt and Whitney R-2000-7M2 có công suất 1.450 mã lực (1.081 kW) mỗi chiếc, cho tốc độ tối đa 348 km/h, vận tốc hành trình 291 km/h, trần bay 7.600 m, tầm bay 2.060 km.

Máy bay vận tải hạng nhẹ C-7 Caribou. Ảnh: Wikipedia.

Máy bay vận tải hạng nhẹ C-7 Caribou. Ảnh: Wikipedia.

Trong chiến tranh Việt Nam, chiếc C-7 Caribou thường được sử dụng để tiếp tế cho các tiền đồn, căn cứ biệt kích trong rừng sâu, nơi mà C-130 không thể tiếp cận được. Trong một phi vụ như vậy, một sự cố vô tiền khoáng hậu đã xảy ra.

Vào ngày 3/8/1967, chiếc C-7B Caribou số đuôi 62-4161 thuộc Phi đoàn vận tải chiến thuật 459 - Không đoàn vận tải chiến thuật 483 (459 TAS, 483 TAW) khi bay tiếp tế cho trại biệt kích Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã bị trúng đạn pháo mặt đất của chính quân đội Mỹ.

Phóng viên người Nhật Hiromichi Mine đã chụp được khoảnh khắc đặc biệt khi chiếc C-7B Caribou bị trúng phát đạn được cho là từ lựu pháo 155 mm thuộc Tiểu đoàn pháo binh 2/320 - Sư đoàn không vận 101 Mỹ. Viên đạn làm máy bay gãy đôi đâm xuống đất khiến cho tổ lái 3 người đều thiệt mạng.

Khoảnh khắc chiếc máy bay vận tải hạng nhẹ C-7B Caribou bị trúng đạn pháo của quân ta, tấm ảnh được trưng bày tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Ảnh: Hiromichi Mine.

Trong chiến tranh, để có thể bắn hạ một chiếc máy bay thì thông thường pháo phòng không phải tốn từ vài chục cho tới vài trăm viên đạn với đường ngắm lấy sẵn và pháo có tốc độ bắn nhanh hoặc được dẫn đường bằng radar.

Tuy nhiên trong sự kiện trên, chỉ bằng duy nhất một viên đạn pháo 155 mm sơ tốc thấp khai hỏa từ pháo nòng ngắn đã hạ gục được một phi cơ, đây có lẽ là sự cố độc nhất vô nhị, cực kỳ hy hữu trong chiến tranh Việt Nam và trên toàn thế giới.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/truong-hop-trung-dan-khong-the-tin-noi-cua-c-7b-caribou-trong-chien-tranh-viet-nam/20190914022815996