Trường hợp nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan C

Viêm gan virus C là căn bệnh mạn tính có khả năng truyền nhiễm khá cao, có tới hơn 90% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh.

Bệnh viêm gan C không lây truyền qua con đường tiếp xúc thông thường như nói chuyện, dùng chung bát đũa, ly tách, khăn mặt... Tuy nhiên, bệnh lại lây lan rất nhanh qua 3 con đường là đường máu, tình dục và truyền từ mẹ sang con. Trong đó, nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan C (HCV) theo đường máu thường chiếm tỷ lệ cao hơn.

HCV sau khi xâm nhập cơ thể có thời gian ủ bệnh khoảng 7-8 tuần. Đa số trường hợp nhiễm viêm gan C cấp tính thường ít có triệu chứng đặc hiệu nên dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của cảm cúm thông thường.

Có một số ít trường hợp người bị viêm gan C sẽ tự khỏi mà không cần điều trị bất kỳ loại thuốc nào, số còn lại sẽ phát triển thành bệnh viêm gan C mạn tính (sau 6 tháng khi cơ thể không đào thải được HCV ra ngoài) và tiến triển cho đến khi bệnh chuyển sang xơ gan, ung thư gan.

Có dấu hiệu mắc bệnh viêm gan C cần đi khám ngay để được tư vấn điều trị và tránh lây lan sang người khác. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống.

Có dấu hiệu mắc bệnh viêm gan C cần đi khám ngay để được tư vấn điều trị và tránh lây lan sang người khác. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống.

Các trường hợp nguy cơ cao nhiễm viêm gan C có thể kể đến như: Trường hợp tiếp xúc với 3 con đường lây lan chính được kể trên. Tiêu biểu là các đối tượng sau: Người dùng dụng cụ truyền máu hoặc sử dụng các sản phẩm từ máu có chứa HCV. Trường hợp quan hệ tình dục không an toàn. Trẻ được sinh ra từ mẹ bị viêm gan C.

Các trường hợp chích lể, xăm mình bằng các dụng cụ không được khử trùng đầy đủ. Những người dùng chung kim tiêm, hoặc bị kim đâm... trong khi kim có dính máu chứa HVC. Những người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV)...

Người mắc viêm gan C có nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng nguy hiểm như suy gan, xơ gan hay ung thư gan. Nguy hiểm hơn là bệnh viêm gan C lại là một bệnh tiến triển âm thầm cho đến khi bước vào giai đoạn nặng và có nhiều biến chứng mới phát hiện ra.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của y học hiện đại, việc xét nghiệm viêm gan C đã dễ dàng hơn và không chỉ giúp xác định được người mắc bệnh mà còn giúp biết được chính xác tình trạng của bệnh, điều này có ý nghĩa rất lớn cho quá trình điều trị viêm gan C. Các xét nghiệm viêm gan C phổ biến nhất hiện nay là anti-HCV, HCV-RNA, serotype HCV...

Do hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng viêm gan C, vì vậy, ta có thể phòng tránh như sau: Không sử dụng chung bơm kim tiêm, dụng cụ tiêm chích hay những vật dụng cá nhân - nhất là trong bệnh viện.

Không quan hệ tình dục bừa bãi. Không chích lể, xăm mình,... và nếu có thì chỉ nên hoạt động tại các cơ sở uy tín, chất lượng và thường xuyên khử trùng dụng cụ.

Theo BS Phương Lê / Sức Khỏe Đời Sống

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/truong-hop-nguy-co-cao-mac-benh-viem-gan-c-post979855.html