Trường hợp nào được đơn phương chấm dứt HĐLĐ?

Ông Nguyễn Văn Bổn (trú H. Quế Sơn, Quảng Nam), hỏi: Tôi có ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, làm việc cho 1 công ty (CT) TNHH tại Quảng Ngãi được hơn 7 năm. Vừa qua, CT này bán hết vốn và chuyển thành CT TNHH MTV. Giám đốc (GĐ) mới của CT muốn thay đổi nhân sự của CT (chấm dứt HĐLĐ), đặc biệt là các vị trí chủ chốt, trong đó có tôi với lý do là GĐ CT đã thay đổi; thông tin người sử dụng lao động (NSDLĐ) ghi trong HĐLĐ thể hiện cá nhân người GĐ cũ ký chứ không phải CT ký (cụ thể HĐLĐ: "Chúng tôi, một bên là ông Nguyễn Văn Tám; CMND số:...; Chức vụ: Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH..."). Vậy, tôi muốn biết việc tôi bị CT chấm dứt HĐLĐ với lý do như trên có đúng pháp luật không?

Thạc sĩ, Luật sư Lê Ngô Hoài Phong - Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng, trả lời: Thứ nhất, việc thay đổi GĐ không phải là trường hợp CT được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Cụ thể, theo quy định của pháp luật, NSDLĐ chỉ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp sau đây: người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ; người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn; do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Thứ hai, việc ghi nhầm thứ tự thông tin NSDLĐ và người giao kết HĐLĐ không làm thay đổi tư cách của NSDLĐ. Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nội dung chủ yếu của HĐLĐ liên quan đến tên và địa chỉ của NSDLĐ phải được ghi như sau: tên doanh nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ của doanh nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CMND hoặc hộ chiếu, địa chỉ nơi cư trú, chức danh trong doanh nghiệp của người giao kết HĐLĐ. Như vậy, HĐLĐ của ông Bổn với CT ông thể hiện thông tin của người giao kết đứng trước thông tin của NSDLĐ là không phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nội dung này không làm mất đi bản chất của quan hệ lao động giữa ông Bổn với CT và pháp luật lao động không xem đây là trường hợp làm HĐLĐ vô hiệu. Hơn nữa, dù ghi thông tin thế nào thì cũng không thể làm khác đi quan hệ lao động giữa NSDLĐ là CT và người lao động là ông Bổn. Do đó, GĐ mới không được quyền dựa vào lý do này để đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông Bổn. Do vậy, có thể kết luận rằng, các lý do CT đưa ra để chấm dứt HĐLĐ với ông Bổn đều không phù hợp với quy định của pháp luật.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn

của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng.

Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_227865_truong-hop-nao-duoc-don-phuong-cham-dut-hdld-.aspx