Trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện

Về nguyên tắc việc khởi kiện ra Trọng tài bị giới hạn bởi thời gian 2 năm. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có sự thay đổi theo hướng có những trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Tình tiết sự kiện: Công ty V (Nguyên đơn) và Công ty H (Bị đơn) đã giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý trong đó có nội dung đặt cọc. Sau đó, các bên có tranh chấp và Nguyên đơn khởi kiện Bị đơn trong đó có yêu cầu Bị đơn hoàn trả tiền cọc sau nhiều lần yêu cầu hoàn trả bất thành. Hội đồng Trọng tài xác định việc giải quyết vụ tranh chấp không ảnh hưởng bởi thời hiệu khởi kiện 2 năm.

Pháp luật Việt Nam có quy định theo hướng không áp dụng thời hiệu khởi kiện cho một số trường hợp như tranh chấp về bảo vệ quyền sở hữu tài sản trong đó có tranh chấp về đòi tài sản

Pháp luật Việt Nam có quy định theo hướng không áp dụng thời hiệu khởi kiện cho một số trường hợp như tranh chấp về bảo vệ quyền sở hữu tài sản trong đó có tranh chấp về đòi tài sản

Theo Điều 33 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, “trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”. Với quy định này, chúng ta hiểu rằng về nguyên tắc việc khởi kiện ra Trọng tài bị giới hạn bởi thời gian 2 năm. Tuy nhiên, sau khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 được ban hành, pháp luật Việt Nam có sự thay đổi theo hướng có những trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Cụ thể, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi năm 2011) quy định theo hướng không áp dụng thời hiệu đối với tranh chấp về kiện đòi tài sản. Ở đây, theo điểm a khoản 1 Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011, “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện”. Kế thừa quy định này, Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định “thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây: 2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. 3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai” (Điều 155).

Trong vụ tranh chấp trên, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng việc giải quyết không bị ảnh hưởng bởi thời hiệu 2 năm. Sau khi có Phán quyết trọng tài, một bên (Công ty H) yêu cầu Tòa án hủy Phán quyết trọng tài với lý do “hết thời hiệu khởi kiện”. Tuy nhiên, theo Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, “Công ty V đặt cọc 70% tổng giá trị thành công tối đa (tạm tính) cho Công ty H có nghĩa là quyền sở hữu khoản tiền này vẫn thuộc Công ty V. Việc Công ty H nhận đặt cọc số tiền này không có nghĩa là quyền sở hữu số tiền này đã được chuyển sang cho Công ty H. Vì vậy, việc Công ty V khởi kiện Công ty H để đòi lại khoản tiền phí dịch vụ đặt cọc thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Do đó, căn cứ mà Công ty H đưa ra để cho rằng Hội đồng Trọng tài đã vi phạm thủ tục tố tụng khi thụ lý vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện theo Điều 33 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là không có cơ sở chấp nhận”.

Hướng không để thời hiệu nêu trên ảnh hưởng tới việc giải quyết nội dung tranh chấp là thuyết phục. Thực tế, pháp luật Việt Nam có quy định theo hướng không áp dụng thời hiệu khởi kiện cho một số trường hợp như tranh chấp về bảo vệ quyền sở hữu tài sản trong đó có tranh chấp về đòi tài sản (đòi tài sản là một biện pháp bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Ở đây, tranh chấp liên quan đến đòi tài sản đặt cọc (tài sản đặt cọc vẫn thuộc sở hữu của bên đặt cọc mặc dù đã được giao cho bên nhận cọc) nên thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện và đây là điểm doanh nghiệp cần biết để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Trong Phán quyết trọng tài ở vụ việc này, Hội đồng Trọng tài còn lưu ý “mặc dù vào thời điểm Nguyên đơn khởi kiện đã quá 2 năm” nhưng “không có bên nào viện dẫn lý do hết thời hiệu khởi kiện”. Đối với hoàn cảnh như vậy, Bộ luật dân sự năm 2015 đã có hướng xử lý rất thuyết phục là “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc” (khoản 2 Điều 149). Với quy định này, trong trường hợp không bên nào trong tranh chấp yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện (khi thời hiệu khởi kiện tồn tại) như trong vụ việc trên thì Tòa án (và áp dụng tương tự cho Trọng tài) không được tự áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện để không giải quyết nội dung tranh chấp. Điều đó cũng có nghĩa là, trong hoàn cảnh như vừa nêu, thời hiệu khởi kiện không ảnh hưởng tới việc giải quyết nội dung tranh chấp của Tòa án hay Trọng tài. Đây cũng là điểm doanh nghiệp cần biết khi có tranh chấp.

TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ VIỆT NAM

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/truong-hop-khong-ap-dung-thoi-hieu-khoi-kien-166405.html