Trường hợp hy hữu: Vừa mang nang tuyến phổi khổng lồ vừa bị lõm ngực nặng

Lần đầu tiên Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM gặp trường hợp trẻ bị 2 dị tật lồng ngực bẩm sinh, vừa u dị dạng nang tuyến phổi khổng lồ vừa bị lõm ngực nặng.

Bé trai bị lõm ngực nặng

Bé được các bác sĩ của BV Nhi Đồng 2 phát hiện dị dạng nang tuyến phổi rất lớn, chiếm gần hết phổi trái, đẩy lệch tim sang hẳn bên phải và tình trạng lõm ngực cũng rất nặng với chỉ số Haller là 4,5 (thông thường chỉ khoảng 3). Bé luôn phải đối diện với nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như chèn ép tim và trung thất, cản trở chức năng hô hấp, viêm phổi nặng… Bé được phẫu thuật kết hợp nội soi lồng ngực cắt thùy phổi, loại bỏ nang phổi bẩm sinh khổng lồ và tạo hình lồng ngực bị lõm nặng cho bệnh nhi mắc bệnh hiếm gặp.

BS Nguyễn Trần Việt Tánh, Khoa Ngoại tổng hợp BV NĐ2, phẫu thuật viên phối hợp chính chia sẻ: Bệnh nhi có 2 bệnh cùng lúc liên quan nhiều chuyên khoa nên lịch mổ sắp xếp hết sức cân nhắc, và cuối cùng chọn lựa phương án tối ưu là mổ cùng lúc, vừa cắt thùy phổi qua phương pháp nội soi vừa nâng ngực lõm cho bé sau khi cắt thùy phổi xong. Không giống các ca cắt thùy phổi nội soi thông thường, tổn thương ở thùy dưới phổi trái của bệnh nhi rất to và viêm dính nhiều vào thành ngực khiến cuộc mổ trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, phải hoàn thành ca mổ trong thời gian ngắn nhất.

Sau 4 tiếng vừa phẫu thuật (mất 2,5 tiếng) lấy ra khối dị dang phổi có kích thước 7 x 10 cm, nặng 600 gr, sau đó đặt thanh dụng cụ nâng ngực. Bệnh nhi hiện đã ổn định, rút ống dẫn lưu lồng ngực, ăn uống tốt. Tái khám sau 1 tuần, bé hết mệt, ăn uống tốt, tối ngủ ngon. Gia đình và e-kip phẫu thuật đều hết sức ấn tượng trước sự thay đổi của bé.

Ê-kíp làm phẫu thuật cho bé

Bệnh nhi là bé trai 7 tuổi sinh ra tại Đắc Lắc.

Theo Ths BS Vũ Trường Nhân, Phó khoa Ngoại Tổng hợp chia sẻ: Dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh có tần suất vào khoảng 1/12000 còn dị tật lõm ngực có tần suất vào khoảng 1/1000. Tuy nhiên hai dị tật phối hợp cùng một lúc thì rất hiếm. Trường hợp bệnh nhi này rất đặc biệt khi dị dạng nang tuyến phổi của bé rất lớn và tình trạng lõm ngực lại rất nặng.

BS CKII Trương Anh Mậu, Phó Khoa Chỉnh hình cho biết thêm, điều trị trường hợp như vậy là cả một vấn đề nan giải. Thông thường trước đây, bênh nhi sẽ được mổ 2 lần, lần thứ nhất mở ngực cắt thùy phổi tổn thương, lần thứ hai sẽ đặt thanh dụng cụ nâng lồng ngực lõm. Tuy nhiên, phẫu thuật lần hai sẽ khó khăn hơn rất nhiều do di chứng mở ngực của lần mổ trước. Vì vậy, lý tưởng nhất là thực hiện giải quyết 2 dị tật trong 1 lần phẫu thuật.

Việc kết hợp liên chuyên khoa trong việc giải quyết bệnh nhi có nhiều bệnh cùng một lúc sẽ là hướng phát triển ưu tiên của bệnh viện nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho bệnh nhi.

Khối u nang được lấy ra

LÂM THỤY

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/truong-hop-hy-huu-vua-mang-nang-tuyen-phoi-khong-lo-vua-bi-lom-nguc-nang-post225663.html