Trường học ngập bùn đất, học sinh vùng núi bơ vơ trước ngày khai giảng

Cận kề ngày ngày khai giảng, nhiều vật dụng quan trọng đối với học sinh nội trú như khu phòng ở, vật dụng nhà bếp, gạo bị lũ cuốn và ngập trong hàng mét bùn đất.

Ngày mai (5/9) là ngày khai giảng năm học mới, thế nhưng học sinh và các thầy cô ở một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ vẫn đang bơ vơ, chưa có nơi để học vì trường lớp đã bị mưa lũ vùi lấp.

Chỉ mới tuần trước, điểm trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở Nà Ớt (thuộc xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã phải hứng chịu nhiều đợt lũ quét.

Trước 1 ngày đến lễ khai giảng, sân trường Nà Ớt vẫn ngập bùn đất. Ảnh giáo viên cung cấp

Lũ về quá nhanh khiến nhà trường hoàn toàn bị động chỉ biết nhìn dòng nước lũ cuốn phăng mà bất lực. May mắn nhà trường có dãy nhà hai tầng kiên cố để học sinh, giáo viên tránh lũ.

Không thiệt hại về người, nhưng cận kề ngày khai giảng nhiều vật dụng quan trọng đối với học sinh nội trú như khu phòng ở, vật dụng nhà bếp, gạo bị lũ cuốn và ngập trong hàng mét bùn đất.

Ngổn ngang tại khu vực nhà ăn của học sinh bán trú.

Chiều 4/9, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, thầy Nguyễn Trung Huấn – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nà Ớt cho biết: “Nhiều ngày qua công sức của thầy cô giáo, các đoàn thể đến giúp, nhưng việc khắc phục hậu quả sau nhiều trận lũ quét đã không kịp cho ngày khai giảng.

Để kịp khai giảng, nhà trường sẽ tổ chức khai giảng nhờ tại nhà văn hóa của thôn. Sau đó, các em lại về gia đình chờ trường khắc phục xong sẽ trở lại học”.

Cũng theo thầy Huấn, trường có 347 em 4 khối học trong số đó 1 học sinh là dân tộc Kinh còn lại là dân tộc Mông, Thái… Tất cả các em học bán trú do vậy phải khắc phục xong mới có thể nấu ăn và dạy học.

Nhiều trang thiết bị dạy và học bị hư hỏng nặng nề sau trận lũ.

Tại Thanh Hóa, sau thảm họa lũ dữ, nhiều địa phương vẫn đang trong tình cảnh đổ nát và tan hoang, mọi cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Mặc dù ngày khai giảng đã gần kề, thế nhưng các em học sinh và thầy cô ở các vùng lũ đi qua vẫn đang bơ vơ chưa có nơi để học khi trường lớp đã bị lũ phá tan, vùi lấp trong hàng tấn bùn đất.

Trong đó, huyện miền núi Mường Lát là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong số 10 huyện bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Sạt lở đất vùi lấp nhiều nhà dân, chia cắt nhiều tuyến đường ở huyện Mường Lát. Ảnh: Hoàng Dũng

Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, ông Cao Văn Cường cho biết, toàn huyện có 9 xã, thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề của đợt lũ vừa qua. 105 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà khác bị hư hỏng.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Mường Lát vẫn bị cô lập do mưa lũ và sạt lở đất. Toàn huyện vẫn đang mất điện, sóng điện thoại mới chỉ được khôi phục lại. Lương thực và xăng dầu của huyện đang dần cạn kiệt.

Giáo viên lội bùn đến trường chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới.

Trong tình cảnh hàng loạt các điểm trường bị lũ phá tan và vùi lấp, nhà cửa của người dân bị lũ tàn phá vẫn chưa thể về, việc đến trường với các em học sinh và thầy cô ở huyện Mường Lát ở thời điểm này là điều không tưởng.

Cùng chung cảnh ngộ, trường Tiểu học Trung Sơn (huyện Quan Hóa) bị lũ đánh sập, chưa thể khôi phục. Thầy Hắc Xuân Phúc, Hiệu trưởng cho biết, năm học này, nhà trường có tất cả 315 học sinh. Ngày khai giảng đã cận kề nhưng nhiều phòng học đã sập hoàn toàn, khu nhà khác cũng bị sập một phần.

Trường tiểu học xã Trung Sơn (Quan Hóa - Thanh Hóa) bị đổ sập khiến hơn 260 học sinh không có lớp học.

Vào ngày 5/9, nhà trường sẽ tổ chức lễ khai giảng chung với trường THCS tại khuôn viên trường này. Sau đó, trường sẽ liên hệ mượn tạm nhà điều hành của một công ty trên địa bàn làm phòng học tạm thời cho các thầy trò.

Không nên “khiên cưỡng”, “máy móc” trong lễ khai giảng

Chia sẻ về việc cần tổ chức Lễ khai giảng năm học mới sao cho thiết thực, ý nghĩa, tránh tổ chức hình thức, PGS-TS Bùi Thị An bày tỏ: “Các địa phương vùng núi đang bị thiệt hại rất nặng nề do thiên tai, có những vùng thậm chí vẫn còn đang bị cô lập.

Tùy từng hoàn cảnh của từng địa phương, nhất là các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, theo tôi đề nghị không nhất thiết phải tổ chức khai giảng đúng ngày 5/9. Chúng ta không nên quá nặng nề, khiên cưỡng về ngày này.

Khai giảng là cho học sinh, ít nhất học sinh phải có mặt đầy đủ, có điều kiện tối thiểu để học tập, vì thế, các địa phương khó khăn cần linh động, linh hoạt để vừa đảm bảo mục tiêu học tập và đảm bảo an toàn tính mạng, điều kiện dạy, học của thầy và trò”.

Theo bà An, yêu cầu và mục tiêu để có một lễ khai giảng ý nghĩa là giúp học sinh vui vẻ, hồ hởi bước vào, nắm được thông điệp cốt yếu, nhiệm vụ chủ yếu của các em trong năm học, thông điệp của nhà trường. Để có một lễ khai giảng thật sự vui vẻ và ý nghĩa, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của người tổ chức, quan điểm của lãnh đạo nhà trường.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/truong-hoc-ngap-bun-dat-hoc-sinh-vung-nui-bo-vo-truoc-ngay-khai-giang-20180904180841871.htm