Trường học hạnh phúc - bắt đầu từ thân thiện, gần gũi

Giáo dục toàn diện, xây dựng trường học hạnh phúc cho học sinh (HS) thì vai trò của giáo viên (GV) vô cùng quan trọng. Muốn hoàn thành trọng trách này, người GV bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn cần đồng thời trau dồi đạo đức nghề nghiệp, kĩ năng quản lý cảm xúc…

Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện để tăng hiệu quả dạy và học. Ảnh : TG

Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện để tăng hiệu quả dạy và học. Ảnh : TG

Lớp học là nhà, HS là con

Thực tế hầu hết HS có phẩm chất tốt, có ý thức, chăm chỉ học tập, rèn luyện… nhưng số HS chưa ngoan cũng không ít, cùng đó nhiều HS chưa phát huy khả năng tự chủ của bản thân trong học tập và giao tiếp ứng xử với thầy cô, bạn bè… Vì vậy, vai trò của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) trong giáo dục cần được chú trọng, phát huy nhằm giúp đỡ HS tiến bộ nhanh và tự tin hòa vào môi trường học tập.

Cô Nguyễn Đồng Trang – Trường TH Trần Phú (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông), chia sẻ: GV phải nhận thức rằng, công tác chủ nhiệm đòi hỏi trách nhiệm lớn, phải xem lớp chủ nhiệm là ngôi nhà thứ hai, HS là em, là con trong gia đình của mình. Như thế, GV mới có thể dành hết tâm trí, tình cảm vào công việc.

Từ kinh nghiệm làm GVCN, cô Trang cũng cho rằng phương pháp giáo dục tạo sự thân thiện với HS lớp mình chủ nhiệm rất cần thiết để tạo nên môi trường học tập gần gũi với HS, tăng cường sự chia sẻ giữa thầy cô với học trò.

Sự tham gia của GV cùng HS trong các buổi lao động không những tạo không khí sôi nổi, mà còn giáo dục được tính tích cực trong lao động cho HS. Và như vậy, GVCN có thêm cơ hội tiếp cận, chia sẻ nỗi buồn, niềm vui… với học trò.

Quá trình làm GVCN, cô Trang đã gặp nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn (kinh tế khó khăn, cha mẹ nghiện rượu, lười lao động…). Cô đã phải kết hợp với tập thể lớp luôn quan tâm, giúp đỡ. Tuy nhiên, những HS này thường có tâm lý mặc cảm, tự ti trước bạn bè nên trong cách đối xử cô luôn đề cao sự tế nhị, khéo léo và có phương án giúp đỡ kịp thời.

Cùng lao động với HS cũng là cách để cô Trang tăng cường sự thân thiện, gần gũi giữa GVCN và học trò. GVCN chỉ cần hướng dẫn chi tiết công việc để HS tự tin phát huy khả năng của mình. Khi các em thực hiện công việc được giao, GVCN nên nhẹ nhàng hướng dẫn để giúp cho HS tránh được khó khăn có thể xảy ra, mặt khác các em rút ra được kinh nghiệm cho bản thân...

Ảnh minh họa/ Internet

Quản lý cảm xúc để giáo dục hiệu quả

Theo TS Lê Mỹ Dung – Khoa Tâm lí Giáo dục (Trường ĐHSP – ĐH Đà Nẵng), trong giáo dục còn có những câu chuyện không vui đều xuất phát từ thực trạng GV không biết quản lí cảm xúc của bản thân, gây ra những hậu quả đáng tiếc và đau lòng đối với HS.

Để phát triển được kĩ năng quản lý cảm xúc cho GV tiểu học, TS Lê Mỹ Dung đã đưa ra một số biện pháp như:Rèn luyện kĩ năng nhận dạng cảm xúc của HS; Tự điều chỉnh xúc cảm của bản thân thông qua việc hình thành một số phản xạ có điều kiện; GV cũng có thể cân bằng cảm xúc thông qua việc luyện tập thể dục thể thao, yoga, thiền; Điều chỉnh thay đổi của cơ thể như tập hít thở sâu, thay đổi tư thế, cử chỉ. Mặt khác có thể luyện tập cách chia sẻ và lắng nghe. Tham gia các khóa học về kĩ năng kiểm soát xúc cảm, kỹ năng ứng xử, giao tiếp…

Chính vì vậy, việc rèn luyện để có kĩ năng tự quản lí cảm xúc, biết kiểm soát, biết điều chỉnh những xúc cảm âm tính, biết phát huy những xúc cảm dương tính/tích cực nhằm tạo mối quan hệ thân thiết, đồng cảm, chia sẻ với HS, giúp các em phát triển toàn diện ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Mặt khác, với HS từ bậc tiểu học, cảm xúc là một yếu tố có ảnh hưởng đến kết quả học tập và GV là nhân tố quan trọng thỏa mãn về mặt cảm xúc của HS. Cách ứng xử cảm xúc và phương pháp dạy học của GV đóng vai trò quan trọng đối với xúc cảm và kết quả học tập của HS.

Sự đồng ý hay khen ngợi của GV đủ để bảo đảm cho HS thỏa mãn cảm xúc, bởi GV chính là người đưa ra những quy tắc nhất định của hành vi và ngăn chặn mọi lệch lạc, vi phạm những quy tắc đó. Ngoài ra GV cũng là người thường xuyên đánh giá mọi công việc của trẻ, nhất là học tập, mà những đánh giá này lại là cơ sở quan trọng quyết định vị thế xã hội của HS trong tập thể lớp, cũng như vị trí của các em trong hệ thống các mối quan hệ với bạn cùng lớp…

Như vậy việc làm chủ cảm xúc của GV vô cùng quan trọng trong việc tạo ra bầu không khí tích cực trong lớp học, giúp HS cảm nhận được sự ấm áp, tin tưởng, tôn trọng và an toàn.

Rõ ràng sự chuyển động, thay đổi của GV trong quá trình giáo dục để tạo nên môi trường giáo dục thân thiện, trường học hạnh phúc là không thể thiếu hay xem nhẹ. HS chính là tấm gương phản chiếu về cách giáo dục, ứng xử và cảm xúc của thầy cô. Khi GV đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đó sẽ tạo ra những sản phẩm giáo dục tích cực, trường học thân thiện… HS hạnh phúc và mong muốn được học tập hàng ngày trong ngôi trường của mình.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/truong-hoc-hanh-phuc-bat-dau-tu-than-thien-gan-gui-4031791-b.html