Trường học Hà Nội quá tải - Bài cuối: Không thể mỏi mòn chờ giải pháp

Theo Nghị quyết 05/2012/NQ-HÐND thì tới năm 2020, Hà Nội còn thiếu 314 trường công lập. Tuy nhiên, đoàn giám sát của HÐND thành phố cho rằng, cần rà soát việc triển khai thực hiện Nghị quyết, chỉ đúng nơi nào cần, nơi nào thiếu trường và triển khai xây dựng cho phù hợp với nhu cầu.

Trường lớp trên địa bàn Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải.

Thực tế thời gian qua cho thấy, do dân số tăng nhanh, số học sinh tăng, việc đầu tư hệ thống trường học chưa trúng, chưa đủ, cho nên không đáp ứng được yêu cầu.

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho giáo dục

Theo đó, thời gian tới ưu tiên nguồn ngân sách, quy hoạch lại hệ thống trường học, quản chặt không để đô thị mọc lên như nấm mà lại trắng trường lớp, đó là những giải pháp để chữa căn bệnh thiếu trường lớp của Hà Nội thời gian qua.

Trong năm 2018, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã xây mới và thành lập mới được 70 trường học các cấp học (trong đó, mầm non 38 trường, tiểu học 17 trường, THCS 15 trường) với kinh phí khoảng 3.276 triệu đồng. Đối với khối trực thuộc đã thành lập mới 7 trường THPT (2 trường công lập 1 công lập tự chủ, 4 trường tự thục). Cũng trong năm 2018, toàn TP cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học với 2.450 phòng học được xây mới và 2.552 phòng học cải tạo, sửa chữa với kinh phí khoảng 1.846.008 triệu đồng. Khối trực thuộc năm 2018 xây dựng chống xuống cấp đầu tư 92.000 triệu đồng kinh phí chống xuống cấp cho 40 trường, đảm bảo điều kiện năm học mới.

Có thể nói nguồn lực đầu tư cho giáo dục trên địa bàn Thủ đô không hề nhỏ. Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, quan tâm đầu tư giáo dục được ưu tiên hàng đầu. Có thể thấy qua thống kê từ năm 2011 đến nay, Hà Nội chi khoảng 28.000 tỷ đồng, chưa nói đến xã hội hóa, cho việc cải tạo, xây mới trường học. Bà Ngọc cho rằng, nguồn lực đầu tư lớn nhưng so với yêu cầu chưa đáp ứng được.

Chỉ ra lý do tại sao Hà Nội dành nguồn ngân sách không nhỏ cho xây dựng trường lớp nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu là bởi ngoài nguyên nhân đô thị hóa khiến tăng dân số cơ học thì vẫn có tình trạng, một số quận huyện chưa thực sự quan tâm tới quy hoạch trường lớp, còn có những địa điểm xây dựng trường học không phù hợp. Vì vậy, bà Ngọc đề nghị các cấp, các ngành làm rõ, rà soát lại quy hoạch mạng lưới giáo dục, xuất phát từ thực tiễn yêu cầu và định hướng phát triển. Từ nay đến 2020 thiếu hơn 300 trường thì thiếu ở khu vực nào và lộ trình, giải pháp thực hiện ra sao?

Tránh tình trạng khu đô thị trắng trường

Bà Phạm Thị Lệ Hằng- Trưởng phòng Giáo dục quận Hà Đông chia sẻ: Là quận đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, đặc biệt là có những khu đô thị cao tầng mọc lên “hàng ngày” nên Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tham mưu với UBND quận quan tâm đến việc xây trường tại các khu đô thị. Ngành GD-ĐT đã cùng với Tập đoàn Nam Cường xây dựng hệ thống trường học liên cấp tại Khu đô thị Dương Nội, trung tâm quận. Hệ thống này được bố trí theo các cấp học từ Mầm non, Tiểu học, THCS và bậc Phổ thông. Sau khi hoàn thành, hệ thống dự kiến đáp ứng nhu cầu giáo dục của 1.870 trẻ mầm non, 2.670 học sinh tiểu học, 2.403 học sinh THCS và 1.335 học sinh phổ thông.

Còn ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Trong nhiều giải pháp được đặt ra, ngành Giáo dục luôn mong muốn tại các khu đô thị mới cần phải có hệ thống trường công để đáp ứng nhu cầu của người dân có mức thu nhập trung bình. Người dân ở các khu đô thị mới chủ yếu ở mức trung bình nên hầu hết cư dân đều mong muốn gửi con học công lập, mà trường công thì lại quá ít, dẫn đến việc quá tải. Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố rà soát quy hoạch mạng lưới trường học để xây dựng và điều chỉnh lại quy hoạch đã được phê duyệt năm 2012. Trong đó, việc quy hoạch cần căn cứ vào số lượng dân cư hiện sinh sống và dự báo dân cư di dân đến, đặc biệt là các khu có chung cư cao tầng để dành quỹ đất đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phòng học, trường học, giáo viên đủ đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Đặc biệt, theo quy định mới của UBND thành phố, khi phê duyệt xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn sẽ phải có ý kiến của ngành GD-ĐT về việc xây dựng trường lớp như thế nào, để đáp ứng yêu cầu học tập của người dân, tránh tình trạng nhà cao tầng mọc lên ầm ầm nhưng lại “trắng” trường học như thời gian qua.

Giải quyết dứt điểm bất cập của quy hoạch

Truy lý do tại sao ngân sách ưu tiên cho giáo dục không nhỏ mà từ nhiều năm nay Hà Nội vẫn phải chịu cảnh thiếu trường, và lớp đông nghịt học sinh, theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, bất cập nhất trong phát triển hệ thống mạng lưới giáo dục trên địa bàn thành phố là các quận nội thành thì sẵn sàng nguồn lực đầu tư xây dựng trường, nhưng lại rất khó khăn về địa điểm (như Hà Đông, Hoàng Mai, Đống Đa, Nam Từ Liêm…), trong khi đó các huyện ngoại thành dễ bố trí địa điểm xây dựng trường nhưng lại thiếu nguồn lực đầu tư (như Ba Vì, Đông Anh, Ứng Hòa…). Ông Nam cũng cho biết, ở một số huyện xây dựng nông thôn mới còn có tình trạng quy hoạch xây dựng trường đầy đủ nhưng thiếu học sinh. Một số quận rất khó khăn trong quy hoạch đất xây dựng trường nhưng lại phát triển hệ thống dân lập nhiều hơn công lập, học sinh sở tại ít có điều kiện theo học...

Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương, ngoài sự “vênh” giữa khu vực nội thành và ngoại thành nêu trên, tại các khu đô thị mới, các công trình hạ tầng xã hội, trong đó có trường học chưa được chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch. Thực tế, mới có 15 khu đô thị có hệ thống hạ tầng xã hội cơ bản đáp ứng nhu cầu của cư dân, còn 78 dự án đang trong giai đoạn đầu tư, trong đó có 15 dự án chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xã hội hoặc thiếu so với nhu cầu thực tế.

Sự bất cập trên chính là do việc dự báo dân số của từng quận, huyện, thị xã chưa chính xác, dẫn đến khó khăn trong xác định nhu cầu quỹ đất cần đầu tư. Bên cạnh đó, các quận ven đô phát triển nhiều khu đô thị nhưng chưa quan tâm đúng mức về quy hoạch mạng lưới trường học. Do vậy, để giải bài toán “nơi thừa, nơi thiếu” trường, lớp, UBND thành phố cần chỉ đạo các sở chuyên ngành rà soát kỹ, bổ sung quy hoạch, đáp ứng nhu cầu cả trước mắt và lâu dài.

Nhiều ý kiến cho rằng giải quyết vấn đề thiếu trường, lớp thì không nhất thiết xã, phường, thị trấn nào cũng quy hoạch một trường mầm non, tiểu học, THCS; nơi nào cần thiết có thể có hai trường. Những nơi khó khăn về quỹ đất thì cần đề xuất giải pháp nâng tầng để tăng phòng học. Ngoài ra, UBND thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ di dời các nhà máy, xí nghiệp trong diện phải di dời, bàn giao mặt bằng cho địa phương, ưu tiên quỹ đất xây trường học. Đặc biệt, UBND thành phố sớm chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát lại quy hoạch, yêu cầu các đơn vị dành diện tích phù hợp cho hạ tầng xã hội, trong đó có trường học; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng trường học sang mục đích khác. Có như vậy mới từng bước giải quyết nhu cầu của học sinh, giãn số học sinh/lớp theo đúng tinh thần Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/truong-hoc-ha-noi-qua-tai-bai-cuoi-khong-the-moi-mon-cho-giai-phap-tintuc407873