Trường học dạy yêu nước ở số 4 Hàng Đào hồi đầu thế kỷ

Có lẽ lúc ấy, mỗi mình Đông Kinh nghĩa thục dạy lối riêng so với các trường công do chính quyền thực dân mở, mà trong đó dạy lòng yêu nước là một, bỏ hẳn lối tầm chương trích cú.

Dạo đầu thế kỷ 20, bên cạnh phong trào duy tân mang tính cách ôn hòa, bạo động manh tính quyết liệt chống Pháp, đưa nước nhà tiến lên tự cường… thì Đông Kinh nghĩa thục ra đời, lấy giáo dục làm phương tiện tuyên truyền, khích động lòng yêu nước trong dân.

Nơi số 4 phố Hàng Đào

Năm 1919, giáo dục thi cử Nho học dứt bóng. Song hành vào đầu thế kỷ 20, lối giáo dục kiểu phương Tây cũng được chính quyền thực dân áp dụng vào nước Việt với định hướng giáo dục phục vụ cho đường lối cai trị thực dân. Ấy vậy mà vào tháng 3/1907, Đông Kinh nghĩa thục được lập nên giữa đất Hà thành. Sự thành lập trường cùng lối dạy học kiểu mới là một cuộc cách mạng về giáo dục dạo đó.

Cụ cử Lương Văn Can, Hiệu trưởng của trường.

Cụ cử Lương Văn Can, Hiệu trưởng của trường.

Trường ra đời với Hiệu trưởng là cụ cử Lương Văn Can, Giám học là Nguyễn Quyền mà theo ghi chép trong Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ 19 - 20 chính là hai người sáng lập. Để hợp pháp hóa cho sự ra đời, nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh (theo Nguyễn Hiến Lê thì có thêm Phạm Duy Tốn cùng tham gia) là người làm đơn tới Toàn quyền Paul Beau xin thành lập trường. Trụ sở đặt tại số 4 phố Hàng Đào tại ngôi nhà của cụ cử Can. Cụ Can chính là “Thủ lĩnh phong trào duy tân Khổng giáo (Đông Kinh nghĩa thục)” như Ba thế hệ tri thức người Việt (1862-1954) cho hay.

Sách 100 năm Đông Kinh nghĩa thục cho hay tham gia sáng lập và giảng dạy tại Đông Kinh nghĩa thục đều là những nhà yêu nước nhiệt thành như Lương Văn Can, Võ Hoành, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ… Để hoạt động của trường tiến hành quy củ, các bộ phận chức năng được lập ra gồm: Ban giáo dục, Ban tài chính, Ban cổ động, Ban trước tác. Mô hình của trường phỏng theo Khánh Ưng nghĩa thục của Nhật Bản.

Ngôi nhà bên phải với ba vòm cửa màu trắng tại số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội là trụ sở trường Đông Kinh nghĩa thục.

Trường được lập nên nơi đất Hà Nội, từng có tên Đông Đô nên tên trường là Đông Kinh nghĩa thục với định hướng khi công cuộc giáo dục thu được kết quả sẽ mở chi nhánh nhiều nơi. Trong nghiên cứu Đông Kinh nghĩa thục của Nguyễn Hiến Lê miêu tả trường và cũng là nhà riêng cụ cử Can nằm đầu phố Hàng Đào phía tay phải, từ chợ Đồng Xuân đi xuống với 4 - 5 thước bề ngang, hai bên là những kệ chứa lụa, the, lãnh do nhà cụ cử làm nghề buôn vải. Mặt bằng trường là cái gác tẩu mã (gác lớn thời xưa) chứa được vài trăm học trò. Cảnh nô nức hưởng ứng lối giáo dục mới của trường được Cận đại Việt sử diễn ca ghi:

Đông Kinh nghĩa thục mở trường,

Học trò băm sáu phố phường chen nhau.

Trường học dạy yêu nước

Sự đổi mới nơi Đông Kinh nghĩa thục so với giáo dục thông thường theo Việt sử tân biên phần “Việt Nam kháng Pháp sử” ghi là “ly khai với cái học từ chương, cử nghiệp, tiến sâu vào tân học (theo Tây phương)”. Ngay cả việc giảng Tứ thư, Ngũ kinh không còn theo lối cũ, mà theo tinh thần mới và Việt Nam thời Pháp đô hộ cho hay chương trình giảng dạy của trường “gồm cả Việt văn, Hán văn và Pháp văn, và từ bỏ lối học từ chương để nhấn mạnh lên thường thức và thực nghiệp. Để truyền bá tư tưởng mới, trường cũng soạn sách và những bài ca ái quốc có tính cách khai trí”.

Học sinh theo học không phải đóng học phí và không giới hạn độ tuổi hay giới tính. Tác phẩm Đông Kinh nghĩa thục cho hay “hội viên tự ý giúp bao nhiêu cũng được và quyên thêm trong những chỗ quen thuộc hảo tâm”. Dạo mới mở trường có 8 lớp cả ban ngày và buổi tối, sau số người theo học tăng lên khoảng 400 - 500 người.

Lớp học tăng tính trực quan với bản đồ, hình vẽ...

Trường lập ra thư viện với sách báo mới để học sinh có tài liệu tham khảo, mở rộng cho độc giả ngoài trường được vào đọc. Việc dạy chữ quốc ngữ được chú trọng. “Bài hát khuyên học chữ quốc ngữ” có những câu dễ thuộc như:

Nước ta học vấn thế nào,

Chẳng lo bỏ dại nhẽ nào được khôn.

Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước,

Phải đem ra tính trước dân ta.

Hay dạy về lịch sử, địa lý thật dễ ngấm. Tỉ như Đại Việt địa dư viết về địa lý theo lối lục bát của cụ Lương Văn Can, đoạn viết “Thành phố Hà Nội” thì ghi:

Hà thành xưa gọi Long Biên,

Thăng Long từ Lý Thuận Thiên, đó mà.

Sơn Nam, Thượng Trấn đổi ra,

Sau rằng Hà Nội cũng là đây thôi.

Có lẽ lúc ấy, mỗi mình Đông Kinh nghĩa thục là dạy lối riêng, mà trong đó dạy lòng yêu nước là một. Bài tập Kiều được viết ra cổ động với những câu đầy chí khí:

Đục trong thân cũng là thân,

Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.

Tẻ vui cũng một kiếp người,

Thân đeo đẳng chẳng thiệt thòi lắm ru!

Hay như trong Tân đính quốc dân độc bản có cả bài “Thế nào là yêu nước thật sự” giảng nghĩa về lòng yêu nước không phải ở hô hào suông, mà nội dung như thế này: “Như thế nào mới là yêu nước? Cứ nghĩ: lãnh thổ nước ta rộng hơn hai mươi vạn dặm vuông Anh thì chúng ta phải có dũng khí làm cho thế lực của chúng ta mở rộng ra thành một nước lớn. Cứ nghĩ: dân ta đông những hơn hai mươi triệu, thì chúng ta phải rèn luyện tinh thần tự lập để công thủ và chiến thắng”…

“Bài hát khuyên học chữ quốc ngữ” viết tay.

Trường chủ động soạn ra sách mới, lối mới như học giả Nguyễn Hiến Lê cho biết “Nội dung bài nào cũng hô hào lòng ái quốc, chí tự cường và tinh thần duy tân”. Xem trong Đông Kinh nghĩa thục và văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, có thể điểm tên những sách ấy với loại sách sử, kinh tế và sách dạy yêu nước như: Văn minh tân học sách (Kế sách xây dựng nền học mới để đạt đến văn minh), Nam quốc vĩ nhân truyện (Chuyện vĩ nhân nước Nam), Nam quốc giai sự (Chuyện hay nước Nam), Đại Nam văn minh khởi điểm sử (Lịch sử khởi đầu văn minh Đại Nam), Hải ngoại huyết thư (Sách viết bằng máu từ nước ngoài gửi về), Đại Việt địa dư, Tỉnh hồn quốc ca, Hợp quần doanh sinh thuyết… Sách giáo khoa có điểm tên một số cuốn như: Tân đính quốc dân độc bản (Sách đọc của quốc dân, bản mới), Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư (Sách giáo khoa lịch sử nước nhà, bậc sơ học cải cách), Tân đính luân lý giáo khoa thư (Sách giáo khoa luân lý, bản mới), Tân đính Nam quốc địa dư giáo khoa thư (Sách giáo khoa địa dư nước Nam, bản mới), Tối tân quốc văn tập đọc (Quốc văn tập đọc bản mới nhất)…

Là hoạt động giáo dục góp phần khai dân trí, chấn dân khí làm ngăn trở tới chính sách thuộc địa của chính quyền bảo hộ nên đầu năm 1908 giấy phép hoạt động của trường bị thu hồi với lý do là “có thể làm cho lòng dân náo động”. Những hội viên liên quan người bị bắt, người bị bỏ tù với án treo, người khổ sai biệt xứ… và trường đóng cửa. Ấy nhưng với những gì làm được, tiếng vang của trường học yêu nước nơi đất Hà thành còn mãi trong sử nước Nam.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/truong-hoc-day-yeu-nuoc-o-so-4-hang-dao-hoi-dau-the-ky-post1014474.html