Trường học đầu tiên đưa ứng dụng 3D vào dạy môn Toán

Ngày 3-11, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) lần đầu tiên đưa ứng dụng công nghệ 3D vào dạy học môn Toán đối với học sinh khối 11.

Theo đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, đây là một trong những trường THPT đầu tiên của TP sử dụng phòng chiếu 3D với nhiều trang thiết bị hiện đại như màn hình tương tác, máy chiếu, kính 3D... vào dạy học môn Toán.

Công nghệ 3D được sử dụng để dạy môn hình học không gian. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Công nghệ 3D được sử dụng để dạy môn hình học không gian. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trao đổi với PV báo SGGP, thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, phòng chiếu 3D được khánh thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm học 2019-2020.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, công nghệ 3D thường được các trường sử dụng để trình chiếu phim tư liệu, hỗ trợ dạy học các môn khoa học xã hội (như lịch sử, địa lý…). Đây là lần đầu tiên nhà trường sử dụng công nghệ hiện đại này vào dạy học môn Toán nhằm mang lại làn gió mới trong việc dạy và học môn Toán, cụ thể ở phân môn hình học không gian.

Các em học sinh thích thú với môn hình học không gian dạy bằng công nghệ 3D. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cô Nguyễn Hoàng Thanh Trúc, giáo viên tổ bộ môn Toán cho biết, tiết học bắt đầu bằng việc đặt ra một tình huống thực tế trong cuộc sống là một nghệ nhân muốn điêu khắc một cây bút chì hình lăng trụ có đáy là lục giác đều. Người này dùng lưỡi dao phẳng cắt bút chì theo đường chéo góc đã cho trước. Câu hỏi được đặt ra cho học sinh là bề mặt của bút chì sau khi cắt sẽ có hình dạng gì.

“Vấn đề mặt cắt của các hình khối học sinh sẽ gặp rất nhiều trong đời sống thực tế ở các lĩnh vực như cơ khí, kỹ thuật… Trong khi đó, đối với phân môn hình học không gian ở khối 11 có bài học về thiết diện tạo bởi một mặt phẳng với hình đa diện như hình chóp, hình lăng trụ. Nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn bài học và có sự liên hệ thực tế cuộc sống, tổ bộ môn Toán đã thiết kế bài dạy với giáo án 3D, giúp các em có thể quan sát một cách trực quan, sinh động về mặt cắt của các hình khối”, cô Nguyễn Hoàng Thanh Trúc chia sẻ.

Các em học sinh thích thú với phương pháp học tập mới. Ảnh: HOÀNG HÙNG

So với việc dạy học ở định dạng 2D trên giấy, giáo án 3D đòi hỏi giáo viên mất nhiều thời gian nghiên cứu, ngoài ra phải tìm được công cụ là phần mềm chuyển đổi từ định dạng 2D sang 3D để trình chiếu trên màn hình máy chiếu.

Thời gian đầu khi triển khai thực hiện, các thầy, cô gặp khó khăn vì không phải định dạng 3D nào cũng tương thích với kính 3D. Có trường hợp phần mềm đã chuyển đổi nhưng không quan sát được bằng kính.

Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, dạy thử nhiều lần trước khi giảng dạy chính thức của các thầy, cô giáo, giáo án 3D đã được hoàn thiện và triển khai cho học sinh.

Ghi nhận sau tiết học đầu tiên với phần mềm 3D, nhiều học sinh cho biết vô cùng hứng thú. Các hình khối trong không gian không còn trừu tượng, mơ hồ trên giấy mà thông qua phần mềm chuyển đổi đã trở nên sinh động.

Nhờ đó, việc học Toán không dừng lại ở những con số, hình vẽ trên giấy bút mà trở nên cụ thể, gần gũi với cuộc sống hàng ngày của chính học sinh.

Tới đây, Trường THPT Lê Quý Đôn sẽ tiếp tục nhân rộng hình thức dạy học theo định dạng 3D ở nhiều môn học khác như hóa học, sinh học…

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/truong-hoc-dau-tien-dua-ung-dung-3d-vao-day-mon-toan-695420.html