Trường học đặc biệt ở Ấn Độ thu học phí bằng rác thải

Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trường Akshar do hai vợ chồng Mazin Mukhtar và Parmita Sarma thành lập đã yêu cầu học sinh mang rác thải nhựa đến trường thay vì đóng tiền học phí.

 Học sinh tại trường Akshar mang đồ nhựa từ nhà đến trường. Ảnh: Getty Images

Học sinh tại trường Akshar mang đồ nhựa từ nhà đến trường. Ảnh: Getty Images

Trường Akshar được thành lập bởi Mazin Mukhtar, 32 tuổi và vợ Parmita Sarma, 30 tuổi đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của học sinh bằng cách miễn học phí khi học sinh mang theo túi rác nhựa đến trường. Điều này giúp ngăn chặn người dân địa phương đốt đồ nhựa đã qua sử dụng.

Theo đó, khói từ việc đốt chất thải nhựa ở nhiều ngôi làng đã gây ra mối nguy hại đến môi trường, khiến trẻ em ho và thở khò khè trong lớp học.

Theo đó, trường được thành lập để cung cấp một nền giáo dục cho trẻ em trong khu vực. Hầu hết người dân đều đang làm việc trong các mỏ đá ở địa phương, kiếm được khoảng 3 đô la (khoảng 69.000 đồng) một ngày. Rất ít các bậc cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn muốn gửi con đến trường đi học.

Mazin Mukhtar cùng vợ là Sarma thành lập trường Akshar ở Pamohi. Ảnh: Getty Images

"Khi chúng tôi yêu cầu phụ huynh cho con em họ mang theo đồ nhựa đến trường, hầu như không ai đồng ý. Họ thích đốt đồ nhựa. Vì vậy, vợ tôi nói với họ rằng chúng tôi sẽ bắt đầu tính học phí. Phụ huynh có thể trả học phí bằng tiền mặt hoặc bằng rác thải nhựa sử dụng ở nhà của họ", Mukhtar nói.

Chính sách học phí thay thế đã nhanh chóng khiến phụ huynh tuân thủ 100%, nhiều người cũng ký cam kết ngừng đốt nhựa.

Ngoài ra, để hỗ trợ việc xây dựng cầu đang được thi công trong cộng đồng, trường cũng tổ chức các lớp đào tạo nghề. Muhktar, một người Mỹ gốc Phi đến Ấn Độ năm 2013 từ New York để làm việc cho một dự án trường học ở Assam cho biết, sinh viên được dạy cách lắp đặt các tấm pin mặt trời và tham quan các xưởng gỗ và điện tử. Cặp đôi đã thành lập Akshar vào năm 2016, quyên góp tiền để xây dựng ngôi trường và tìm tài trợ từ các mạnh thường quân để điều hành trường.

Từ 20 học sinh ban đầu, Akshar hiện có bảy giáo viên quản lý 110 trẻ em từ 4 đến 15 tuổi và còn một danh sách trẻ em đang chờ được xét duyệt gồm 100 em.

Sarma nói: "Chúng tôi cố gắng dạy học sinh có trách nhiệm với môi trường xung quanh và phấn đấu để cải thiện chúng. "Vì thu thập ít nhất 25 món đồ nhựa mỗi tuần từ mỗi học sinh, cho nên mỗi tháng chúng tôi có thể thu thập tới 10.000 cái. Chúng sẽ được tái chế thành gạch sinh thái để xây dựng. Nhờ chính sách này khói độc hại từ việc đốt nhựa ảnh hưởng đến trường học đã giảm đáng kể ".

Học sinh từ 4 đến 15 tuổi tham gia các lớp học ngoài trời trong thời điểm COVID - 19. Ảnh: Sarpil Nandan Deka

Ngoài ra, một phương pháp độc đáo để giảm lao động trẻ em cũng đã được đưa ra. "Chúng tôi đã nghĩ ra một mô hình học tập mới, theo đó những học sinh lớn hơn sẽ dạy kèm cho những học sinh nhỏ hơn. Đổi lại, chúng sẽ được trả tiền lương, và tiền này có thể dùng để mua đồ ăn, quần áo, đồ chơi và giày dép tại các cửa hàng địa phương. Khi học sinh được dạy có tiến bộ, mức tiền cũng sẽ tăng lên. Phương châm của chúng tôi là "Học nhiều để làm được nhiều hơn".

"Trường không có học sinh bỏ học trong vài năm qua. Những đứa trẻ lớn có thể kiếm khoảng 60-70 đô la (khoảng 1.390.000 - 1.620.000 đồng) hàng tháng tùy thuộc vào công việc được giao. Nhiều người thậm chí đã mua điện thoại di động từ tiền kiếm được, điều mà cha mẹ họ có khi còn không đủ khả năng để làm".

Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, các lớp học được tổ chức ngoài trời với đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân. Lệnh phong tỏa đã khiến trường học được chuyển thành trung tâm cứu trợ lương thực. Các sinh viên năm cuối tham gia làm công tác xã hội, xác định nhu cầu thức ăn tại địa phương và phân phối khẩu phần ăn để giúp đỡ khoảng 15.000 người ở các khu ổ chuột và làng ở Guwahati.

"Học sinh bây giờ đã có ý thức hơn. Họ biết rằng nhựa có hại cho sức khỏe bản thân và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Học sinh cũng tuyên truyền cho cha mẹ và người thân biết về những tác hại này, khiến nhiều người dần thay đổi nhận thức", giáo viên Akansha Duarah nói.

Sompa Boro, mẹ của 2 đứa trẻ là Jyoti, 10 tuổi và Junali, 15 tuổi cho biết, họ từng theo học tại một trường tư thục nhưng phải chuyển trường. "Chúng tôi đã rất vất vả để trả học phí cho con. Rất may, Akshar đã chấp nhận chúng và chúng tôi rất hài lòng với loại hình giáo dục mà con tôi nhận được. Akshar đã giúp chúng tôi nghĩ khác và thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực hơn".

Chưa kể, ngôi trường học này cũng đã thay đổi số phận của nhiều học sinh. "Những đứa trẻ đến trường của chúng tôi bị xã hội coi thường và lạm dụng. Khi mới đến trường, chúng đầy giận dữ và hung hăng. Nhưng sau quá trình học tập, nghiên cứu và học hỏi những kỹ năng mới, chúng dần trở nên đồng cảm, lạc quan và tự tin hơn. Trên thực tế, 3 năm trước đây, chúng tôi nhận dạy một học sinh 13 tuổi hầu như không thể nói chuyện khi cô bé đến trường. Nhưng bây giờ, cô bé không chỉ có thành tích xuất sắc trong học tập mà còn dạy kèm tiếng Anh cho 2 học sinh trung học trong khu vực khi rảnh rỗi", Sarma nói.

Rác thải nhựa thu gom từ học sinh được sử dụng để làm gạch sinh thái, xây dựng các công trình. Ảnh: Jen Kalita

Mukhtar và Sarma hiện đã thống nhất với chính quyền Guwahati về việc triển khai mô hình Akshar tại 5 trường học của chính phủ và có kế hoạch mở khóa học về cảnh quan bền vững.

Theo B Kalyan Chakravarthy, thư ký chính của phòng giáo dục Assam, mô hình Akshar chứng minh rằng, giáo dục môi trường có thể được cải thiện. "Trường Akshar là đại diện cho những nỗ lực của bộ giáo dục ở Assam trong việc giới thiệu những gì có thể làm và phải làm trên tất cả các trường học. Nhận thức mà họ đang tạo ra trong toàn xã hội có ý nghĩa to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của chúng ta".

Mukhtar và Sarma rất vui vì cộng đồng luôn ủng hộ họ. "Mỗi ngày, bọn trẻ đều học được những điều mới. Chúng thích đến trường đến nỗi chúng không muốn nghỉ học ngày nào", Sarma nói.

Nguồn: The Guardian

Kim Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truong-hoc-dac-biet-o-an-do-thu-hoc-phi-bang-rac-thai-20201201221820026.htm