'Trường học' đặc biệt của các chiến sĩ cách mạng kiên trung trong lao tù đế quốc

Ngày 19/8, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa lò cho biết, rất nhiều câu chuyện về những 'ngôi trường' đặc biệt của các chiến sĩ cách mạng kiên trung tại những nhà tù khét tiếng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ: Hỏa Lò, Phú Quốc, Côn Đảo, Sơn La… sẽ được 'kể' trong triển lãm 'Chắp cánh ước mơ'.

Đây là đợt trưng bày do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020), 75 năm Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (5/9/1945 - 5/9/2020), 75 năm Ngày bình dân học vụ (8/9/1945 - 8/9/2020).

Dự kiến đợt trưng bày chính thức phục vụ công chúng từ ngày 28/8 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, bao gồm 3 phần chính. Trong đó, phần mở đầu, chủ đề “Ký ức mùa khai trường” giới thiệu đến người dân và du khách các tư liệu, hình ảnh về mùa khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, thư Bác Hồ gửi cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, các sắc lệnh về phát triển bình dân học vụ.

Thông qua triển lãm, người xem có dịp tìm hiểu, cảm nhận được phong trào học tập diễn ra sôi nổi với phương châm: Con không biết thì học cha, ông không biết thì học cháu; người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người không biết. Nhiều hình ảnh xúc động về các lớp học “dã chiến” được mở trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được trưng bày trong dịp này.

Di tích nhà tù Sơn La.

Di tích nhà tù Sơn La.

Phần 2 chủ đề “Biến nhà tù thành trường học cách mạng” là nội dung đặc biệt của triển lãm. Nhiều tư liệu, hiện vật về các lớp học được các chiến sĩ cách mạng kiên trung mở ra ngay giữa các nhà tù khét tiếng thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tại Nhà tù Hỏa Lò, những người tù học trong bí mật, thiếu thốn trăm bề đã nhanh trí, sáng tạo ra đồ dùng dạy và học. Giấy viết là mặt trong của bao thuốc lá, bì thư đã dùng rồi. Ngòi bút được làm từ nụ hoa ti-gôn nhặt trong sân nhà lao. Quản bút làm bằng cành bàng. Phấn là gạch non, than bếp. Bảng là nền xi măng. Vào buổi tối, khi các cửa sắt đã khóa chặt là thời gian tù chính trị cùng nhau tổ chức các lớp học văn hóa, viết báo. Tài liệu được giấu ở chân tường, thậm chí là trong hộp sắt, bọc nilon, dòng dây thả xuống thùng phân, khi học mới kéo lên.

Tại nhà tù Côn Đảo, nhục hình, khổ sai, đói khát, bệnh tật... không khuất phục được những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Họ đã biến Côn Đảo thành vườn ươm của cách mạng Việt Nam.

Về ngôi trường đặc biệt này, trong hồi ký “Trường học trong nhà tù”, tác giả Nguyễn Thiệu đã viết: “Giấy học là những mảnh báo còn chừa trắng, hoặc có thể viết chồng lên chữ in. Còn một nguồn giấy nữa là “giấy vệ sinh”. Có lúc chúng tôi vờ đau kiết lỵ để được mua nhiều giấy. Còn cái khoản mực nho tìm được không phải dễ. Có khi nhắn người nhà gửi quần áo và quà bánh vào kèm theo một thoi mực, hoặc dát mỏng mực nhét vào tà áo, hoặc cắt mực ra thành từng viên nhỏ nhét vào ruột bánh. Lắm lúc thiếu nước, phải nhổ nước bọt, thậm chí phải dùng nước giải mài mực ra, rồi lấy que vót nhọn làm bút để viết”.

Trong hồi ký “Sóng Côn Đảo”, tác giả Lê Quang Vịnh cũng “kể”: “Bọn cai ngục xét phòng liên miên, mỗi lần chúng lại lấy đi những giấy, bút, sách vở... để anh em không thể tiếp tục học và dạy thêm được nữa. Bị chúng lấy dần lấy mòn đến hết cả dụng cụ học tập, anh em đành học tiếp bằng cách dùng một mẩu san hô viết ngay trên sàn nhà của phòng giam. Bọn chúng cũng thu luôn và cấm không cho đem san hô vào trong phòng. Anh em lén lấy cát về phòng và tập viết, tập làm toán ở trên cát”.

“Trường học sau song sắt” tại Nhà tù Hỏa Lò, “Trường học giữa núi rừng” ở Nhà tù Sơn La, “Trường học giữa biển khơi” ở Nhà tù Côn Đảo, “Trường học trên cát” tại Trại giam tù binh Phú Quốc... đã góp phần cổ vũ tinh thần, biến nhà tù thành trường học, nơi tôi luyện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng. Những người tù đã chuẩn bị cho mình hành trang tri thức để sau khi được tự do tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

Dự kiến, trong ngày khai mạc trưng bày, công chúng còn có dịp tìm hiểu sâu hơn về các trường học đặc biệt này qua lời kể của nhiều nhân chứng lịch sử và đại diện gia đình các nhân chứng đã trực tiếp tham gia vào các lớp học năm xưa.

Nhiều tài liệu, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng từng học tập trong tù và trong quá trình đấu tranh cách mạng sau khi được trả tự do cũng được giới thiệu tại triển lãm. Trong đó có cuốn sách được đồng chí Trần Hữu Thỏa (Nguyễn Tiến Hà) sử dụng để dạy học trong thời gian bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1951 – 1952.

Bi đông của đồng chí Nguyễn Văn Chiển, thầy giáo lớp học trên cát tại Trại giam Phú Quốc được cấp sau khi trao trả ở bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, ngày 26-3-1973. Thẻ số tù - Nhà tù Trung ương Hà Nội (Nhà tù Hỏa Lò) cấp cho đồng chí Dương Tự Minh, học sinh kháng chiến bị thực dân Pháp bắt, giam trong Nhà tù Hỏa Lò, năm 1952 - 1953…

Phần cuối của triển lãm chủ đề “Xây đắp những ước mơ” trưng bày, giới thiệu các tư liệu, hình ảnh về các thầy cô giáo với nhiều lớp học thiện nguyện ở vùng sâu, vùng xa, lớp học trong bệnh viện dành cho những em bé mắc bệnh hiểm nghèo, ước mơ được đến trường còn dang dở…

Dự kiến, tại lễ khai mạc, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ phát động chương trình ủng hộ cho các em bệnh nhi của “Lớp học hy vọng” – lớp học dành cho các bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương…

N.Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/truong-hoc-dac-biet-cua-cac-chien-si-cach-mang-kien-trung-trong-lao-tu-de-quoc-608140/