'Trường học bá vương': Cái tát sỗ sàng vào mặt fan của Châu Tinh Trì

Kịch bản rời rạc và sự rập khuôn thái quá từ các bộ phim của 'vua hài Hong Kong' khiến cho 'Trường học bá vương' thất bại thảm hại từ nhân vật cho tới tình tiết.

Trailer bộ phim 'Trường học bá vương' Bộ phim Việt Nam với câu chuyện một sát thủ ẩn náu và che giấu thân phận tại một trường học ngổ ngáo.

Thể loại: Hành động, hài hước
Đạo diễn: Duy Joseph
Diễn viên chính: Nhan Phúc Vinh, Ngọc Thanh Tâm, Wean Lê, Hạ Anh, Tiểu Bảo Quốc, Hoàng Phi, Gin Tuấn Kiệt.
Zing.vn đánh giá: 4/10

Trường học bá vương là bộ phim của đạo diễn trẻ Duy Joseph.

Trường học bá vương là bộ phim của đạo diễn trẻ Duy Joseph.

Chuyện phim Trường học bá vương bắt đầu khi hai anh em sát thủ Diệp (Nhan Phúc Vinh) - Kim (Ngọc Thanh Tâm) quyết định phản bội tổ chức. Thành công trong việc hạ sát tên trùm, nhưng Kim phải đánh đổi cả tính mạng, còn Diệp thì bị thương nặng.

Anh quyết định nhờ cậy người bạn rất thân là bác sĩ Black Jack (Hoàng Phi) để hoán đổi thân xác với một cậu học sinh mới tử nạn. Từ đây, tay sát thủ mang nhân dạng mới là nam sinh Tình (Wean Lê) tại một trường trung học “bá đạo”.

Hàng loạt tình huống dở khóc dở cười xảy ra khi Diệp vừa phải làm quen với thân xác và những mối quan hệ mới, vừa phải tìm cách trốn tránh khỏi sự truy sát của kẻ thù cũ.

Vay mượn quá nhiều từ Châu Tinh Trì

Cách đây không lâu, bộ phim chiếu Tết 798Mười của Dustin Nguyễn tái hiện khá nhiều tình tiết gây cười đúng kiểu vua hài Hong Kong. Song, tác phẩm vẫn giữ được phần nào nét duyên dáng riêng biệt.

Trong khi đó, Trường học bá vương nay đơn thuần chọn cách bê nguyên si tạo hình và tính cách của các nhân vật mà họ Châu sáng tạo lên màn ảnh. Ngay từ tựa đề tiếng Anh - Fight Back to School - đã là nhại từ Trường học Uy Long (1991).

Và ý tưởng cốt lõi cũng hệt như nhau khi một tay lão làng “nằm vùng” ở một lớp học bá đạo. Điểm khác nằm ở chỗ Diệp là sát thủ, còn Châu Tinh Trì là cảnh sát.

Nhưng nhân vật của Nhan Phúc Vinh lại có tạo hình và tính cách không khác tay điệp viên Lăng Lăng Tất cũng của Tinh Gia trong bộ phim Quốc sản 007 (1994) là bao khi sở hữu biệt tài phóng dao, với thứ vũ khí là con dao chặt thịt.

Bộ phim không hề giấu việc vay mượn hàng loạt sáng tạo nghệ thuật từ các tác phẩm của Châu Tinh Trì.

Chưa hết, thầy hiệu trưởng do Tùng Min thể hiện na ná với bà chủ nhà trọ Tiểu Long Nữ (Nguyên Thu) trong Tuyệt đỉnh Kung Fu (2004), hay như Hạ Anh cũng khá giống nữ sinh Sandy (Chu Ân) ở Trường học Uy Long II (1992).

Phong cách hài hước quá lố của Châu Tinh Trì xuất hiện gần như xuyên suốt Trường học bá vương, và bản thân đạo diễn trẻ Duy Joseph không hề muốn giấu điều đó. Song, cách dàn dựng kém duyên cùng sự rập khuôn thiếu sáng tạo khiến tác phẩm chỉ đem lại những tiếng cười gượng gạo.

Nhiều tình tiết cứ thế bị lạm dụng và lặp đi lặp lại quá nhiều lần, khiến tác phẩm ngày một trở nên nhàm chán khi về cuối. Chưa kể, việc lồng ghép các nhân vật như Black Jack, John Wick, Deadpool hay Lady Gaga chẳng tạo ra được bất cứ sự duyên dáng nào cần thiết.

Tệ từ kịch bản cho đến diễn xuất

Không chỉ hài hước, những bộ phim của Châu Tinh Trì còn được khán giả nhớ tới bởi phần kịch bản lớp lang, nhiều bất ngờ, cũng như diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên. Tuy nhiên, “bản sao” của điện ảnh Việt xem ra thiếu đi tất cả những điều đó.

Ngôi trường Good Genius có lối xây dựng đầy khiên cưỡng với những môn học chẳng giống ai. Không những vậy, thầy hiệu trưởng còn xét tốt nghiệp chỉ bằng... một màn thi văn nghệ sơ sài.

Bộ phim là sự kết nối của hàng loạt tình tiết rời rạc.

Lớp học của Tình gồm hơn chục học sinh cá biệt. Ngay từ đầu, họ đã chia bè kết phái và ganh ghét, châm chọc, nói xấu lẫn nhau. Nhưng chỉ cần vài tình huống không đầu không cuối, cả lớp bỗng trở nên yêu thương, đoàn kết như anh em một nhà.

Trong Trường học Uy Long, nhân vật của Châu Tinh Trì vốn là một cảnh sát nằm vùng. Anh hoàn toàn là người chính trực và quan tâm tới sự an nguy của những đứa học trò bên cạnh. Điều này trở nên vô lý ở Trường học bá vương. Tay sát thủ máu lạnh bỗng nhiên lại tỏ ra triết lý và tình cảm chẳng khác gì “người anh” xứ Cảng Thơm.

Với thời lượng chỉ 96 phút, nhưng Trường học bá vương mang đến cảm giác lê thê bởi hàng loạt tình tiết rời rạc, thiếu liên kết. Trong khi đó, tính cách tâm lý nhân vật Diệp cùng mối quan hệ giữa anh với bạn bè hay cha mẹ của Tình chỉ được thể hiện qua loa và hời hợt thông qua nhiều câu thoại sáo rỗng.

Yếu tố diễn xuất cũng là một điểm trừ của tác phẩm. Wean Lê bắt chước theo Châu Tinh Trì trong rất nhiều phân đoạn, nhưng bắt chước sao cho nổi một huyền thoại của điện ảnh Hoa ngữ? Từ gây cười cho tới lấy nước mắt khán giả, nam diễn viên trẻ đều tỏ ra không thuyết phục.

Học tập Châu Tinh Trì xem ra là thách thức quá sức đối với Wean Lê.

Sự nghiệp dư của dàn diễn viên trẻ tuổi thậm chí khiến Trường học bá vương nhiều lúc trông giống như một game show truyền hình hơn là tác phẩm điện ảnh. Những cái tên nhiều kinh nghiệm như Nhan Phúc Vinh, Ngọc Thanh Tâm, Thân Thúy Hà, Tiểu Bảo Quốc hay Hoàng Phi có quá ít đất diễn để phần nào đó cứu vãn tác phẩm.

Cuối cùng, yếu tố kỹ xảo và hành động trong phim cũng dở tệ. Ra đời vào năm 2018, nhưng Trường học bá vương lại có hiệu ứng bắn súng hay chiến đấu còn thua kém điện ảnh nước bạn từ hàng chục năm trước.

Nhìn chung, Trường học bá vương giống như một cái tát dành cho khán giả, đặc biệt là những ai yêu mến Châu Tinh Trì. Học tập cái hay của điện ảnh nước bạn không sai, nhưng học và áp dụng sao cho hợp lý quả là một chặng đường chẳng hề dễ dàng.

Tuấn Lương
Ảnh: Lotte

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/truong-hoc-ba-vuong-cai-tat-so-sang-vao-mat-fan-cua-chau-tinh-tri-post866473.html