Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia nhiều nội dung quan trọng về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư

Sáng 19/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP). Liên quan đến dự luật này, đồng chí Đỗ Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia nhiều nội dung quan trọng.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Đồng chí Đỗ Thị Lan, nhấn mạnh: Trước hết tôi thống nhất với sự cần thiết xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong hoạt động đầu tư PPP, thu hút có hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

Thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thời gian qua đã đạt kết quả bước đầu: Tại Quảng Ninh từ năm 2014 đến nay, tổng vốn đầu tư của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trên địa bàn đạt gần 48 ngàn tỷ đồng với 44 dự án. Qua phân tích cho thấy cứ 1 đồng ngân sách hỗ trợ đầu tư đã huy động được 8,9 đồng từ khu vực tư nhân, góp phần xây dựng hệ thống hạ tầng động lực. Đó là: Đường cao tốc, cảng hàng không, cảng khách quốc tế... trong đó Cầu Bạch Đằng, đường cao tốc nối Hạ Long - Hà Nội - Hải Phòng có ý nghĩa kết nối liên vùng, đã tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, pháp luật quy định về đầu tư theo hình thức PPP mới ở mức Nghị định của Chính phủ nên còn phụ thuộc nhiều vào các luật khác, do đó, việc xây dựng Luật PPP là cần thiết nhằm giải quyết được các tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đầu tư PPP thời gian tới….

Về nội dung cụ thể: Dự thảo luật đã quy định về thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư theo hình thức đầu tư PPP; nhiệm vụ, trách nhiệm cơ quan tổ chức cá nhân; giải quyết kiến nghị, tranh chấp xử lý vi phạm... Cụ thể hơn và có khắc phục những vướng mắc bất cập tôi thống nhất với nhiều nội dung và tham gia một vào số điều của dự thảo luật:

Thứ nhất là về Quy mô đầu tư của dự án PPP (Khoản 2, Điều 5 của dự luật) đã quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án là 200 tỷ. Tôi cho rằng mức đầu tư tối thiểu như vậy là cao, chỉ phù hợp với các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án lớn, áp dụng loại hợp đồng BOT, BT... không phù hợp với các loại hình đầu tư công tư khác. Bởi trên thực tế, nhiều dự án đầu tư theo các hình thức đầu tư BOO, BLT, O&M... trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai có nhiều dự án quy mô đầu tư dưới 200 tỷ, có dự án 20 tỷ đồng nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nếu quy định như dự thảo luật sẽ làm hạn chế hoạt động đầu tư theo hình thức PPP vào các lĩnh vực mà Nhà nước đang khuyến khích huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân như: Y tế, giáo dục, thể thao, môi trường, các dự án đầu tư tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu thấp hơn, phù hợp hơn đối với các lĩnh vực đầu tư, đồng thời cần làm rõ hơn căn cứ để quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP như dự thảo Luật.

Thứ 2 là về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, tại Khoản 1, Điều 5 đã quy định 7 lĩnh vực cụ thể và các lĩnh vực khác phù hợp với lĩnh vực đầu tư công và khả năng bố trí vốn đầu tư công. Theo tôi còn những lĩnh vực khác cần quy định để khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP. Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Các dự án đầu tư cảng cá, khu neo, đậu tránh, trú bão, dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện nay hệ thống hạ tầng lĩnh vực này còn bất cập, nguồn lực nhà nước đầu tư hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực từ lĩnh vực tư nhân; các dự án ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cung cấp nguồn giống nhuyễn thể chất lượng cao, để huy động được sáng kiến, năng lực, kinh nghiệm quản lý của tổ chức kinh tế tư nhân qua đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung lĩnh vực nông nghiệp vào lĩnh vực đầu tư PPP và rà soát quy định bổ sung lĩnh vực đầu tư khác phù hợp vào Điều 5 của dự luật.

Thứ 3 là về quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại Khoản 1, Điều 7 dự thảo luật quy định gồm: Các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc chính phủ; cơ quan khác ở Trung ương; UBND cấp tỉnh; tổ chức được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập. Tôi đề nghị bổ sung thêm UBND cấp huyện là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bởi thực tế nhiều dự án do UBND cấp huyện là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ký hợp đồng, cụ thể như các dự án đầu tư trường học, bến xe khách theo hình thức BLT...; Dự án theo hình thức đầu tư O&M ... Tại Quảng Ninh đã có 24 dự án PPP do cấp huyện có thẩm quyền quyết định, quản lý với tổng mức đầu tư gần 1.600 tỷ đồng.

Đồng chí Đỗ Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức ngày 18/10/2019. Ảnh: Quang Minh

Thứ 4 là về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu. Điều 77 của dự thảo luật quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan ký hợp đồng và nhà đầu tư chia sẻ rủi ro về doanh thu trong dự án PPP, bằng các biện pháp điều chỉnh giảm hoặc tăng mức giá, phí sản phẩm dịch vụ hoặc thời gian hợp đồng PPP. Đối với dự án trọng điểm thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ... do cơ quan nhà nước có thẩm quyền báo cáo Chính phủ xem xét áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khả năng cân đối các nguồn lực... mức chia sẻ rủi ro không quá 50% phần hụt thu; nhà đầu tư chia sẻ rủi ro thấp hơn 50% phần thăng thu. Bộ Tài chính thẩm định trình Chính phủ việc áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro. Nội dung này do Chính phủ quy định chi tiết. Theo tôi, việc quy định có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu như dự thảo luật chưa cụ thể và chưa thuyết phục. Vì trong một số trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng tới doanh thu có cơ chế chia sẻ rủi ro là cần thiết, nhưng cần được quy định cụ thể trong luật. Ví dụ như thiệt hại do thiên tai; do ảnh hưởng của việc thực hiện chính sách nhà nước đã ban hành nhưng chưa thực hiện được như cam kết trước khi đầu tư làm ảnh hưởng đến doanh thu... Tuy nhiên, việc quy định thực hiện cơ chế và mức chia sẻ rủi ro cụ thể cần được quy định trong luật cụ thể hơn. Tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp nào được nhà nước chia sẻ rủi ro; quy định nguyên tắc về chia sẻ rủi ro; quy trình đề nghị được chia sẻ rủi ro; các quy định công khai minh bạch trong thực hiện chia sẻ rủi ro; cấp có thẩm quyền quyết định mức giảm doanh thu để chia sẻ rủi ro phù hợp với quy định tại các luật khác và tình hình thực tế; đề nghị xem xét cơ chế chia sẻ rủi ro đối với dự án do thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh, huyện... Theo tôi, cũng cần tổ chức lấy ý kiến tham gia kỹ lưỡng, thận trọng hơn trước khi trình Quốc hội thông qua luật.

Ngoài ra, tôi cũng đề nghị quy định rõ, toàn diện và phù hợp hơn trong dự luật về những nội dung đảm bảo. Đó là: Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư; công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, các thông tin liên quan đến dự án; hạn chế chỉ định nhà đầu tư; quy định kiểm tra, giám sát ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án cũng như khi dự án đã đi vào vận hành để tránh những sai phạm làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, vốn tài sản nhà nước; tạo niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân và mang lại hiệu quả cao hơn qua đầu tư theo hình thức đối tác công tư….

Nguyễn Thị Mai(Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND và UBND tỉnh)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201911/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xiv-truong-doan-dbqh-tinh-tham-gia-nhieu-noi-dung-quan-trong-ve-du-an-luat-dau-tu-theo-phuong-thuc-doi-tac-cong-tu-2461438/