Trường ĐH Xây dựng: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong KHCN và đào tạo

Trường Đại học Xây dựng xác định hoạt động Hợp tác quốc tế (HTQT) trong lĩnh vực Nghiên cứu khoa học (NCKH), Chuyển giao công nghệ (CGCN) và Liên kết đào tạo quốc tế (ĐTQT) có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, đem lại những hiệu quả thiết thực, nâng cao uy tín của Trường trong lòng bạn bè và các đối tác quốc tế.

PGS. TS. Phạm Duy Hòa - Hiệu trưởng Nhà trường ký kết hợp tác với Đại học Mississippi (Hoa Kỳ)

Nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Trường Đại học Xây dựng đã tập trung chỉ đạo và đặt các hoạt động HTQT là một trong những ưu tiên hàng đầu. Nhà trường đã tổ chức và đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, góp phần thay đổi phương pháp giảng dạy ở bậc đại học, sau đại học các ngành đào tạo mới được thành lập trên cơ sở chuyển giao toàn bộ chương trình của nước ngoài có điều chỉnh cho thích ứng với điều kiện của Việt Nam.

Thông qua hoạt động HTQT, nhiều chương trình, đề án, dự án ĐTQT đã được thực hiện, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ nhà nghiên cứu, giảng viên, nâng cao năng lực của Trường trong đào tạo, NCKH&CGCN.

Hoạt động hợp tác quốc tế về NCKH&CGCN

Dưới sự bảo trợ của Chính phủ Việt Nam và nước ngoài thông qua các đại sứ quán, Trường Đại học Xây dựng, Đại sứ quán Pháp, Nhật Bản, Italia, Đan Mạch, Bỉ, Hội đồng Anh, Bộ Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh... đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế. Các hoạt động này là cơ hội tốt trong việc thúc đẩy các chương trình khoa học và CGCN đối với Trường Đại học Xây dựng.

Nhà trường có đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, với bề dày kinh nghiệm tham gia chủ trì, phối hợp với những chuyên gia nước ngoài để thực hiện các đề tài nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào điều kiện thực tế của Việt Nam.

Trường Đại học Xây dựng đã liên tục duy trì và phát triển mối quan hệ HTQT với hơn 80 đối tác. Trong 5 năm trở lại đây, đã có khoảng 70 biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết với những trường đại học và các tổ chức từ hơn 40 quốc gia trên thế giới trong nhiều lĩnh vực như: Trao đổi học thuật, tổ chức hội thảo khoa học, phối hợp thực hiện các đề tài NCKH. Những năm gần đây, Trường Đại học Xây dựng đã phối hợp với các đối tác chiến lược đến chủ trì tổ chức một số hội thảo quy mô lớn như:

Hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Công nghệ mới an toàn cho các siêu thị ở châu Á” - USMCA 2013 lần thứ 13, phối hợp với Trường Đại học Tokyo và Tổng hội Xây dựng Nhật Bản (10/2013).

“Xây dựng bền vững hiện tại và tương lai” phối hợp với Đại học Queen’s Belfast, Đại học Loughborough, Hội đồng Anh và Bộ Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh (3/2013).

Hội thảo quốc tế về môi trường với chủ đề “Thoát nước và xử lý nước thải chi phí thấp, bền vững cho các nước đang phát triển” phối hợp với các đối tác Đức (Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Darmstadt - TUD), Trung Quốc (Đại học Tổng hợp Đồng Tế, Thượng Hải và Đại học Tổng hợp Thanh Đảo), Singapore (Đại học Kỹ thuật Nanyang) (9/2015).

Bên cạnh những hội thảo quốc tế mang tính học thuật cao, hàng năm Trường Đại học Xây dựng cũng kết hợp với nhiều công ty, tập đoàn quốc tế tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm giới thiệu những công nghệ mới nhất liên quan đến lĩnh vực xây dựng:

Hội thảo Shimizu Open Academic - Tập đoàn Shimizu, Nhật Bản (tháng 9 hàng năm);

Hội thảo Freyssinet’s Day - Công ty Freyssinet, Tập đoàn Vinci, Pháp (tháng 1 hàng năm);

Hội thảo Công nghệ mới cho kết cấu thép Tập đoàn JFE, Nhật Bản (tháng 11 hàng năm).

Năm 2017 có 105 hồ sơ xin dự án SATREPS trên toàn thế giới và 10 dự án đã được lựa chọn. Phía Việt Nam có duy nhất dự án “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam” được chấp thuận. Dự án được phối hợp giữa Trường Đại học Xây dựng và Đại học Saitama. Đây là dự án ODA của Việt Nam dưới hình thức SATREPS do JST và JICA đồng phối hợp hỗ trợ kéo dài trong 5 năm (2017 - 2023).

Nhằm tạo thuận lợi, khuyến khích và kết nối các nhà khoa học của Trường với các nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện các đề tài NCKH với tất cả những ngành trong đào tạo, trong những năm tới Nhà trường sẽ nghiên cứu và tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động HTQT về NCKH, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, nhằm phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của tập thể và cá nhân.

Hoạt động hợp tác về liên kết đào tạo quốc tế

Bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động NCKH&CGCN, Trường Đại học Xây dựng đã quan tâm tìm kiếm đối tác để xây dựng các chương trình hợp tác, liên kết ĐTQT, mở ra cơ hội tiếp cận, học tập kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến, nhờ đó nâng cao chất lượng đào tạo, bao gồm cả việc nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên. Những năm vừa qua, các chương trình này đã đạt được kết quả rất khả quan.

Thường niên, những chương trình liên kết đào tạo ngắn hạn, dài hạn, các chương trình dự bị đại học, thạc sỹ với các trường đại học từ các nước Đức, Bỉ, Ý, Nhật Bản, Pháp… đã thu hút hơn 200 học viên theo học như: Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao hợp tác với Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Chính phủ Pháp. Chương trình hợp tác đào tạo thạc sỹ với Trường Quản lý HEC - Đại học Liege - Bỉ, Trường Đại học Saitama - Nhật Bản; Chương trình hợp tác đào tạo tiền du học với các trường của Đức, Ý; khóa ĐTQT ngắn hạn về đối tác công - tư (PPP).

Ngoài ra, Nhà trường còn xây dựng chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên với nhiều trường đại học, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp trên thế giới như: Trường Đại học Mairuzu - Nhật Bản, Đại học Thamasat - Thái Lan, Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Hàn Quốc, Công ty CJR Renewables Bồ Đào Nha, Đại học Kỹ thuật Madrid - Tây Ban Nha, Đại học ESTP - Pháp, Viện Mỏ Telecom - Pháp, Đại học Sofia - Bulgaria, Đại học Khoa học và Công nghệ Wroclaw - Ba Lan...

Những năm qua, việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp cũng được lãnh đạo Trường Đại học Xây dựng rất quan tâm. Nhiều thỏa thuận hợp tác về đào tạo cũng được ký kết giữa Nhà trường với các công ty và tập đoàn trong và ngoài nước như: Tập đoàn Daikin - Nhật Bản; Công ty Freyssinet - Việt Nam; Tập đoàn JFE - Nhật Bản; Tổng công ty Vigracera; Công ty Hòa Bình; Công ty Coteccons. Qua đó, sinh viên Trường Đại học Xây dựng có cơ hội được thực tập và làm quen với môi trường làm việc tại các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế, định hướng của Nhà trường trong HTQT là tiếp tục duy trì các mối quan hệ đã được thiết lập với các trường đại học và các tổ chức quốc tế, tăng cường thiết lập mới các chương trình hợp tác về NCKH, CGCN và ĐTQT nhằm nâng cao uy tín và hình ảnh của Trường trong nước cũng như trên thế giới để xứng tầm là trường đại học chuyên ngành xây dựng hàng đầu cả nước

PV

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/truong-dh-xay-dung-day-manh-hop-tac-quoc-te-trong-khcn-va-dao-tao-d61832.html