Trường ĐH Luật TP.HCM nợ dây dưa 29 tỷ, tuyển sinh 'chui' văn bằng 2

Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa công bố kết luận thanh tra về việc thanh tra hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM.

Thanh tra Bộ GD-ĐT có công bố kết luận thanh tra về Trường ĐH Luật TP.HCM. Kết luận là kết quả tiến hành thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT khi có nhiều đơn thư, tâm thư của giảng viên về những bất ổn của trường gửi tới Bộ GD-ĐT.

Bản kết luận dài 45 trang, với nhiều nội dung, nổi bật nhất là vấn đề tài chính, trong đó là vấn thu, chi, quản lý, sử dụng tiền học phí và tiền học lại của hệ vừa học vừa làm, tiền học bổ sung hoàn thiện kiến thức.

Nguyên nhân dây dưa 29 tỷ

Kết luận của thanh tra nêu, theo báo cáo của trường tiền học phí hệ vừa học vừa làm được thu qua Kho bạc nhà nước và ngân hàng. Đối với khoản thu tiền học lại, tiền bổ sung hoàn thiện kiến thức văn bằng 2 hệ vừa làm vừa học, văn bằng 2 hệ chính quy và sau trúng tuyển cao học được thu bằng tiền mặt. Từ năm 2014 đến tháng 6/2019 số tiền học phí, tiền học lại hệ vừa học vừa làm, vừa học tiền bổ sung hoàn thiện kiến thức là 521,71 tỷ.

Qua kiểm tra, xác minh cho thấy số liệu tín chỉ hệ vừa làm vừa học, học bổ sung sau kiến thức và trúng tuyển hệ cao học do các phòng Quản lý hệ vừa làm vừa học, Phòng sau đại học báo cáo có chênh lệch với số liệu tín chỉ do phòng tài chính kế toán (556 tín chỉ).

Ảnh: Lê Huyền

Ảnh: Lê Huyền

Theo báo cáo của nhà tường, việc có sự chênh lệch số tín chỉ này do người học đăng ký học trên phần mềm do Phòng đào tạo cung cấp với số tín chỉ trên phần mềm làm căn cứ để Phòng tài chính kế toán thu tiền. Sau khi người học đăng ký học, Phòng quản lý hệ vừa làm vừa học, Phòng sau đại học chỉ nắm được thông tin số người học đăng ký chương trình tương ứng với số tín chỉ của người học đăng ký do phòng cập nhật vào phần mềm PSC. Sau khi đăng ký,người học phải đến phòng tài chính, kế toán đóng tiền và Phòng hành tài chính kế toán nhập dữ liệu người học đã đóng tiền vào phần mềm PSC. Vì vậy dẫn tới thực tế, số liệu người học theo danh sách thực có khác số lượng thực đóng học phí do người học có đóng tiền nhưng không tiếp tục học.

Qua kiểm tra, xác minh cho thấy tổng số tiền học phí hệ vừa làm vừa học bổ sung kiến thức thu được đến thời điểm 6/2019 thể hiện trên sổ sách kế toán là thống nhất với dữ liệu trên phần mềm quản lý học phí. Tuy nhiên số tiền thu được chi tiết qua các năm 2014, 2015, 2016, 2017 được thể hiện trên báo cáo tài chính từng năm chênh lệch so với sữ liệu trên phần mềm học quản lý học phí đã được ghi nhận trong sổ sách kế toán là 29,09 tỷ.

Việc trường hạch toán chưa đầy đủ, kịp thời số tiền đã thu được từ năm 2014-2017 vào từng năm tài chính là chưa đúng quy định của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Theo báo cáo của trường, nguyên nhân dẫn tới việc này là do tiền học lại có quy định từ năm 2016, tiền bổ sung hoàn thiện kiến thức là khoản chưa có trong quy định nên trường chờ hướng dẫn, và chưa kịp ghi nhận. Trường đã lập hồ sơ thu chi để theo dõi số tiền trên, dự định sẽ định khoản sau khi có hướng dẫn và bổ sung vào báo cáo tài chính công, tài sản công năm 2017 và chuyên đề việc quản lý sử dụng vốn ODA giai đoạn 2015-2017.

Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị trường thực hiện điều chỉnh sổ sách kế toán báo cáo tài chính. Tháng 3/2018, là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ hiệu trưởng, để thực hiện đối chiếu công nợ trước khi bàn giao, và trên cơ sở kiến nghị của kiểm toán nhà nước, trường đã thực hiện việc rà soát, kiểm tra, đối chiếu lại các khoản thu và định khoản, cập nhật bổ sung vào sổ sách kế toán, báo cáo tài chính năm 2018. Việc ghi chép cập nhật này của trường phù hợp với quy định của việc sửa chữa sổ sách kế toán theo quy định tại Luật kế toán.

Về việc quản lý số tiền này, có 389 tỷ, trong đó số tiền thu từ học phí hệ vừa làm vừa học (347,9 tỷ) được nhà trường phân bổ chủ yếu vào nguồn hoạt động chi thường xuyên cùng với các khoản thu khác của trường. Số tiền học lại, tiền bổ sung hoàn thiện kiến thức, văn bằng 2 hệ chính quy và trúng tuyển cao học (41,4 tỷ) được trường sử dụng chi cho nghiệp vụ chuyên môn.

Qua kiểm tra cho thấy số tiền đã quyết toán từ năm 2014 đến 6/2019 được thể hiện trên báo cáo là 480,7 tỷ. Số tiền đơn vị đề nghị quyết toán bổ sung trong báo cáo tài chính năm 2019 là 29.09 tỷ, do hạch toán chưa đầy đủ số tiền học lại hệ vừa làm vừa học, học bổ sung.

29 tỷ làm gì?

Kết luận thanh tra cũng nêu, theo báo cáo của trường, số kinh phí trường đã chi và đề nghị bổ sung vào quyết toán năm 2018 là 29,09 tỷ đồng. Trong đó số tiền 24,16 tỷ đồng cho nghiệp vụ chuyên môn như tiền giảng, chấm bài, công tác chỉ đạo...

Số tiền 4,9 tỷ đồng là các khoản chi khác phục vụ công tác quản lý chung (năm 2014 chi 1,12 tỷ, năm 2015 chi 993 triệu, năm 2016 chi 1,1 tỷ, năm 2017 chi 1,42 tỷ, năm 2018 chi 280 triệu). Nội dung chi, mức chi được thực hiện trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, lãnh đạo trường phê duyệt và phân công thực hiện.

Kiểm tra chứng từ cho thấy số tiền 4,9 tỷ thì 1,42 tỷ đồng phù hợp với quy định, có cơ sở để quyết toán; chứng từ đối với 3,4 tỷ chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa đảm bảo cơ sở quyết toán, cần được ra soát, hoàn thiện, xử lý theo quy định.

Về việc bà Mai Quốc Thu Trang sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện công việc thuộc nhiệm vụ được giao.

Kết luận thanh tra có nêu theo báo cáo của trường và của bà Trang, các tài liệu do ngân hàng cung cấp cho thấy bà Trang có sử dụng tài khoản cá nhân số 1900206231431 tại ngân hàng để nhận 5 khoản tiền từ các đơn vị, cá nhân, từ khi mở tài khoản ngày 31/7/2013 đến 4/4/2018 là 26,32 tỷ đồng. Ngoài ra trong tài khoản của bà Trang có 5,2 tỷ đồng là tiền cá nhân. Sau khi nhận các khoản do đơn vị, cá nhân chuyển vào, bà Trang đã rút ra để hoàn trả tạm ứng và nộp về trường. Toàn bộ tiền lãi phát sinh từ tiền các đơn vị, cá nhân gửi và tiền của bà Trang khi mở tài khoản tới khi đóng là 27,6 triệu đồng. Ngày 10/5/2019, ngân hàng đã có xác minh số tài khoản 1900206231431 không tồn tại. Như vậy việc tố cáo bà Trang lập tài khoản 1900206231431 để thu tiền học phí, học lại là sai.

Trên cơ sở hồ sơ do trường và ngân hàng cung cấp cho thấy, các khoản tiền được gửi vào tài khoản cá nhân của bà Trang sau đó đều được rút ra và nộp về Phòng Tài chính, Kế toán để lập phiếu thu theo quy định. Kiểm tra chứng từ phiếu thu nộp tiền về trường cho thấy bà Trang đã nộp đủ số tiền về trường tương ứng số tiền đã được gửi vào tài khoản của bà Trang tại sổ phụ do ngân hàng cung cấp.

Tuy nhiên việc bà Trang dùng tài khoản cá nhân để nhận tiền nêu trên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thủ quỹ mà chưa được sự đồng ý của lãnh đạo trường đã gây ra dư luận không tốt trong trường, cho rằng gửi tiền qua tài khoản cá nhân nhằm lấy lãi suất ngân hàng và chia lời. Nguyên nhân do bà Trang chưa ý thức được việc làm trên có thể gây ảnh hưởng không tốt...

Kết luận cũng nêu, nội dung nêu trong đơn tố cáo về việc bà Mai Quốc Thu Trang sử dụng tài khoản cá nhân để nhận tiền học lại của sinh viên hệ vừa làm, vừa học là đúng một phần vì không phải tất cả tiền học phí học lại đều nhận bằng tài khoản này. Nội dung tố cáo ông Trần Hoàng Hải, bao che tiếp tay cho bà Mai Quốc Thu Trang mở tài khoản cá nhân để nhận tiền học phí, học lại với số tiền hàng chục tỷ đồng để lấy lãi suất ngân hàng là sai.

Các thiếu sót

Thanh tra Bộ GD-ĐT đánh giá Trường ĐH Luật TP.HCM là cơ sở đào tạo luật lớn được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.

Từ năm 2014-2019 trường đã có nhiều nỗ lực xây dựng lực lượng, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, khẳng định uy tín chuyên môn đối với phía Nam và toàn quốc.

Ngoài ra công tác đào tạo phát triển với quy mô tăng, thực hiện cơ chế tự chủ đạt nhiều kết quả, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, giảng viên được cải thiện.

Tuy nhiên trường còn có thiếu sót, việc xử lý nội bộ còn lúng túng, dẫn tới dư luận phức tạp, đơn thư kéo dài và tiềm ẩn sự bất ổn, ảnh hưởng tới uy tín, chất lượng.

Trường còn có thiếu sót về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng, hợp đồng lạo động của các đơn vị trực thuộc cụ thể:

Công tác quy hoạch chưa đánh giá cán bộ trước, quy trình thực hiện chưa đầy đủ các bước..

Công tác bổ nhiệm chưa cập nhật quy định mới, một số hồ sơ bổ nhiệm còn thiếu chứng chỉ;

Công tác tuyển dụng, hợp đồng lao động trong đó có 4 hồ sơ viên chức xét tuyển đặc cách không đủ điều kiện.

Về thu chi, quản lý và sử dụng tiền học phí, học lại của hệ vừa làm vừa học:

Quy chế chi tiêu nội bộ của trường chưa chi tiết hóa, chưa hạch toán đầy đủ, kịp thời 29,09 tỷ đồng số tiền học lại của hệ vừa làm vừa học, bổ sung hoàn thiện kiến thức.

Chưa thực hiện dứt điểm các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước với công nợ dây dưa nhiều năm đối với số tiền 29,09 tỷ. Chứng từ chi quản lý chung 3,4 tỷ chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa đảm bảo cơ sở quyết toán.

Công tác quản lý quỹ tiền mặt chưa chặt chẽ, chưa tiến hành kiểm kê, đối chiếu thường xuyên giữa kế toàn quỹ tiền mặt và thủ quỹ. Việc bà Mai Quốc Thu Trang sử dụng tài khoản cá nhân để nhận tiền từ các đơn vị dẫn đến nguy cơ mất an toàn, dư luận không tốt.

Về việc tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, thanh tra Bộ GD-ĐT cũng nêu trường chưa có quy định chi tiết việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ. Quy chế ra đề, sao in đề, bảo mật đề thi kết thúc học phần chưa thống nhất, thông báo tuyển sinh chưa ghi đầy đủ về chỉ tiêu.

Thời điểm tổ chức học bổ sung kiến thức cho học viên đầu vào thạc sĩ sau khi kết thúc tuyển sinh là không đúng. Một số hồ sơ có chứng chỉ tiếng Anh do nhà trường cấp chưa đảm bảo được miễn thi ngoại ngữ theo quy định.

Việc phối hợp với 14 đơn vị để tổ chức tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ đối với 40 lớp ngoài trụ sở của trường chưa đúng quy định.

Về tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học vừa làm vừa học

Năm 2016 trường tuyển sinh vượt 378 sinh viên bậc ĐH hệ vừa làm vừa học (52,5%), năm 2017 tuyển vượt 249 sinh viên (43,6%) so với chỉ tiêu theo thông báo của Bộ. Từ năm 2014 đến 2016 trường tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ đại học, ngành Luật (văn bằng 2, hệ vừa làm vừa học) cho 1.306 sinh viên khi chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT là chưa đúng quy định.

Chưa xây dựng, ban hành quy định riêng làm cơ sở cho ra đề thi, đáp án, in sao đề thi, bảo mật...

Thực hiện liên kết 19 lớp khi chưa có văn bản cho phép liên kết đặt lớp đào tạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Việc hợp tác dạy ngoại ngữ với trung tâm VASS, kết luận thanh tra nêu khi liên kết với Trung tâm VASS, trường cũng không có văn bản cho phép của Bộ để sử dụng tài sản vào mục đích liên kết là không đúng về quản lý sử dụng tài khoản công.

Liên kết với trung tâm VASS để tổ chức ôn tập, thi, cấp chứng chỉ tiếng Anh cũng chưa được phép của Bộ. Chứng chỉ Tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc do trường cấp không đúng mẫu theo quy định của Bộ, không phải là chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc trường căn cứ vào chứng chỉ để miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh trong tuyển thạc sĩ là không đúng quy định.

Rà soát chứng từ các khoản chi hơn 25 tỷ

Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị nhà trường thực hiện nghiêm kiểm toán nhà nước xử lý dứt điểm các khoản công nợ tồn đọng. Trong đó có vấn đề rà soát lại chứng từ các khoản chi hơn 24,16 tỉ đồng cho hoạt động chuyên môn và hơn 1,4 tỉ đồng cho các hoạt động chung khác để quyết toán.

Rà soát các khoản chi hơn 3,49 tỉ đồng để bổ sung chứng từ hợp pháp, trường hợp không bổ sung được thì thu hồi, nộp ngân sách nhà nước…

Ngoài ra, Thanh tra Bộ yêu cầu trường chấn chỉnh công tác quản lý và khắc phụ hậu quả gồm công tác về tổ chức cán bộ, tuyển sinh đào tạo, hợp tác dạy ngoại ngữ...

Lê Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/ket-luan-thanh-tra-truong-dh-luat-tp-hcm-572597.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=moinong10