Trường ĐH dừng tuyển sinh một số ngành vì ít người học

Trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, một số trường đại học ở TPHCM buộc phải dừng tuyển sinh một số ngành do có quá ít thí sinh đăng ký.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân

Đến hết ngày 7/10, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM đã nhập học được 80% chỉ tiêu (khoảng hơn 3.000 thí sinh). Năm nay, trường tuyển hơn 3.500 chỉ tiêu, điểm chuẩn phương thức xét kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tập trung ở mức từ 17-19 điểm, ngành cao nhất 21 điểm là Công nghệ chế biến thực phẩm. Còn lại, nhiều ngành có điểm chuẩn 15-16 điểm.

Đáng chú ý, do quá quá ít thí sinh đăng ký nên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM dự kiến dừng tuyển sinh ngành Công nghệ vật liệu, Khoa học thủy sản. Cụ thể, năm nay ngành Công nghệ vật liệu tuyển 50 chỉ tiêu, Khoa học thủy sản 60 chỉ tiêu. Tuy nhiên, dữ liệu chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi thực hiện quy trình lọc ảo, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào 2 ngành này chỉ khoảng 30 nguyện vọng mỗi ngành, hầu hết là nguyện vọng 3, 4, chưa kể thí sinh đã có thể trúng tuyển nguyện vọng 1, 2.

Đây là hai ngành học mà nhiều năm nay nên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM đã rất khó tuyển sinh. Năm 2019, ngành Khoa học thủy sản không tuyển được thí sinh nào, ngành Công nghệ vật liệu tuyển sinh được 13 thí sinh, chưa năm nào được 40 em. Khi vào chuyên ngành số lượng có tăng lên khi sinh viên ở các ngành công nghệ hóa học chuyển sang nhưng cũng không nhiều, chỉ khoảng 20 sinh viên.

Còn ngành Công nghệ vật liệu thì nhu cầu xã hội rất cần, thậm chí các em học đến năm cuối thì đã có việc làm. Tuy nhiên, công việc khá nặng và phải đi xa nên kén thí sinh.

Tương tự, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia TPHCM), 3 ngành khó tuyển nhất là Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học. Dù khó đạt chỉ tiêu nhưng trường vẫn duy trì bởi thực tế nhu cầu của thị trường lao động ở các ngành này vẫn rất lớn.

Còn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, dù nhiều ngành điểm chuẩn rất cao, lên tới 27 điểm như ngành Robot và trí tuệ nhân tạo nhưng ngược lại vẫn có một số ngành khó tuyển sinh, như ngành Thiết kế thời trang tuyển được rất ít thí sinh. Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường ở hệ chất lượng cao, dù điểm chuẩn bằng điểm sàn là 19,5 điểm nhưng vẫn khó tuyển được thí sinh. Trước đó, Đề án tuyển sinh năm 2020, trường đã ngừng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và ngành Kỹ thuật nữ công bởi nhiều năm nay 2 ngành hầu như không tuyển được thí sinh.

Thống kê của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh đào tạo năm 2019 cũng cho thấy, 5 nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh và nhập học thấp nhất là Nông lâm nghiệp và Thủy sản đạt 32,6%; nhóm ngành Khoa học tự nhiên đạt 34,58%; Môi trường và bảo vệ môi trường đạt 45,28%; Dịch vụ xã hội đạt 45,71% và Khoa học sự sống đạt 50,04%.

Để thích ứng với bối cảnh mới và duy trì những ngành học khó tuyển, ngành học thuộc về thương hiệu của nhà trường, nhiều trường đã và đang xây dựng nhiều chính sách đi kèm nhằm hỗ trợ tối đa cho sinh viên. Trong đó, học bổng, việc làm là những chính sách “xương sống” nhằm tạo thêm sức hút cho ngành học.

Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, sinh viên theo học các ngành như Lâm học, Lâm nghiệp đô thị được hỗ trợ bằng chính sách “đặt hàng” đào tạo từ các doanh nghiệp, trong quá trình đào tạo nhà trường mời doanh nghiệp tới trường để tuyển dụng sinh viên.

Ngoài chính sách học bổng, khuyến học, khuyến tài, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã và đang đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền sâu rộng đến nhiều học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng của nguồn nhân lực trọng yếu cũng như đóng góp của khối ngành nghề trên cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nhà trường cũng có những ưu đãi cho sinh viên ngành này khi vào trường như cam kết chất lượng đầu ra, việc làm… nhằm “trải thảm” đón sinh viên.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, một số ngành nhu cầu nhân lực vẫn rất cần nhưng lại không có người học. Điều đó buộc các trường phải tìm mọi cách để tuyển dù sĩ số học sinh không đủ để duy trì lớp.

Trong bối cảnh hiện nay, mô hình đại học chia sẻ là giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này khi nó cho phép các trường gửi sinh viên (vì quá ít) cho các trường khác có cùng chương trình, ngưỡng bảo đảm đầu vào để tạo điều kiện cho sinh viên học tập, tiết giảm chi phí cho đơn vị.

“Sinh viên có thể theo học lý thuyết bằng hình thức online, tiết kiệm thời gian và bối cảnh học tập, khi thực tập chuyên ngành chỉ việc đến trường có liên kết chia sẻ thực tập. Mô hình đại học chia sẻ không chỉ mang lại cái lợi cho người học, đội ngũ giảng viên các trường đại học địa phương, đại học tốp dưới, quan trọng hơn nó mang lại sự chủ động cho người học và giữ ngành đào tạo của các trường”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

PN (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/truong-dh-dung-tuyen-sinh-mot-so-nganh-vi-it-nguoi-hoc/409835.vgp