Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): Thêm 4 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế

Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN – QA) vừa công nhận 4 chương trình đào tạo của trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng gồm: Điện-Điện tử, Điện tử-Viễn thông, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật Dầu khí đạt chuẩn chất lượng giáo dục.

Mộ buổi training về tự đánh giá – đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn bộ kiểm định AUN – QA do trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức.

Mộ buổi training về tự đánh giá – đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn bộ kiểm định AUN – QA do trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức.

Cùng với hai chương trình đào tạo (CTĐT) Chương trình tiên tiến ngành Điện tử - Viễn thông và Chương trình tiên tiến ngành Hệ thống nhúng đã được AUN – QA công nhận đạt chuẩn năm 2017, trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã có 6 CTĐT được AUN – QA công nhận đạt chuẩn.

Ngoài ra, Tổ chức Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (CTI) đã đánh giá ngoài 3 CTĐT kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp PFIEV chuyên ngành Sản xuất Tự động, Tin học Công nghiệp, Công nghệ Phần mềm và đã tái công nhận lần thứ 3 đạt chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn CTI giai đoạn 2016 - 2022.

Trước đó, trường ĐH Bách khoa đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội và Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đang tiếp tục triển khai hoạt động Tự đánh giá theo AUN-QA đối với 3 CTĐT gồm Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kinh tế xây dựng và Kiến trúc để chuẩn bị cho đợt đánh giá ngoài AUN-QA vào tháng 10/2018 sắp tới.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “CTĐT của nhà trường, đặc biệt là các CTĐT chất lượng cao đã và đang được đổi mới toàn diện và sâu sắc dựa trên phương pháp tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement – Operate) và định hướng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng ABET (Accreditation Board of Engineering and Technology), Hoa Kỳ.

Theo đó, với phương pháp giảng dạy học theo dự án PBL (Project-based Learning), bên cạnh khối kiến thức chuyên môn, SV còn được trang bị ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết như khả năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, ý tưởng sáng tạo, … Điều này đảm bảo cho SV khả năng có việc làm và khởi nghiệp sau khi ra trường, tham gia vào thị trường lao động có tính cạnh tranh cao trong nước, cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như thế giới”.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/truong-dh-bach-khoa-dh-da-nang-them-4-chuong-trinh-dao-tao-duoc-kiem-dinh-theo-tieu-chuan-quoc-te-3940329-c.html