Trường Đại học Xây dựng: Hợp tác trong chương trình hỗ trợ triển khai khung giảng dạy và học tập CDIO

Sáng 11/4, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác (Memorandum of Understanding – MOU) giữa Trường Đại học (ĐH) Xây dựng với Trường ĐH Singapore Polytechnic và buổi làm việc hợp tác với Quỹ Temasek, Singapore.

GS.TS Phan Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng phát biểu tại buổi lễ.

Dưới sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 5 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu Việt Nam gồm: Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Kiến trúc, Trường ĐH Thủy Lợi, Trường ĐH Mỏ - Địa chất và Trường ĐH Giao thông vận tải sẽ hợp tác với Trường ĐH Singapore Polytechnic và quỹ Temasek trông một chương trình nhằm cải cách chương trình đào tạo ĐH áp dụng tiếp cận CDIO (Hình thành ý tưởng – Thiết kế - Triển khai – Vận hành).

Tham dự buổi lễ có: TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, GS.TS Phan Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD, ông Hee Joh Liang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Singapore Polytechnic, ông Tan Weiming - Phó Đại sứ Singapore tại Việt Nam, ông Benedict Cheong - Giám đốc Quỹ Temasek quốc tế, đại diện Ban Giám hiệu các trường đại học đối tác phía Việt Nam.

GS. TS Phan Quang Minh tặng quà lưu niệm cho đại diện Quỹ Temasek Quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS Phan Quang Minh –Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho biết, lễ ký kết là một sự kiện quan trọng, đóng góp lớn trong quá trình cải cách chương trình đào tạo, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Xây dựng, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Thủy lợi, Đại học Kiến trúc, và Đại học Giao thông vận tải. Thay mặt các trường đối tác phía Việt Nam, GS.TS Phan Quang Minh gửi lời cảm ơn Quỹ Temasek quốc tế vì đã tài trợ cho chương trình và các chuyên gia từ Đại học Singapore Polytechnic đã tận tình tập huấn. GS.TS Phan Quang Minh cam kết sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển và lan tỏa của chương trình đến nhiều trường đại học ở miền Bắc Việt Nam.

Ông Hee Joh Liang - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Singapore Polytechnic.

Đại diện Trường Đại học Singapore Polytechnic, ông Hee Joh Liang - Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh, chương trình hợp tác 36 tháng này là chương trình đầu tiên giữa Đại học Singapore Polytechnic và 5 trường đại học đối tác tại Hà Nội, Việt Nam. Ông Hee Joh Liang chào mừng các trường đại học kỹ thuật đối tác gia nhập mạng lưới đang phát triển mạnh mẽ của Hiệp hội CDIO Quốc tế. Ông cho biết, SP là một trong những trường đại học hàng đầu trong việc áp dụng tiếp cận CDIO để cải cách chương trình đào tạo tại Châu Á, SP mong muốn được chia sẻ cách tiếp cận tiến bộ này với các trường đại học đối tác tại Hà Nội, qua đó giúp cải cách chương trình đào tạo để đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển ngày càng nhanh của Việt Nam.

Ông Benedict Cheong - Giám đốc điều hành Quỹ Temasek quốc tế phát biểu tại buổi lễ.

Ông Benedict Cheong - Giám đốc điều hành Quỹ Temasek Quốc tế cho biết, khung giảng dạy và học tập CDIO là một cách tiếp cận đơn giản nhưng hiệu quả, và đã được quốc tế công nhận để cải cách chương trình đào tạo kỹ thuật. Thông qua chương trình, nội dung và cấu trúc của chương trình đào tạo sẽ được cải thiện, nhờ đó sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Quỹ Temasek Quốc tế vui mừng khi hợp tác với Trường Đại học Xây dựng và các trường đại học đối tác khác trong nỗ lực tăng cường chất lượng đào tạo đại học tại Việt Nam.

Một chuỗi hội thảo tập huấn về Khung giảng dạy và học tập CDIO sẽ được tổ chức cho 30 lãnh đạo và 120 thành viên từ các trường ĐH đối tác phía Việt Nam. Tiếp đó, một nhóm gồm 50 thành viên sẽ được lựa chọn để đào tạo chuyên sâu những kiến thức gồm: Thiết kế chương trình đào tạo tích hợp; Thiết kế trải nghiệm học tập tích cực; Thiết kế trải nghiệm hình thành Ý tưởng (Concieve - C), Thiết kế (Design - D), Triển khai (Implement- I) và Vận hành (Operate - O); Thiết kế chương trình đào tạo đảm bảo các chuẩn kiểm định liên tục.

Trường ĐH Xây dựng với trường ĐH Singapore Polytechnic ký kết thỏa thuận MOU.

Sau đó, 25 thành viên sẽ được đào tạo trở thành chuyên gia và sẽ đóng vai trò lan tỏa những kiến thức đã được học về cải cách chương trình đào tạo đến nhiều đối tác hơn.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về mục tiêu tài trợ cho những chương trình hỗ trợ phát triển năng lực ở châu Á, ông Benedict Cheong - Giám đốc điều hành Quỹ Temasek quốc tế cho biết: “Các quốc gia ở châu Á từ lâu đã có quan hệ mật thiết với nhau, vì thế phải tương tác hỗ trợ nhau. Chúng tôi quyết định là phải làm sao hỗ trợ các nước này để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ bài học quý báu để cùng nhau phát triển, cùng nhau đi lên, cùng nhau thịnh vượng. Không ai khác mà chính các nước ở châu Á phải có nghĩa vụ giúp đỡ lần nhau”.

Ông Hee Joh Liang - Phó Hiệu trưởng trường Singapore Polytechnic cũng bày tỏ vui mừng khi Trường Đại học Xây dựng trở thành thành viên của Hiệp hội CDIO Quốc tế. “Chúng tôi chào mừng điều này từ lâu rồi và hy vọng Trường ĐHXD sẽ cùng với các trường đại học khác đóng góp vào sự phát triển giáo dục hiệu quả cho lĩnh vực ngành xây dựng Việt Nam. Việc áp dụng khung giảng dạy và học tập theo phương pháp CDIO ở đây là sinh viên sẽ được học không chỉ là về lý thuyết mà còn áp dụng ở chương trình dự án thực tế. Các em không chỉ được trang bị kỹ năng kỹ thuật mà còn kỹ năng ứng xử nghề. Vì thế, các em sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết cho công tác sau khi ra trường”, ông Hee Joh Liang cho biết.

Đại diện hai bên chụp ảnh lưu niệm.

Tại hội nghị, CDIO vùng châu Á 2019 được tổ chức tại ĐH Thông tin Neusoft, Đại Liên, Trung Quốc từ ngày 25-27/3/2019, Hội đồng CDIO vùng châu Á đã tuyên bố Trường Đại học Xây dựng trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội CDIO quốc tế. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế từ Hiệp hội CDIO châu Á, ĐH Nanyang Polytechnic Singapore và các chuyên gia CDIO trong nước, đến nay Trường Đại học Xây dựng đã hoàn thành chương trình đào tạo mới theo CDIO của 17 ngành/chuyên ngành đào tạo. Khung giảng dạy và học tập CDIO là một phương pháp tiếp cận để cải cách chương trình đào tạo kỹ thuật nhằm đảm bảo sinh viên sau khi ra trường có được kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng cá nhân, cũng như thái độ hành nghề chuyên nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo đổi mới bằng tiếp cận CDIO sẽ được đảm bảo những tố chất mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Được đề xướng từ năm 1997 bởi Học viện công nghệ Massachusettes (MIT), Mỹ, đến nay đã có trên 170 trường đại học lớn trên khắp thế giới áp dụng phương pháp tiếp cận CDIO để xây dựng các chương trình đào tạo. Các trường đại học áp dụng Khung giảng dạy và học tập CDIO đã tập hợp thành một Hiệp hội quốc tế nhằm trao đổi về kinh nghiệm triển khai CDIO tại các quốc gia, cũng như tăng cường hợp tác giữa các trường thành viên.

Quỹ Temasek Foundation International là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận có trụ sở tại Singapore chuyên tài trợ và hỗ trợ các chương trình nâng cao năng lực trong các cộng đồng ở Châu Á và trên toàn thế giới. Các chương trình này được thiết kế và triển khai với các đối tác nhằm xây dựng nguồn lực con người cũng như xã hội và thực hiện mục tiêu đóng góp vào một cộng đồng toàn cầu sôi nổi và kết nối với mạng lưới hợp tác tích cực. Mục đích của các chương trình là nâng cao năng lực trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, hành chính công, quản lý đô thị và ứng phó với thảm họa. Quỹ Temasek Foundation International, trước đây gọi là Temasek Foundation, được thành lập năm 2007 bởi công ty đầu tư Temasek của Singapore. Quỹ được đổi tên thành Temasek Foundation International vào năm 2016 và là một thành viên của gia đình Temasek. Kể từ năm 2007, Quỹ Temasek Foundation International đã đóng góp 162.8 triệu đô la Mỹ cho 400 chương trình khắp châu Á. Tại Việt Nam, Quỹ đã hỗ trợ cho 22 chương trình liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế và hành chính công với tổng số tiền tài trợ khoảng 9 triệu đô la Mỹ. Một số đối tác của quỹ tại Việt Nam bao gồm Bộ Y tế, Ban quản lý dự án 165 v.v..

Huyền Trang (Ảnh: Phạm Nhung)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/truong-dai-hoc-xay-dung-hop-tac-trong-chuong-trinh-ho-tro-trien-khai-khung-giang-day-va-hoc-tap-cdio.html