Trường đại học với việc xây dựng xã hội học tập ở Lai Châu

Sáng 10-11, tại TP Lai Châu, Trường đại học Mở Hà Nội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu tổ chức hội thảo khoa học: 'Vai trò của trường đại học và hệ thống giáo dục thường xuyên với việc xây dựng xã hội học tập tại tỉnh Lai Châu'.

Theo TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội, hiện nay cả nước có khoảng 85% số người trưởng thành có nhu cầu học tập thường xuyên; trong khi đó, giáo dục mở có đặc thù phá vỡ rào cản hành chính để giúp người dân có môi trường học tập thuận lợi, đúng với nhu cầu. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên để kết nối và sự tham gia của các trường đại học nhằm cung cấp nhân lực, trí tuệ, tạo môi trường học tập mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ… cho người dân học tập. Nhất là xây dựng nền giáo dục chia sẻ để người dân có có điều kiện học tập tốt hơn, góp phần xây dựng xã hội học tập. Với một tỉnh địa bàn miền núi còn khó khăn, hội thảo với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học… sẽ giúp người dân tỉnh Lai Châu có môi trường học đơn giản nhưng thiết thực, hiệu quả nhất, góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Vũ Văn Hoàn cho biết, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đối với giáo dục và đào tạo, trong đó có vấn đề xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đối với tỉnh Lai Châu là địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, dân trí chưa đồng đều…, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời càng trở nên quan trọng. Kể từ khi thành lập đến nay, tỉnh Lai Châu đã có những bước phát triển đáng kể khi tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm qua luôn đạt mức 9%-11%/năm; năm 2015 ra khỏi tình trạng tỉnh kém phát triển; thu ngân sách năm 2004 mới đạt 29 tỷ đồng thì năm 2017 đã đạt hơn hai nghìn tỷ đồng (tăng gần 100 lần); toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học năm 2000, phổ cập THCS năm 2009 và phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi năm 2015. Toàn tỉnh hiện đang tập trung phát huy các lợi thế cho phát triển kinh tế -xã hội như: Phát triển nông nghiệp chất lượng cao với các sản phẩm như lúa, chè, mắc-ca, dược liệu…; tiềm năng thủy điện; kinh tế biên mậu; du lịch sinh thái… Điều đó đặt ra nhu cầu học tập trong mỗi cán bộ người dân trong xây dựng xã hội học tập là rất lớn. Vì vậy, hội thảo sẽ giúp củng cố lý luận và thực tiễn cho xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đơìm góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục đến từ các trường đại học: Sư phạm Hà Nội, Nông lâm Thái Nguyên, Mở Hà Nội, các giảng viên, giáo viên các cơ sở giáo dục thường xuyên tỉnh Lai Châu đã trình bày, đưa ra các phân tích, đánh giá, nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho việc xây dựng xã hội học tập nói chung, xây dựng xã hội học tập của Lai Châu nói chung. Trong đó tập trung vào vai trò, trách nhiệm của trường đại học trong việc cung ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập súot đời của người dân; xây dựng xã hội học tập trong thời đại 4.0; vai trò của trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp trong xây dựng xã hội học tập của tỉnh Lai Châu; vai trò giáo dục mở trong xây dựng xã hội học tập tại lai Châu; nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên- hướng nghiệp; thực tiễn xây dựng môi trường học tập dựa trên công nghệ ở Lai Châu

XUÂN KỲ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/38201102-truong-dai-hoc-voi-viec-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-o-lai-chau.html