Trường đại học Việt Nam lần đầu điều phối dự án châu Âu về quản trị đại học

Dự án 'Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á' (tên viết tắt PURSEA) là một trong số các dự án Erasmus+ KA2 do Ủy ban châu Âu tài trợ nhằm tăng cường năng lực cho các trường đại học vừa chính thức khởi động vào sáng 26.2. Dự án được thực hiện trong ba năm (từ 2020 đến 2023) do Trường Đại học Hà Nội cùng Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) đồng điều phối.

Cụ thể, dự án PURSEA gồm 16 thành viên trong đó có 8 trường tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, sáu trường đại học Việt Nam gồm: Trường Đại học Hà Nội; Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Trường Đại học Giao thông Vận tải; Trường Đại học Kinh tế, Luật - Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Hai trường đại học Campuchia gồm: Viện Công nghệ Campuchia, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe Campuchia). Đây là các trường triển khai hoạt động và thụ hưởng trực tiếp các kết quả của dự án.

Lần đầu trường Đại học Việt Nam đứng ra điều phối một dự án châu Âu về quản trị đại học.

Lần đầu trường Đại học Việt Nam đứng ra điều phối một dự án châu Âu về quản trị đại học.

Các đối tác châu Âu (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, Đại học Lorraine, Đại học Bordeaux Montaigne, Đại học Bretagne Occidentale, Đại học Toulon, Đại học Duisburg-Essen, Đại học Tự do Bruxelles) sẽ cử chuyên gia có kinh nghiệm về quản trị đại học, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro tới tập huấn nâng cao năng lực cho các trường trong khu vực châu Á. Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF đóng vai trò đồng điều phối, quản lý hành chính và tài chính của dự án.

Dự án PURSEA nhằm mục đích tăng cường năng lực quản trị đại học cho lãnh đạo, cán bộ quản lý của 8 trường đại học tại Đông Nam Á thông qua hoạt động xây dựng và triển khai chiến lược phát triển theo đặc thù của mỗi trường.

Ba mục tiêu và kết quả chính của dự án gồm: Xây dựng phương pháp và bộ công cụ nhằm nâng cao chất lượng công tác hoạch định chiến lược của các trường đại học. Kết quả chính cần đạt là đổi mới hoặc chỉnh sửa chiến lược phát triển và các kế hoạch hành động cụ thể của trường đại học; Triển khai một kế hoạch hành động ưu tiên của trường cũng như các cơ chế quản trị và hỗ trợ cho sự thay đổi. Kết quả chính cần đạt là một kế hoạch hành động được lựa chọn, triển khai thực hiện cùng với các công cụ quản trị và quản lý phù hợp; Xây dựng bộ công cụ nhằm chia sẻ kinh nghiệm về hoạch định chiến lược, quản trị và quản lý các hoạt động của các trường đại học trong khu vực. Kết quả chính cần đạt sẽ là một trang web chia sẻ tất cả các kết quả, sản phẩm, bộ công cụ của dự án với các trường đại học và cá nhân quan tâm.

Để đạt được các mục tiêu trên, các trường tham gia dự án sẽ trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau triển khai hoạt động thông qua các khóa tập huấn tại Việt Nam, Campuchia, Pháp và Bỉ. Hoạt động của dự án được chia thành 10 nhóm hoạt động.

Các đại biểu dự lễ khởi động dự án“Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á” chụp hình lưu niệm.

“Bên cạnh vai trò hỗ trợ công tác tự chủ đại học, dự án PURSEA đối với chúng tôi còn có một ý nghĩa quan trọng khác. Thông thường, các dự án ERASMUS+ KA2 của châu Âu về bồi dưỡng và đào tạo nâng cao năng lực đều được điều phối bởi một trường đại học châu Âu.

Đặc biệt trong năm 2019, lần đầu tiên có hai trường đại học của Việt Nam đứng ra làm điều phối viên chính của dự án: trường đại học Hà Nội và trường đại học Huế. Chúng tôi rất tự hào bởi điều này là một minh chứng cho việc các trường đại học của Việt Nam đã bắt đầu tiệm cận với các mức chuẩn thế giới và có đủ năng lực để dẫn đầu các dự án của châu Âu, có khả năng chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến của mình tới các trường đối tác trong những mạng lưới quốc tế như mạng lưới của AUF.”, bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội chia sẻ.

Bà Ngô Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, một trong những đơn vị thụ hưởng dự án cũng cho biết: “Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đang chuẩn bị kết thúc kế hoạch chiến lược 2016-2020 và chuẩn bị cho một kế hoạch chiến lược mới, trong bối cảnh mà “tự chủ đại học” luôn đi cùng với vấn đề “tự chịu trách nhiệm”. Bối cảnh này buộc các trường đại học cần cân đối hài hòa những yếu tố về mặt xã hội để đảm bảo cho người học, chứ không phải chỉ nghĩ đến việc tăng học phí.

Song song với việc tự chịu trách nhiệm, trường còn phải thực hiện rất nhiều trách nhiệm đối với xã hội, đối với tương lai của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là một trường đào tạo trong lĩnh vực khoa học-xã hội. Việc nâng cao năng lực,tiếp nhận những kinh nghiệm và phương pháp mới thông qua dự án PURSEA sẽ giúp cho trường hoạch định một kế hoạch chiến lược trong bối cảnh mới này.”

T.Văn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/truong-dai-hoc-viet-nam-lan-dau-dieu-phoi-du-an-chau-au-ve-quan-tri-dai-hoc-22620.html