Trường Đại học Văn Lang hợp tác cùng Hà Lan tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm nguồn nước

Ngày 12/5, Đại sứ quán Hà Lan, Tổng lãnh sự quán Hà Lan và Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) phối hợp cùng Trường Đại học Văn Lang tổ chức Tọa đàm Khoa học 3 với chủ đề 'Ô nhiễm nguồn nước tại khu công nghiệp và các giải pháp', theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người đã trở thành một vấn nạn thế giới phải đương đầu; trong đó cấp bách nhất phải kể đến ô nhiễm môi trường nước. Việc công nghiệp hóa, lạm dụng tài nguyên nước và quản lý nguồn nước thiếu hiệu quả đang là nguyên nhân chính khiến thực trạng ô nhiễm môi trường nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng rơi vào tình trạng đáng báo động và sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng nếu con người không sớm tìm ra giải pháp khắc phục.

Quảng cảnh buổi Tọa đàm Khoa học 3.

Quảng cảnh buổi Tọa đàm Khoa học 3.

Trong Tọa đàm Khoa học chủ đề “Ô nhiễm nguồn nước tại khu công nghiệp và các giải pháp”, các chuyên gia môi trường thảo luận các vấn đề về tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguồn nước trong công nghiệp, từ đó đóng góp vào việc bảo vệ nguồn nước, góp phần xây dựng sửa đổi Luật Tài Nguyên Nước trong 2 năm tới của Chính phủ Việt Nam.

Các nội dung của Tọa đàm được xây dựng từ kết quả Dự án nghiên cứu ENTIRE - ENabling susTainable Industrial development in Vietnamese delta’s: REducing, Recycling and multi-sourcing industrial water (Phát triển công nghiệp bền vững tại các đồng bằng của Việt Nam: Tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguồn nước công nghiệp).

Các diễn giả tham dự online.

Tham dự Tọa đàm, NCS. ThS. Lê Minh Trường – Khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang trình bày kết quả chính từ dự án ENTIRE, đề xuất quy trình tái sử dụng nguồn nước thải bằng công nghệ đất ngập nước và trao đổi ion nhằm nâng cao chất lượng nước tái sử dụng trong các hoạt động của Khu công nghiệp. Công nghệ tái sử dụng nước thải đã qua xử lý nhằm loại bỏ các chất ô nhiễm còn lại bao gồm chất hữu cơ (biểu thị thông qua chỉ số COD), các chất dinh dưỡng (biểu thị thông qua chỉ số ammonia, nitrate và sulfate), và một số kim loại nặng.

Sau gần 25 năm hợp tác với Đại học Wageningen trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành Môi trường, đồng thời nhận chuyển giao chương trình đào tạo ngành Công nghệ Môi trường về Văn Lang từ dự án REFINE (Research and Education for Industry and Environment); tính đến nay, Trường Đại học Văn Lang duy trì hợp tác với chính phủ Hà Lan và Đại học Wageningen qua các dự án về công nghệ xử lý và quản lý nguồn nước, chất thải rắn và Biến đổi khí hậu,...

Hạnh Trần

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/truong-dai-hoc-van-lang-hop-tac-cung-ha-lan-tim-giai-phap-khac-phuc-o-nhiem-nguon-nuoc-168264.html