Trường đại học trên núi ở Nepal

TS Hari Lamsal, phát ngôn viên của chính phủ Nepal về giáo dục, đồng thời là thư ký chung của Bộ Khoa học và Công nghệ Nepal thông tin: 'Nepal đang hướng đến cung cấp chương trình giáo dục thực tiễn phù hợp cho mọi đối tượng học sinh/sinh viên. Đã có nhiều chứng thực về những ngôi trường thành công ở cả thành thị và nông thôn trên khắp đất nước Nepal'.

Một góc khu học ngoài trời của Đại học Thẳng Đứng

Một góc khu học ngoài trời của Đại học Thẳng Đứng

Học ngoài trời, học từ thực tế

Ở Nepal có một trường đại học đặc biệt mang tên là Đại học Thẳng Đứng (Vertical University), một dự án giáo dục nông thôn, được thành lập từ năm 2015 nhằm mục tiêu dạy cho sinh viên hiểu biết về thiên nhiên và các nguồn đa dạng sinh học.

Theo dữ liệu khảo sát từ Bộ Y tế Nepal năm 2016 thì: “Mật độ học sinh đi học ở các trường nông thôn tại Nepal thường thấp hơn ở các vùng đô thị, chỉ 61% học sinh sinh ra ở nông thôn học xong trung học so với tỷ lệ 71% học sinh đô thị”.

Ông Rajeev Goyal, đồng sáng lập tổ chức KTK-Belt (tổ chức phi lợi nhuận đang nắm quyền hoạt động của Đại học Thẳng Đứng), cho hay hiện trạng đó là kết quả của một hệ thống giáo dục cung cấp ít kiến thức và thực hành về nông nghiệp, bất chấp một thực tế là số nông hộ chiếm tới 81% tổng dân số Nepal.

Thông qua Đại học Thẳng Đứng, ông Rajeev Goyal hy vọng sẽ khuyến khích ngày càng nhiều hơn sinh viên nông thôn ở lại trường, bằng cách giới thiệu một dạng thức giáo dục ngoài trời nhằm nắm bắt thực tế cuộc sống nhiều hơn.

Ở Nepal, có 6 vùng khí hậu khác nhau, vì thế Đại học Thẳng Đứng đã lên kế hoạch sẽ xây dựng 6 khu học xá dựa trên những vùng khí hậu này.

Theo đó, những khu học xá này sẽ trải dài từ vùng đất ngập nước ở độ cao 67m cho đến độ cao 4.599m ngay dưới cái bóng đồ sộ của Kanchenjunga, ngọn núi cao thứ 3 thế giới.

Xa hơn, nhóm giáo dục của KTK-Belt đã hoàn tất khu học xá Tamur tại ngôi làng Kurule - Tenupa (nơi có kiểu khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới ở độ cao dao động từ 298,7m cho đến 1.600m trên bề mặt nước biển), và hiện tổ chức đang quyên góp tiền để xây dựng một học xá “điểu học” tại khu dự trữ đời sống hoang dã Koshi Tappu (cao 67m trên bề mặt nước biển).

Tổ chức KTT - Bell đặt mục tiêu là sẽ xây dựng hoàn tất cả 6 khu học xá vào năm 2021. Dự án KTK - Bell cũng làm việc với nhiều trường công lập khác nhau nằm ở vùng đồi nhiệt đới Yangshila nhằm tiến hành giảng các bài học ngoài trời nguyên một ngày trong mỗi tuần, sinh viên sẽ học các đề tài như chu kỳ nước và phân loại thực vật.

Sinh viên tương tác với thiên nhiên.

Sinh viên ngắm chim chóc trong một chương trình giáo dục ngoài trời.

Nông dân là giảng viên

Ở Nepal, việc hiểu biết về cảnh quan là rất quan trọng. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên là căn bản cho khoảng 90% sinh kế của tổng dân số và đại diện cho 40% GDP, theo công bố của Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP).

Nhưng UNDP cũng đề xuất rằng sự phát triển không bền vững đang gây đe dọa cho các nguồn tài nguyên này. Vì các hoạt động xây dựng và mở rộng đường xá mà Nepal đã mất 24,5% diện tích rừng già bao phủ (tương đương khoảng 1,2 triệu ha) - trong khoảng giữa năm 1990 và năm 2005 - theo dữ liệu được thu thập bởi Mongabay (một dịch vụ tin tức trực tuyến về bảo tồn và khoa học môi trường).

Tác hại không chỉ liên quan đến vật chất mà kiến thức bản địa về các thực vật và các giống loài lưu truyền qua các thế hệ cũng bị xói mòn. Đại học Thẳng Đứng nhắm vào công tác bảo tồn các mảng này, bằng cách thuê nông dân địa phương, người chăn thả gia súc, ngư dân… tham gia đóng vai trò là giáo viên dạy cho sinh viên.

86% nhân sự của Đại học Thẳng Đứng là thuộc về các cộng đồng dân cư bản địa và họ sẽ làm việc ở các làng nơi họ sinh sống - theo báo cáo thường niên mới nhất của KTK Belt được công bố vào năm 2016.

Ông Rajeev Goyal phát biểu: “Nhân sự địa phương có thể thiếu chuyên môn giáo dục, nhưng họ đặc biệt lại có kiến thức sâu sắc qua trải nghiệm nhiều thế hệ ở vùng mình sinh sống”.

Ông giải thích: “Thông qua Đại học Thẳng Đứng, các nhân sự có thể chia sẻ sự thông tuệ của họ. Giờ đây lũ trẻ có tình yêu của chúng về thiên nhiên, các em yêu cây cối, chim muông, và bắt đầu suy nghĩ gấp đôi về cơ hội phát triển cho vùng miền nơi mình sinh sống”.

Nông dân địa phương được trường tuyển dụng làm giảng viên.

Chuyện của nữ sinh Limbu

Ba năm trước, Ganga Limbu đã có thể nhìn thấy một chút tương lai vượt khỏi quê nhà của cô ở miền Đông đất nước Nepal. Là con gái trong gia đình có 8 anh chị em lớn lên ở vùng nông thôn thuộc huyện miền núi Dhankuta, Ganga Limbu là thành viên duy nhất trong gia đình học xong trung học.

Khát vọng học tập bị đứt giữa đường khi Limbu không đủ khả năng để theo đuổi việc học cao hơn. Ở quê, không đi học thì chỉ lấy chồng, như 2 người chị gái của mình, hoặc giả nối gót 5 ông anh làm ruộng và lái xe tải. Cả 2 lựa chọn đều không phải là đích đến của Limbu.

Rồi thì Ganga Limbu nghe loáng thoáng về sự xuất hiện của Đại học Thẳng Đứng, đó là một dự án đại học do cộng đồng tài trợ ngân sách đã đi vào hoạt động vào năm 2015, nhằm mang giáo dục đến với những học sinh như Limbu và học sinh sẽ chuyên tâm học về các chuyên đề, dự án bảo vệ môi trường thiên nhiên cùng các giống loài bản địa của miền Đông Nepal. Thời điểm đó, Ganga Limbu tròn 21 tuổi đã quyết định nộp đơn.

Ngay khi hội ngộ với bà Priyanka Bista, đồng sáng lập KTK - Bell, Ganga Limbu đã nung nấu quyết tâm phải đi học. Trong suốt buổi phỏng vấn hôm đó, Bista dò hỏi Limbu có muốn đến trường học hay không. Limpu đáp: “AutoCAD”, ý ám chỉ đến học phần mềm thiết kế vi tính.

Bà Priyanka Bista nhớ lại: “Tôi lấy làm kỳ lạ là tại sao cô gái này lại có tham vọng muốn học về vi tính đến vậy?”. Chỉ 2 năm sau, Ganga Limbu đã làm nên một bộ phim video cho dự án, liệt kê phong phú một danh mục hàng trăm giống loài cây thực vật bằng cách sử dụng phần mềm lập bản đồ GIS. Cô học nói tiếng Anh và giờ đây đảm chắc một khoản học bổng để hoàn thành bậc đại học.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/truong-dai-hoc-tren-nui-o-nepal-3995159-b.html