Trường Đại học Kinh tế Nghệ An: Nơi trang bị 'kiến thức - kỹ năng và thái độ'

Tiền thân là các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, qua nhiều lần sáp nhập, năm 2005 nâng cấp lên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An, năm 2014 tiếp tục được nâng cấp lên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

Với 60 năm truyền thống xây dựng và phát triển, nhà trường đã trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, đây là nơi trang bị cho người học cả 3 trụ cột quan trọng: “Kiến thức - kỹ năng và thái độ” để thành công.

Các tân cử nhân Trường Đại học kinh tế Nghệ An.

Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (NACE) là cơ sở giáo dục đại học công lập được hình thành từ năm 1960. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo nguồn nhân lực cho 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung, ngoài ra còn cả nước bạn Lào. Trong đó, có nhiều người thành đạt và nổi tiếng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội. Đặc biệt có 02 người nguyên phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An là học sinh của Trường như ông Lê Xuân Đại và ông Thái Văn Hằng…

Hiện nay, nhà trường có 2 cơ sở đào tạo với 15 hecta tại trung tâm thành phố Vinh. Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại gồm các giảng đường 3 - 7 tầng có thang máy, có thư viện điện tử, có ký túc xá đầy đủ tiện nghi, có hệ thống wifi miễn phí toàn trường, có 4 sân bóng đá cỏ nhân tạo, có nhà thi đấu thể thao đa năng, có nhà hàng - căntin rộng lớn, có khu trang trại thực hành cho khối kỹ thuật nông lâm ngư…

Giờ thực hành của sinh viên.

Trong những năm qua, nhà trường luôn phấn đấu vươn lên, đào tạo đại học với nhiều ngành: Kế toán, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Thú y, Lâm nghiệp, Quản lý đất đai, Khoa học cây trồng…; và liên kết đào tạo nhiều ngành thạc sĩ và đại học bằng thứ hai góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho trong và ngoài tỉnh.

Các ngành đào tạo đều đáp ứng nhu cầu việc làm của thị trường lao động hiện nay và tương lai cho trong và ngoài nước. Chương trình, nội dung đào tạo được đổi mới theo hướng ứng dụng, sáng tạo, trang bị cho người học cả 3 trụ cột quan trọng: “Kiến thức - kỹ năng và thái độ” để thành công. Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường chuyển đổi sang mô hình đào tạo "những gì thị trường sẽ cần". Sinh viên được tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận doanh nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng mềm. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học đào tạo nguồn cán bộ giảng viên và sinh viên.

Nhà trường tăng cường kết nối cung - cầu “3 nhà” (nhà trường - nhà nước- nhà doanh nghiệp) nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Riêng với doanh nghiệp để hiểu và nắm bắt được nhu cầu về kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt là yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực của ứng viên dự tuyển vào doanh nghiệp, từ đó xây dựng được chương trình đào tạo phù hợp. Đồng thời, triển khai chương trình hợp tác đào tạo trước tuyển dụng, cho sinh viên thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tạo việc làm trước và sau khi tốt nghiệp.

Năm nay, nhà trường xét tuyển 7 ngành với 10 chuyên ngành đào tạo như sau: Quản trị Kinh doanh (Quản trị doanh nghiệp; Quản trị du lịch lữ hành và khách sạn); Kế toán; Kinh tế; Tài chính ngân hàng (Quản lý Tài chính; Tài chính Doanh nghiệp; Ngân hàng - Bảo hiểm); Quản lý đất đai; Lâm học; bác sĩ Thú y.

Các doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Xét tuyển theo 2 hình thức: Một là, xét theo kết quả điểm học bạ Trung học phổ thông lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 dự kiến đạt từ 15 điểm trở lên cho tổng 3 môn thuộc 1 trong 4 tổ hợp xét tuyển: A00, A01, B00, D01. Hai là, xét theo kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông dự kiến đạt từ 13 điểm trở lên (đã cộng điểm ưu tiên) cho tổng 3 môn thuộc 1 trong 4 tổ hợp xét tuyển: A00, A01, B00, D01. Riêng đối với hình thức xét tuyển theo học bạ, thí sinh tốt nghiệp THPT bất cứ năm nào cũng đều được chấp nhận. Năm nay, nhà trường sẽ tổ chức nhiều đợt xét tuyển trong năm, dự kiến cho đến hết ngày 31/12/2021.

Ngày hội sinh viên.

Đến với Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, sinh viên sẽ có cơ hội việc làm cao cho tất cả 7 ngành đào tạo. Học phí thu thấp nhất theo quy định của Nhà nước đối với trường công lập: 272.000đ/tín chỉ (bình quân 930.000đ/tháng. Sinh viên có điểm đầu vào (xét theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021) đạt từ 18 điểm trở lên được giảm 50% học phí năm thứ nhất. Sinh viên thuộc đối tượng chính sách được hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí học tập theo quy định của Nhà nước. Sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi… có cơ hội nhận chế độ học bổng của nhà trường, của các tổ chức và cá nhân tài trợ trong suốt quá trình học tập.

Ký túc xá với mức thu chỉ 150.000 đ/sv/tháng, riêng sinh viên có điểm đầu vào (xét theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021) đạt từ 20 điểm trở lên được miễn 100% lệ phí ký túc xá năm thứ nhất.

Ngoài tuyển sinh đào tạo chính quy, nhà trường liên tục tuyển sinh đào tạo liên thông "dọc” từ trung cấp, cao đẳng lên đại học và liên thông “ngang” sang bằng đại học khác (bằng thứ 2). Với liên thông dọc có 7 ngành: Quản trị Kinh doanh; Kế toán; Kinh tế; Quản lý đất đai; Lâm học; Thú y (Bác sĩ Thú y). Với liên thông ngang có 2 ngành: Kế toán; Quản lý đất đai.

Với hình hức đào tạo theo học chế tín chỉ, nhà trường luôn tạo thuận lợi nhất cho người học, phù hợp với người vừa đi làm, vừa đi học.../.

(*) Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

TS. Đinh Văn Tới (*)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/truong-dai-hoc-kinh-te-nghe-an-noi-trang-bi-kien-thuc-ky-nang-va-thai-do-a3391.html