Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã đạt những kết quả tích cực trong công tác đào tạo

Sáng 8/10, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao đã có buổi làm việc với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Tham dự buổi làm việc có tập thể lãnh đạo, Ban Giám hiệu cùng lãnh đạo các phòng, khoa thuộc Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Báo cáo về hoạt động của Nhà trường tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội Lại Viết Quang cho biết, từ khi thành lập (năm 2013) đến nay, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường luôn quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao hằng năm, các chỉ thị chuyên đề, các thông báo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao nhằm hoàn thành tốt các chương trình, mục tiêu, kế hoạch công tác đã đề ra theo từng năm, từng nhiệm kỳ.

 Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Trường không ngừng phát huy và mở rộng dân chủ trong lãnh đạo, đồng thời thực hiện tốt việc đoàn kết trong nội bộ cơ quan, xây dựng thực hiện văn hóa công sở. Trường xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong từng năm, cụ thể hóa những nhiệm vụ trọng tâm thành chương trình, kế hoạch công tác của Trường và các đơn vị trực thuộc.

Từ năm 2013 đến nay, Trường đã tuyển sinh được 7 khóa hệ đại học chính quy, tổng số sinh viên đã và đang học tại Trường là 2.341 sinh viên.

Đối với công tác đào tạo văn bằng 2 ngành Luật, đến nay Trường đã tuyển sinh văn bằng 2 khóa 1 (2019-2021) gồm 2 đợt tuyển sinh với 80 sinh viên, hiện đang tuyển sinh văn bằng 2 khóa 2.

Về công tác đào tạo Thạc sĩ ngành Luật hình sự và Tố tụng hình sự, hiện Trường đã tổ chức tuyển sinh, khai giảng và triển khai đào tạo khóa 1 (2019-2023) với 41 học viên; tổ chức tuyển sinh khóa 2 (2020-2023) với 54 học viên, dự kiến khai giảng khóa 2 vào tháng 11/2020.

Tính đến nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp là 885 sinh viên, hơn 300 sinh viên khóa 4 sắp tốt nghiệp; số sinh viên đang học tập là 1.300 sinh viên; số sinh viên tốt nghiệp đã được tuyển dụng vào ngành Kiểm sát nhân dân là 388 sinh viên.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân, từ năm 2013 đến nay, Trường đã triển khai giảng dạy và cấp chứng chỉ cho 16 khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát với 1.827 học viên; 4 khóa đào tạo nghiệp vụ điều tra hình sự với 139 học viên; 147 khóa bồi dưỡng với 11.405 lượt học viên về bồi dưỡng tiêu chuẩn chức vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, phối hợp với các VKSND cấp tỉnh khu vực phía Bắc mở được 50 khóa với 4.097 lượt học viên.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội Lại Viết Quang báo cáo tình hình hoạt động của Nhà trường.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo, Ban Giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo các phòng, khoa thuộc Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã phát biểu đề cập đến các nội dung về hoạt động của Trường trên các mặt như: Việc liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước; công tác nghiên cứu khoa học; về kinh phí, công tác bảo đảm tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, bồi dưỡng; việc biên soạn giáo trình, tài liệu; việc hợp tác quốc tế trong đào tạo; việc chuyển ngạch công chức sang viên chức gặp một số khó khăn; xây dựng quy định về quyền lợi và trách nhiệm của đội ngũ giảng viên thỉnh giảng; việc nâng cao đời sống đội ngũ cán bộ, giảng viên; về mối quan hệ phối hợp giữa Nhà trường với các đơn vị thuộc VKSND tối cao...

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao nêu rõ, mặc dù từ khi thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2013) đến nay, thời gian tuy không dài nhưng Nhà trường đã nỗ lực, cố gắng để đạt được những kết quả tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho ngành Kiểm sát và cho xã hội.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao phát biểu tại buổi làm việc.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà Nhà trường nêu lên, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho rằng, muốn đào tạo được đội ngũ cán bộ có đức, có tài thì đội ngũ lãnh đạo, giảng viên của Trường phải là những thầy cô mẫu mực, biết hi sinh, cống hiến và khát vọng. Cùng với đó, Nhà trường phải quan tâm, chú trọng đào tạo những sinh viên vừa có phẩm chất đạo đức trong sáng, vừa có bản lĩnh dám đấu tranh với cái sai, bảo vệ lẽ phải; việc đào tạo phải gắn với thực tiễn và phải coi người học là trung tâm.

Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cũng lưu ý, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Trường cần phải quyết tâm hơn nữa, phải xác định công tác đào tạo đội ngũ cán bộ có chất lượng cho Ngành là nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, Nhà trường phải hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích đã được quy định; trong đó, Trường phải lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu trong thời gian tiếp theo.

Trong quan hệ phối hợp với các đơn vị VKSND tối cao, cùng với việc tăng cường, đẩy mạnh phối hợp, nếu có khó khăn, vướng mắc thì Nhà trường cần báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, có ý kiến chỉ đạo.

Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến tin tưởng trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục đoàn kết, vượt qua những khó khăn để đạt nhiều kết quả tốt hơn, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng mà Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao dành cho Nhà trường.

Văn Tình

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/truong-dai-hoc-kiem-sat-ha-noi-da-dat-nhung-ket-qua-tich-cuc-trong-cong-tac-dao-tao-95766.html