Trường Đại học KHXH&NV bao che cho 'đạo văn'?

Một số cán bộ, giáo viên Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội rất bất bình với kiểu giải quyết của lãnh đạo nhà trường đối với sai phạm của PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh, người bị phản ánh là đã 'đạo văn' trong công trình nghiên cứu.

“Đồng lõa” với sai phạm?

Theo như phản ánh, cuốn sách chuyên khảo “Hồi giáo và Hồi giáo ở Việt Nam” được xuất bản vào năm 2013, do PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh là tác giả, trong nội dung của cuốn sách này có nhiều nguồn tài liệu khác nhau được đưa vào, nhưng lại không ghi trích dẫn.

Chỉ cho phóng viên những nội dung được cho là PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh “đạo văn”, những người phản ánh cho biết, trong cuốn sách chuyên khảo này, PGS. TS. Trần Thị Kim Oanh đã sao chép lại nhiều nội dung từ những cuốn sách của các nhà khoa học, tạp chí, trang mạng về vấn đề tôn giáo.

Một số tài liệu được cho là "đạo văn" của PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh (bên trái là của PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh được sao chép từ tài liệu bên phải).

Đơn cử một vài ví dụ để thấy bà Trần Thị Kim Oanh đã sử dụng tài liệu cho cuốn sách chuyên khảo được mang tên mình, tại các trang 178-179-180-181 đoạn: “Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 60.000 tín đồ Muslim người Chăm, tập trung ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Đồng Nai... Gần đây khi nghiên cứu về Islam ở Việt Nam, đa số các nhà khoa học thống nhất với nhau về sự có mặt của Islam tại Việt Nam và Đông Nam Á vào khoảng thế kỷ IX” chép trong ISLAM Ở VIỆT NAM (Tiếng Việt) Fatiha Kiểm tra lại Mohamad Djandal và Ibn Ysa, 2009 - 1430, Islamhouse, Cộng đồng Muslim ở Việt Nam trang 8-9 “Hiện nay… Mê Kông”…

Hay tại trang 209-210-211-212-213-214-215-216-217-218 của cuốn sách đoạn: “Về giáo lý: Tín đồ Chăm Islam luôn giữ gìn nghiêm ngặt những quy định... để tượng trưng cho tiền mua người đàn bà” đã được Phó Giáo sư, Tiến sỹ chép trong Tạp Chí Văn hóa Nguyệt San, số 67, 1962, bài của Nguyễn Khắc Ngữ “Hồi Giáo”, trang 143-148.

Ấy vậy mà ngay trong Thông báo số 3736/TB-XHNV-TC do GS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV ký ngày 27/9/2019 gửi Bộ môn Tôn giáo học cho rằng: “Đây là vấn đề không chỉ của 01 cá nhân, mà của cả tập thể, ảnh hưởng sâu sắc đến uy tín Bộ môn, Nhà trường và các cán bộ trong đơn vị. Đề nghị tất cả thành viên của Bộ môn phải có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Chỉ đạo của ông GS,TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trên tinh thần "mình vì mọi người, mọi người vì mình" nghĩa là thế nào?

Với chỉ đạo này của ông Phạm Quang Minh, những người đã mạnh dạn phản ánh việc PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh “đạo văn” không khỏi băn khoăn. Tại sao mọi người lại phải chấp nhận đối với sự giả dối? Tại sao lại phải giúp đỡ nhau trên tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”? Không có lẽ thấy cái sai, thấy sự giả dối lại chấp nhận làm ngơ và chấp nhận người đó?

Với câu chỉ đạo này của ông Minh, phải chăng việc “đạo văn” ở Bộ môn Tôn Giáo học này là “rất nhiều” cho nên mọi người phải phải có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm giúp nhau, có nghĩa là “đồng lõa” với sai phạm này của PGS. TS. Trần Thị Kim Oanh?

Với những câu hỏi này không chỉ những người dám mạnh dạn phản ánh mà ngay cả dư luận cũng đang đặt ra đối với GS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng nhà trường là có hay không việc bao che cho sai phạm “đạo văn” của PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh?

Xử lý sai phạm kiểu... “giơ cao đánh khẽ”

Tại Văn bản 3736/TB-XHNV-TC do GS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV ký về việc “đạo văn” của PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh, những biểu hiện có sự sao chép, trích dẫn không đầy đủ trong các công trình của PGS.TS. Trần Thị KimOanh, Trưởng Bộ môn Tôn Giáo học so với các công trình khoa học đã công bố khác được PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh báo cáo.

Nguyên nhân của những thiếu sót này là do khi được Nhà trường giao cho biên soạn giáo trình về Islam và Islam ở Việt Nam, do áp lực phải sớm hoàn thành giáo trình cho một học phần còn mới mẻ, chưa có nhiều tài liệu tham khảo, ít cán bộ giảng dạy nên chưa kịp bổ sung đầy đủ nguồn tài liệu trích dẫn.

Nhà trường đề nghị PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các cán bộ trong Bộ môn và sớm có phương án chỉnh sửa để lần tái bản sau không để xảy ra sai sót.

PGS,TS Trần Thị Kim Oanh chỉ đưjc yêu cầu rút kinh nghiệm

Như vậy có thể khẳng định việc các cán bộ, giáo viên trong nhà trường phản ánh vấn đề “đạo văn” của PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh trong công trình khoa học của mình là có cơ sở. Tuy nhiên, việc Trường ĐHKHXH&NV lại chỉ đề nghị PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh chỉ rút kinh nghiệm liệu có thỏa đáng? Có hay không việc bao che cho sai phạm này của PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh?

PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh bị phản ánh là "đạo văn"

Theo phản ánh, việc PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh “đạo văn” không chỉ có một công trình nghiên cứu khoa học mà có nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác về Tôn giáo cũng được sử dụng phương pháp "đạo văn", thậm chí có những tài liệu được PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh sử dụng là khóa luận để được công nhận PGS.

Căn cứ theo các quy định hiện hành ở Việt Nam, việc đạo văn cần phải được xử lý theo hình thức “hủy bỏ kết quả bảo vệ luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp và các công trình nghiên cứu khoa học”.

Do vậy, Trường ĐHKHXH&NH – Đại học Quốc gia Hà Nội cần phải có biện pháp xử lý thích đáng đối với PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh về vấn đề “đạo văn” này để lấy lại uy tín của nhà trường, uy tín của cán bộ, giáo viên Bộ môn Tôn Giáo học.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ đăng tải những thông tin liên quan đến vấn đề này và sẽ làm việc với Trường Đại học KHXH&NV để tìm hiểu thêm.

P.V

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/truong-dai-hoc-khxhnv-bao-che-cho-dao-van-post33046.html