Trường đại học gặp khó khi mời doanh nhân giảng dạy các ngành Kinh tế

Công tác đào tạo ngành Kinh tế gắn với doanh nghiệp tại các trường đại học dần trở thành xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngày 20/09/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, chọn ngày 13/10 hằng năm làm ngày tôn vinh Doanh nhân Việt Nam. Kể từ đó, ngày 13/10 hàng năm là dịp để tôn vinh vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân với những cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả đào tạo, sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp và doanh nhân đang trở thành xu hướng tất yếu. Sự hợp tác này không chỉ giúp chương trình đào tạo trở nên thực tiễn hơn mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp cho sinh viên.

Hợp tác với doanh nghiệp, cơ sở giáo dục có thể cải tiến chương trình đào tạo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Hữu Đức - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính khẳng định, sự tham gia của các doanh nghiệp, chuyên gia trong quá trình đào tạo có vai trò rất quan trọng, góp phần cải tiến chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

 Tiến sĩ Lưu Hữu Đức - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Lưu Hữu Đức - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính. (Ảnh: NVCC)

Song song với việc hợp tác trong xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, phối hợp nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thầy Đức cho biết doanh nghiệp còn đóng góp rất lớn trong tài trợ học bổng tại Học viện Tài chính.

Những loại học bổng của Học viện Tài chính được doanh nghiệp hỗ trợ bao gồm nhiều hình thức đa dạng như học bổng tài năng; học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó vươn lên trong học tập và rèn luyện; học bổng dành cho các sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp hiệu quả; học bổng cho những sinh viên có thành tích nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học và tham gia các kỳ thi cấp quốc gia. Những học bổng này không chỉ khuyến khích sinh viên nỗ lực phấn đấu mà còn tạo điều kiện cho họ phát triển tài năng và khả năng sáng tạo của mình.

Hiện tại, Học viện Tài chính đang thực hiện đào tạo 5 ngành thuộc nhóm ngành kinh tế, bao gồm: Kế toán, Tài chính ngân hàng, Kinh tế, Quản trị kinh doanh và Hệ thống thông tin quản lý. Trong đó, ngành Kế toán thu hút lượng sinh viên theo học đông đảo nhất với điểm chuẩn năm 2024 là 26,45 điểm.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) cho biết, nhà trường chú trọng đẩy mạnh triển khai mô hình đào tạo gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp uy tín nhằm đạt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng hội nhập kinh tế toàn cầu.

Các ngành kinh tế tại UEH thu hút số lượng lớn thí sinh đăng ký, đặc biệt là các ngành như Marketing, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Tài chính - Ngân hàng,... Trong đó, ngành Marketing dẫn đầu nhóm ngành kinh tế với mức điểm chuẩn cao nhất đạt 26.8 điểm (năm 2024).

Nhà trường thường xuyên mời các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp tham gia thiết kế, điều chỉnh chương trình, đảm nhận vai trò giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong các buổi hội thảo.

 Sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NTCC)

Ngoài ra, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tích hợp các dự án và bài tập thực tế vào môn học nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào các nghiên cứu, giải quyết vấn đề dựa trên những tình huống thực tế từ doanh nghiệp hoặc tổ chức, giúp nâng cao khả năng áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

Song song việc đào tạo chính quy, nhà trường tổ chức thêm các khóa học ngắn hạn, chương trình liên thông đại học và sau đại học nhằm nâng cao trình độ cho nhân sự doanh nghiệp theo yêu cầu đặt hàng.

Đồng thời, việc triển khai “học kỳ doanh nghiệp” - một hình thức thực tập được UEH tổ chức vào học kỳ cuối với khối lượng 10 tín chỉ nhằm tạo cơ hội cho sinh viên vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn tại doanh nghiệp. Hoạt động này giúp thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu chung là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội và thị trường lao động.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NTCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NTCC)

Theo thầy Hùng, một doanh nghiệp nếu kết nối tốt với trường đại học sẽ không chỉ xây dựng được đội ngũ nhân sự phù hợp với chiến lược phát triển của mình mà còn hình thành một hệ sinh thái tri thức và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Doanh nghiệp có thể tận dụng tri thức khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng từ trường đại học và ngược lại, trường đại học có cơ hội ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, công nghệ có giá trị thương mại. Đây là mối quan hệ tương hỗ, đảm bảo các bên đều đạt được mục tiêu và sứ mệnh của mình.

Tại Trường Đại học Thương mại, đại diện nhà trường nhấn mạnh rằng việc hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp trong đào tạo được xác định là một điều kiện cơ bản trong quá trình xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nhóm ngành kinh tế.

Theo đó, các doanh nghiệp hợp tác luôn giữ vai trò là một bộ phận chính yếu tham gia vào tất cả các hoạt động đào tạo của nhà trường, bao gồm: xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo; giảng dạy, hướng dẫn thực hành và thực tập; đánh giá kết quả đào tạo; sử dụng sản phẩm đào tạo cũng như hợp tác trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Sự tham gia tích cực này không chỉ đảm bảo tính thực tiễn của chương trình đào tạo mà còn giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường lao động.

 Sinh viên Trường Đại học Thương mại tham gia hoạt động học tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên Trường Đại học Thương mại tham gia hoạt động học tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp. (Ảnh: NTCC)

Đại diện Trường Đại học Thương mại cho hay: “Thời gian qua, nhà trường luôn chú trọng hoạt động hợp tác với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế. Trong năm học 2023 - 2024, nhà trường đã triển khai thêm chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế - IPOP, đồng thời xây dựng mới 10 chương trình đào tạo đại học chính quy.

Các chương trình đào tạo xây dựng mới, rà soát và sửa đổi đều được tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp và các bên liên quan, nhằm đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình không chỉ đáp ứng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu của nhà trường mà phải phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội".

Hợp tác với doanh nghiệp cần đi sâu vào nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ hoặc đổi mới sáng tạo

Theo Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thực trạng hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện nay vẫn còn gặp nhiều thách thức.

“Những rào cản trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất phát từ hạn chế về nguồn nhân lực và khả năng tài chính. Đồng thời, chất lượng nghiên cứu đa phần chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, khả năng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu vẫn là thách thức lớn với các cơ sở giáo dục đại học. Các chính sách hỗ trợ hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học chưa đủ mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển bền vững của mối quan hệ này trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc tận dụng tri thức và sáng tạo của cả hai bên để phục vụ lợi ích chung, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng sự đổi mới và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn kinh doanh”, thầy Hùng nhận định.

 Sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website trường)

Sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website trường)

Để cải thiện việc nghiên cứu khoa học và công nghệ gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, thầy Hùng cho rằng cả hai bên cần xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài và mang tính chiến lược. Việc này đòi hỏi sự tham gia đồng thời của cả doanh nghiệp lẫn cơ sở giáo dục đại học vào quá trình hoạch định chiến lược đào tạo và phát triển nghiên cứu, từ đó đảm bảo sự hợp tác phát triển bền vững.

Đồng thời, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng cũng đề xuất rằng Nhà nước cần ban hành thêm các chính sách nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong nghiên cứu và phát triển giữa các trường đại học với doanh nghiệp.

“Nhà nước có thể ban hành các chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp tham gia vào những dự án hợp tác, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu chung hoặc tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho quá trình chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và quỹ phát triển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài chính, kỹ thuật cho những sáng kiến hợp tác. Đặc biệt, các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững và công nghệ cao có thể được ưu tiên nhận các nguồn lực hỗ trợ này, góp phần thúc đẩy sự đổi mới và tăng cường năng lực cạnh tranh cho cả hai bên”, thầy Hùng nhận định.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lưu Hữu Đức cho biết, thực tế cho thấy hầu hết hoạt động hợp tác của trường đại học và doanh nghiệp hiện nay chủ yếu tập trung vào việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp, nhằm giải quyết bài toán đầu ra cho hoạt động đào tạo.

Sự hợp tác này thường chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp mà chưa thực sự đi sâu vào các lĩnh vực khác như nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ hoặc đổi mới sáng tạo. Vì vậy, các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học chưa nhận được sự quan tâm đúng mức dẫn đến việc hợp tác nghiên cứu giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế cả về chất lượng lẫn quy mô.

 Sinh viên tham gia cuộc thi Hùng biện đỉnh cao - Calliope, cuộc thi trực thuộc câu lạc bộ Kinh tế trẻ, Học viện Tài chính. (Ảnh: Học viện cung cấp)

Sinh viên tham gia cuộc thi Hùng biện đỉnh cao - Calliope, cuộc thi trực thuộc câu lạc bộ Kinh tế trẻ, Học viện Tài chính. (Ảnh: Học viện cung cấp)

Tiến sĩ Lưu Hữu Đức cho rằng, cơ chế thu hút giảng viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học chưa thực sự hiệu quả. Sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra cho các nghiên cứu còn thiếu chặt chẽ khiến nhiều kết quả nghiên cứu khó được ứng dụng vào thực tiễn.

Thêm vào đó, vấn đề kinh phí cũng là một rào cản lớn trong hoạt động nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học. Kinh phí nghiên cứu hiện tại còn khá hạn hẹp dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện các dự án nghiên cứu có quy mô và giá trị cao.

Trong hoạt động gắn kết doanh nghiệp, Học viện Tài chính đã chủ động mời các doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến, chỉnh sửa và hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo các ngành kinh tế nói riêng và các ngành khác nói chung. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động này vẫn chưa thu hút được sự quan tâm sâu sát từ phía doanh nghiệp, dẫn đến việc thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình phát triển chương trình đào tạo.

Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả của chương trình đào tạo mà còn khiến cho các nội dung giảng dạy chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Một khó khăn khác mà Học viện Tài chính gặp phải là việc mời giảng viên thỉnh giảng từ doanh nghiệp bị vướng mắc bởi các quy định về bằng cấp và trình độ giảng viên đại học.

Theo quy định, giảng viên thỉnh giảng phải có bằng thạc sĩ khi giảng dạy trình độ đại học và bằng tiến sĩ khi giảng dạy ở bậc sau đại học. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nhân có kinh nghiệm thực tiễn phong phú từ các doanh nghiệp, những người có thể cung cấp kiến thức thực tế quý giá cho sinh viên đa phần không đáp ứng được các yêu cầu về bằng cấp học thuật tương ứng. Điều này tạo ra khó khăn trong việc tận dụng nguồn lực tri thức từ các doanh nghiệp để đưa vào giảng dạy, làm giảm tính thực tiễn của chương trình đào tạo.

Về giải pháp cải thiện những khó khăn, vướng mắc trên, Tiến sĩ Lưu Hữu Đức cho rằng: “Mỗi cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng và thực hiện chiến lược tự nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, năng lực quản trị nhà trường cũng như năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Đồng thời, cần huy động thêm sự tham gia của doanh nghiệp vào việc hỗ trợ tài chính thông qua các hoạt động như cung cấp học bổng, tài trợ cho các đề tài nghiên cứu khoa học, hỗ trợ cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy, học tập.

Doanh nghiệp có thể cùng nhà trường tham gia vào việc giảng dạy thực tiễn, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức thực tế. Việc mời các cán bộ đang công tác tại doanh nghiệp làm giảng viên thỉnh giảng trong các chương trình đào tạo sẽ giúp sinh viên nắm bắt được kinh nghiệm thực tế từ thị trường lao động”.

Còn theo đại diện Trường Đại học Thương mại, nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và các đối tác doanh nghiệp, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện những phương án cụ thể và toàn diện trong các hoạt động hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Những kế hoạch này bao gồm việc tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, tổ chức các chương trình đào tạo gắn liền với thực tiễn và phát triển các dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao. Mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.

Đồng thời, Trường Đại học Thương mại sẽ tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các diễn đàn, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Qua đó, sinh viên sẽ có cơ hội nâng cao kỹ năng mềm và tìm kiếm việc làm hiệu quả hơn.

Thúy Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-gap-kho-khi-moi-doanh-nhan-giang-day-cac-nganh-kinh-te-post245757.gd