Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh: Tăng tốc nhờ tự chủ

Sau 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (HUFI) đã đổi mới cả chất và lượng. Đặc biệt, người học được hỗ trợ nhiều chế độ chính sách cũng như các dịch vụ tốt, thu nhập của người lao động tăng lên, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) có nhiều bứt phá.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng

Hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng

Nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học

Ngày 23/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 901 phê duyệt Đề án Đổi mới hoạt động HUFI. Có thể nói, đây là bước ngoặt cho HUFI tăng tốc và bứt phá trong các hoạt động của nhà trường, trong đó, có hoạt động NCKH. Đây là một trong những hoạt động cơ bản của HUFI, hoạt động này được nhà trường quan tâm và liên tục có những bước phát triển nhanh trong suốt 5 năm vừa qua (2015 - 2020).

Từ một cơ sở giáo dục đại học với nguồn lực hạn chế cho NCKH, trong giai đoạn trước năm 2015, các kết quả NCKH của HUFI còn rất khiêm tốn, số công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín dưới 15 bài, số người thực hiện NCKH chiếm tỷ lệ thấp, đề tài NCKH các cấp không nhiều, kinh phí đầu tư cho NCKH rất hạn chế.

Tuy nhiên, từ khi thực hiện cơ chế hoạt động tự chủ theo quyết định 901 của Thủ tướng Chính phủ, bằng những chính sách phù hợp, HUFI đã có những bước phát triển NCKH vượt bậc. Với chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, có năng lực NCKH, HUFI đã gia tăng được một đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài nước. Trong vòng 5 năm, HUFI đã gia tăng hàng trăm giảng viên có trình độ tiến sĩ với khả năng NCKH tốt.

Có thể khẳng định, nhờ tự chủ, tự chịu trách nhiệm, HUFI đã có thể tuyển dụng viên chức, nhân viên hợp đồng theo nhu cầu, ký hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học là người nước ngoài để đảm bảo đáp ứng nhu cầu giảng dạy, NCKH, được quyền cơ cấu và quyết định số người làm việc. Trên cơ sở có nguồn nhân lực tốt cộng với chính sách đầu tư kinh phí đáng kể cho các hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN); chính sách hỗ trợ, khen thưởng hoạt động NCKH; chính sách thông thoáng cho hoạt động dịch vụ và chuyển giao KHCN, HUFI đã đạt được nhiều kết quả như: Số công trình công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín (ISI/Scopus) tăng lên đáng kể. Năm 2019, HUFI lọt vào top 30 các cơ sở giáo dục đại học có nhiều công bố khoa học quốc tế nhất (với 120 bài). Dự báo, năm 2020, HUFI sẽ tiếp tục gia tăng số lượng công bố trên các tạp chí khoa học uy tín (ISI/Scopus); số đề tài NCKH cấp nhà nước, bộ, ngành, tỉnh, thành phố cũng tăng lên đáng kể, khẳng định năng lực NCKH của HUFI. Các chuyển giao, dịch vụ KHCN với nhiều sản phẩm đã được nghiên cứu chuyển giao, có giá trị cao về công nghệ; kinh phí đầu tư hoạt động KH-CN tăng cao, chiếm tỷ lệ 8% tổng kinh phí hàng năm.

Nhà trường ký kết hợp tác với nhiều đơn vị

Sẵn sàng cho những mục tiêu lớn

Tự chủ đại học là vấn đề mới đối với giáo dục đại học Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học nếu tận dụng tốt và có đủ năng lực quản trị đại học, sẽ tạo ra cơ hội phát triển mạnh mẽ. Là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên thuộc Bộ Công Thương thực hiện cơ chế tự chủ, HUFI đã tận dụng tốt cơ chế tự chủ để tự khẳng định thương hiệu và phát triển trên nền tảng nguồn lực được đầu tư có trọng điểm.

Xác định được bối cảnh toàn cầu hóa và tận dụng những lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0, cộng với định hướng xây dựng và phát triển HUFI trở thành một trường đại học ứng dụng hàng đầu ở Việt Nam và có vị thế trong khu vực, nhà trường xác định hoạt động NCKH của HUFI tiếp tục được quan tâm và định hướng trong thời gian tới, sẽ tiếp tục được đầu tư và đẩy mạnh. Cụ thể, nhà trường sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ có năng lực NCKH, có khả năng thực hiện đề tài, dự án NCKH các cấp; có khả năng làm dịch vụ khoa học và chuyển giao công nghệ. Xác định các hướng nghiên cứu thế mạnh của HUFI, xây dựng các nhóm nghiên cứu khoa học mạnh để làm tiên phong trong các lĩnh vực thế mạnh NCKH của HUFI.

Đồng thời, gắn hoạt động NCKH với đào tạo, tăng cường NCKH không chỉ đối với cán bộ, giảng viên mà cả người học, áp dụng các kết quả NCKH vào trong hoạt động đào tạo. Xây dựng các đơn vị KH - CN nhằm mục đích nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa các kết quả NCKH của HUFI; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, semina, workshop nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Xây dựng chính sách cho hoạt động KH-CN phù hợp để phát triển nhanh hoạt động KH-CN của HUFI; phát triển tạp chí KH-CN và thực phẩm trở thành tạp chí khoa học có uy tín ở trong nước. Kết hợp với các doanh nghiệp để triển khai nghiên cứu, phát triển công nghệ áp dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tạo môi trường NCKH cho giảng viên trẻ, sinh viên, gia tăng chất lượng các đề tài cấp cơ sở, gắn liền với việc ứng dụng đề tài cơ sở trong các lĩnh vực khác nhau.

Như vậy, tự chủ đại học đã đưa lại cho HUFI nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó, hoạt động NCKH là một trong những nhiệm vụ mà HUFI đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Với định hướng và chính sách phù hợp cho hoạt động NCKH hy vọng trong thời gian tới HUFI tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa..

Là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương, đến nay, HUFI trở thành một trong số ít các trường đại học được phép tự chủ hoàn toàn, kể cả chi thường xuyên, chi đầu tư.

PGS.TS NGUYỄN XUÂN HOÀN - Hiệu trưởng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/truong-dai-hoc-cong-nghiep-thuc-pham-tp-ho-chi-minh-tang-toc-nho-tu-chu-147679.html